Nuôi chim yến tại nhà: Không nhất thiết gom lại một vùng quy hoạch - 11g00 12/08/2020

(VOH) - Chim yến nhà ngày càng phân bố rộng khắp các địa phương trong cả nước, nghề nuôi chim yến đã và đang phát triển ở nước ta.

 

Việc nuôi chim yến trong nhà cũng như hiệu quả của việc dùng yến sào ngày càng được nhiều người biết đến. Lượng nhà nuôi chim yến được xây dựng bùng phát tại các địa phương đã tạo nên một làn sóng mới trong sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong cộng đồng xã hội. Thực tế tiềm năng phát triển nghề nuôi chim yến của nước ta là rất lớn. Lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật cần khai thác tốt nhất để phát triển nghề nuôi chim yến, mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương. Thức ăn chủ yếu của chim yến là côn trùng bay như rầy nâu, rầy xanh, mối, côn trùng bay trong thiên nhiên. Vì vậy, chim yến có thể được xem là loài dùng để đấu tranh sinh học và bảo vệ mùa màng cho nhà nông. Xung quanh vấn đề quy hoạch và phát triển loại hình nuôi chim yến ở TP.HCM, phóng viên Lệ Loan đã phỏng vấn ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế quản lý Thành phố. Mời quý vị cùng theo dõi:

* VOH: Thưa ông, ông cho một vài đánh giá về việc phát triển loại hình kinh tế nuôi chim yến ở Cần Giờ hiện nay.

Ông Trần Quang Thắng: Cần Giờ hiện nay phát triển có tính quy hoạch ban đầu, quy hoạch một số nhà yến điển hình mà thôi, cỡ chừng 10 nhà yến là quy hoạch theo định hướng thành những cụm để tạo sự thuận lợi cho những nhà yến tập trung phát triển. Còn lại rất nhiều hàng trăm, hàng ngàn nhà yến khác người ta phát triển tại nhà ở bất cứ nơi nào thuận lợi. Như vậy bài toán đặt ra là chúng ta cần hoạch định hoàn thành những khu nuôi nhà yến chuyên biệt hay không.

* VOH: Như vậy, nuôi chim yến ở TPHCM đang bộc lộ những vấn đề gì, tại sao? Và chúng ta cần giải quyết câu chuyện này thế nào?

Ông Trần Quang Thắng: Theo kinh nghiệm của thế giới, và thực trạng ở Việt Nam chúng ta có những nhà yến ngay trung tâm đô thị người ta triển khai và vận động rất tốt, như ở cư xá Thanh Đa có nhà yến ở ngay trung tâm đông đúc có người dân ở và chim yến lại sống chung với người luôn. Mấy tầng dưới người ở, tầng trên nuôi chim yến nhưng không hề gây tiếng ồn.

Cái khó lúc ban đầu phải tạo âm thanh để lôi cuốn yến về, thứ hai nữa là âm thanh gọi đàn, theo kiểu giống như chim mẹ ru con, gọi là âm thanh ở ngoài và ở trong, âm thanh ở trong là của gia đình, âm thanh ngoài là gọi đàn. Ban đầu bắt buộc phải có âm thanh để gọi chim yến về ở, sau đó có vấn đề là tạo độ ẩm và nhiệt độ thích hợp và tạo nguồn thức ăn phù hợp cho chim yến. Ban đầu người ta không biết cung cấp thức ăn gì, sau này nghiên cứu và cung cấp ra luôn để dụ chim yến về, nó sinh sống thuận lợi thì sẽ về đông hơn.

Những lúc khó khăn không có nguồn thức ăn thì chim yến có thể bổ sung nguồn thức ăn hiện tại ở trong nhà, và một vấn đề khác nữa là nuôi chim yến như thế thì có gây dịch bệnh H5N1 hay không? Có một thời gian chúng ta đưa nó vào gia cầm, tiêu diệt luôn cả chim yến, nhưng thực ra đây là vấn đề phải xem lại. Bởi vì chim yến là loài chim thiên nhiên, nó không bệnh gì hết, tới giờ người ta chưa thấy chim yến nó bị bệnh gì. Nếu nó có bệnh là do nó kiệt sức bay nhiều, ngày có thể bay 400 cây số/ngày. Và quá trình vận động tiêu hao năng lượng nhiều như vậy, giúp cho cơ thể có tính miễn dịch rất mạnh, nó là con chim được chọn lọc mấy ngàn năm rồi, nó ăn ở trên không trung. Do đó, vấn đề mắc dịch chưa khẳng định gì hết. Nếu ở trong khu dân cư nuôi chim yến có gây ra dịch bệnh không thì cũng chưa có cơ sở nào.

Một số vấn đề chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu và các nhận định phải công bằng để khuyến khích người dân tiếp tục mô hình kinh doanh này để cải thiện cuộc sống. Chim yến là loại chim sống tự lực, nếu chúng ta không đưa nó vào nuôi theo kiểu tập hợp một vùng không gian kín, thì tự bản thân nó kiếm ăn lấy thôi. Mà nếu yến sống theo thiên nhiên thì cho chất lượng yến tốt hơn, bảo đảm ít bệnh tật, còn những con chim nuôi có bệnh hay không thì người ta sẽ có những đúc kết.

* VOH: Như vậy theo ông, cần quy hoạch thế nào để mô hình nuôi chim yến đem lại hiệu qủa kinh doanh cao nhất cho người dân?

Ông Trần Quang Thắng: Nếu chúng ta quy hoạch thành những vùng để có thể giám sát, tập trung nghiên cứu chim yến thì cũng tốt, nhưng những chương trình người ta ổn định xưa nay, phát triển tốt đàn yến, bấy giờ phát triển nuôi yến bằng hình thức khác nữa, bởi vì chim yến nghe được âm thanh mà người không thể nghe được, cho nên có thể gọi đàn bằng âm thanh, người ta dẫn dụ chim yến về được tại nhà nuôi yến, thì sau đó người ta có thể chỉnh âm thanh nhỏ lại nó vẫn vào như thường chứ không cần phải vặn to lên, mà không phải vặn to là chim vào, vặn to chim sợ chạy luôn nữa. Cho nên nuôi chim yến không hẳn là phiền. Có lẽ theo phân tích của những chuyên gia, nhà khoa học, những người nuôi chim yến mà thành công, không làm phiền hàng xóm gì hết thì chúng ta nên đúc kết lại kinh nghiệm chia sẻ cho nhau cách làm để làm linh hoạt hơn, chứ không nhất thiết gom lại một vùng quy hoạch mới được phép nuôi.

* VOH: Xin cảm ơn ông!

VOH

Bình luận

Đọc Báo