Nhìn lại tuần làm việc thứ 2 – kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV - Thời sự 11g00 03/11/2018

(VOH) – Quốc hội đã kết thúc tuần làm việc thứ 2 – kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về nhiều nội dung quan trọng...

Quốc hội đã kết thúc tuần làm việc thứ 2 – kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XIV , các đại biểu đã thảo luận ở hội trường về nhiều nội dung quan trọng, như: Kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019-2021… Đáng chú ý, Quốc hội dành 3 ngày của tuần làm việc thứ 2 này để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với hình thức không chất vấn thành viên Chính phủ cụ thể mà chọn bất kỳ người nào, giám sát theo các nghị quyết kể từ kỳ họp thứ hai.

Quốc hội khóa XIV

Kỳ học thứ 6 - Quốc hội khóa XIV

Cuối giờ chiều ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ 2, sau khi các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến đầu tư công và thu chi ngân sách nhà nước, thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đã giải trình, làm rõ thêm một số nội dung về chủ trương xây dựng Nhà hát Giao hưởng của Thành phố: “Đây là dự án đã được Chính phủ phê duyệt trong tổng phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, trong đó có nêu Dự án Nhà hát Giao hưởng nhạc và vũ kịch là dự án ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách TP trong giai đoạn này, giai đoạn 2011 – 2015. Nhưng do chưa xác định vị trí để tạo sự đồng thuận, còn có ý kiến khác nhau, cho nên đến bây giờ thì lãnh đạo TP và HĐND TP mới quyết định xây dựng Nhà hát Giao hưởng và chủ trương đầu tư để tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng; Chúng tôi dự kiến từ 1 đến 5 năm thì mới có thể hoàn thành được Nhà hát Giao hưởng này và giải ngân vốn theo từng giai đoạn. Còn vấn đề Thủ Thiêm thì Lãnh đạo TP vẫn đang tiếp tục đồng hành để giải quyết vấn đề này một cách rất thận trọng, chặt chẽ, đảm bảo quyền và lợi ích của người dân Thủ Thiêm, đúng với quy định pháp luật và phù hợp với thực tiễn của TPHCM. Ban Thường vụ TPHCM cũng đang tập trung rất quyết liệt để lãnh đạo và chỉ đạo giải quyết vấn đề Thủ Thiêm theo kết luận của Thanh tra Chính phủ”.

Trong phiên chất vấn kéo dài 3 ngày (từ ngày 30/10 đến 01/11), 135 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi và có 82 lượt tranh luận về nhiều vấn đề nóng, các đại biểu tập trung thảo luận một cách sôi nổi và thẳng thắn, với nhiều thông điệp mạnh mẽ. Nhiều đại biểu đánh giá cao về cách thức chất vấn tại kỳ họp thứ 6 khi Quốc hội giám sát lời hứa của các thành viên Chính phủ từ kỳ họp thứ 2 đến nay. Nội dung chất vấn có phạm vi rộng, nhiều nội dung liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành ở hầu hết lĩnh vực hành pháp, tư pháp. Phiên chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu và người chất vấn mà còn các đại biểu với nhau để làm rõ vấn đề.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa – đoàn TPHCM – cho rằng: Các đại biểu có tranh luận lẫn nhau, đây là chuyện rất tốt, rất bình thường. Ví dụ như Luật phòng, chống tham nhũng, 3 kỳ họp mà các đại biểu vẫn còn có ý kiến khác nhau và vẫn tranh luận. Việc này nhằm xây dựng một văn hóa nghị trường trước hết đặt lợi ích của nhân dân đất nước lên trên và tôn trọng lẫn nhau:Vừa rồi, trên mạng xã hội, trên một số phương tiện thông tin là có một số hiện tượng quy chụp đại biểu, và chúng tôi đề nghị là tuyệt đối tránh việc này, và chúng ta xây dựng một văn hóa nghị trường trước hết đặt lợi ích của nhân dân đất nước lên trên và tôn trọng lẫn nhau. Chúng ta có quyền tranh luận nhau, ví dụ đại biểu này nói thế này, chúng ta không đồng ý vì ý kiến của đại biểu nêu tôi thấy chưa đúng, chưa chính xác. Nhưng chúng ta không được quy chụp động cơ của đại biểu này hay đại biểu khác, vì điều đó tạo ra một không khí không lành mạnh, và điều này sẽ cản trở một hoạt động hết sức dân chủ của Quốc hội ta. Và cho đến nay thì đã diễn ra một cách rất tốt đẹp.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn có thể coi là một cuộc sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ đối với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn; thể hiện thái độ trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát đến cùng đối với những quyết định về những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài báo cáo phát biểu làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trực tiếp trả lời một số đại biểu có câu hỏi chất vấn. Trước Quốc hội và Quốc dân đồng bào, Thủ tướng khẳng định nhiệm vụ của chúng ta là phải kiến tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy giảm nghèo nhanh và bền vững, mọi người dân đều có cơ hội cùng tiến lên chứ không phải bị bỏ lại phía sau: “Đàn chim sẽ bay nhanh hơn rất nhiều nếu mọi con chim cuối đàn đều có chung khát vọng, vượt lên chính mình, bay nhanh hơn nữa để có cơ hội gia nhập vào nhóm đầu đàn. Nếu tất cả 63 tỉnh thành, tất cả chúng ta ngồi đây, cùng toàn bộ hệ thống chính trị cùng chung khát vọng đó, trong mọi hoàn cảnh trên từng chặng đường phát triển của đất nước thì chắc chắn Việt Nam sẽ tiến một bước rất dài đến con đường thịnh vượng, sánh vai được với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ năm xưa”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nếu giữ được tốc độ tăng trưởng thì đến năm 2045, mốc lịch sử 100 năm nước nhà độc lập 1945-2045, quy mô GDP nước ta nước tính sẽ đạt mức khoảng 2.500 tỷ đô la Mỹ, thu nhập bình quân đầu người gần 18.000 đô la Mỹ/người. Đây là mục tiêu thách thức rất lớn và chúng ta phải không ngừng phấn đấu nhằm hiện thực hóa.

Một điểm nhấn nổi bật cần được nhắc đến trong tuần làm việc thứ 2 này là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Hiệp định (CPTPP) được đánh giá là một Hiệp định Thương mại Tự do chất lượng cao và toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay: “Trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị Thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ đa phương hóa, đa dạng hóa, đi đôi với củng cố tăng cường quốc phòng, an ninh. Hiệp định CPTPP khi đi vào triển khai sẽ góp phần tăng cường sự đan xen lợi ích, làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa ta với các nước thành viên CPTPP. Đặc biệt là các nước thành viên có quan hệ đối tác chiến lược với ta. Bên cạnh những thuận lợi, tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế, v.v… Việc mở cửa các hoạt động kinh tế đi kèm với các quy định về lao động, minh bạch hóa, chống tham nhũng, v.v… đòi hỏi chúng ta cần chủ động nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước Quốc tế, nhưng cũng đảm bảo chắc chắn sự ổn định về chính trị, xã hội của ta”.

Đại biểu đã lắng nghe ý kiến và đã trả lời thẳng thắn những vấn đề cử tri quan tâm; Tinh thần khẩn trương, nhanh gọn, hiệu quả đã được thấy rõ trong tuần làm việc thứ 2 – kỳ họp thứ 6 – Quốc hội khóa XIV.

Tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; Việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Thảo luận ở tổ về: dự án Luật Kiến trúc; Biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019…

Minh Phước

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo