Nhìn lại kinh tế TPHCM 2019 và những tín hiệu lạc quan (P2) – Thời sự 5g30 21/2/2020

(VOH) - Năm 2020, TPHCM tập trung phát triển các nhóm, ngành có sản phẩm chủ lực mà thành phố xác định gồm: Cơ khí-tự động hóa, điện-điện tử, CNTT, công nghệ sinh học, y tế và nông nghiệp.

Để đảm bảo cho Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương có đủ nguồn lực, điều kiện phát triển bền vững, năm nay, Thành phố sẽ trình Chính phủ thực hiện Đề án xây dựng tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố cùng các địa phương giai đoạn 2021 – 2025 nhằm tạo nguồn lực tương xứng và động lực mạnh mẽ cho thành phố phát triển. Cùng với đó, thành phố đề xuất thực hiện “Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh”, xây dựng một trung tâm tài chính mang tầm vóc khu vực và quốc tế. Những đề án này được hiện thực hóa, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có điều kiện phát triển vượt trội, đem lại nguồn thu lớn cho quốc gia.

Năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung phát triển các nhóm, ngành có sản phẩm chủ lực mà thành phố xác định gồm: Cơ khí - tự động hóa, điện - điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, y tế và nông nghiệp. Trong năm qua, các nhóm ngành này đã có mức tăng trưởng khá cao với hơn 7%, trong đó, ngành điện tử tăng gần 22%; ngành cơ khí gần 8%. Hiện, sản phẩm chủ lực của thành phố ở các ngành như: Công nghiệp chiếm 54% giá trị toàn ngành; nông nghiệp chiếm 61% giá trị toàn ngành. Các sản phẩm chủ lực này có khả năng thay thế, cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và hướng đến thị trường xuất khẩu bền vững. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Võ Trí Thành – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, hiện thành phố chưa khai thác hết tiềm năng của nhóm ngành chủ lực này, bên cạnh đó, sự liên kết giữa các nhóm sản phẩm này thiếu chặt chẽ, chưa có đầu ra bền vững, chưa xây dựng được thương hiệu của sản phẩm một cách bài bản, và chưa phát huy hết tiềm lực để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của thành phố: “Chúng ta chưa đau đáu về tầm nhìn, chiến lược, về những ưu tiên, ví dụ hình ảnh, lĩnh vực, sản phẩm nào ưu tiên. Hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai chúng ta muốn gì, và đằng sau đó là hoạt động hỗ trợ. Cái này đòi hỏi cả một sự nỗ lực dài hạn, bền bỉ, cả một sự đánh giá rủi ro mang tính cạnh tranh để mà mình quản trị được nó. Do đó xây dựng thương hiệu cũng rất quan trọng, nhưng quản trị thương hiệu có khi còn quan trọng hơn”.

Theo các chuyên gia, có 3 nhóm yếu tố cần cải thiện để trở thành động lực chính cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2020 và những năm tiếp theo, đó là khai thác khu vực kinh tế tư nhân, cải cách thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh, khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động. Mặt khác, cần tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản đang cản trở sự đi lên của thành phố. Về điều này, Tiến sĩ Trần Du Lịch – Thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra, Thành phố Hồ Chí Minh có quá nhiều dự án, công trình bị ngừng trệ, phần lớn là các dự án liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, từ hạ tầng giao thông, xử lý chống ngập, đến các công trình xây dựng phúc lợi liên quan đầu tư công như dự án BT, BOT, thậm chí một số dự án bất động sản liên quan đến xây dựng khu dân cư, kể cả nhà ở xã hội, cải tạo các chung cư cũ đều bị nghẽn về thủ tục. Điều nhất thiết phải làm ngay, làm nhanh, làm rốt ráo trong năm nay chính là Thành phố Hồ Chí Minh phải khai thông cho được những ách tắc này. Chính quyền Thành phố cần đồng hành với doanh nghiệp tham gia các dự án, cùng các bộ ngành của Chính phủ để gỡ các điểm nghẽn để hấp thụ được vốn. Có như vậy mới tạo được nền tảng để Thành phố giải quyết được mọi vấn đề: “Cái mà Thành phố cần quan tâm là hiện nay, sự phát triển của thành phố bất cập nhiều thứ. Để thể hiện vai trò trung tâm thành phố có rất nhiều bất cập. Ví dụ, cơ sở hạ tầng, kết nối, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, chiến dịch cơ cấu kinh tế cũng bất cập. Và đặc biệt, để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là nơi lập nghiệp thành công của doanh nghiệp cả nước, thì đây là môi trường đầu tư. Tôi ví dụ, bây giờ Chính phủ đặt vấn đề là Việt Nam hướng tới năng lực cạnh tranh quốc gia, phải ở tầm ASEAN 4, Thành phố Hồ Chí Minh phải đi đầu trong vấn đề này, thì mới trở thành trung tâm. Nói nôm na, thành phố phải có một sự vượt trội”.

Mặt khác, tăng cường sự kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận để mở rộng dư địa phát triển, phát huy và khai thác tốt lợi thế của từng ngành, từng địa phương. Việc áp dụng cơ chế liên kết vùng chặt chẽ sẽ giúp Thành phố và các địa phương xây dựng được các chuỗi giá trị ngành hàng. Thành phố sẽ là điểm tập kết, sản xuất tinh chế hoặc xuất khẩu hàng hóa giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm công - nông nghiệp trong vùng, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, thành phố cần đưa ra các cảnh báo về biến động thị trường trong nước và quốc tế; Cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp.

Trước mắt, để tăng nguồn thu cho Thành phố Hồ Chí Minh trong điều kiện khó khăn hiện nay, theo Tiến sĩ Võ Trí Hảo – chuyên gia kinh tế Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, khi tuyến Metro số 1 đi vào hoạt động, các cao ốc, văn phòng và khu đất quanh khu vực đó sẽ tăng giá trị, nhà nước nên thu thêm một phần giá trị gia tăng đó gọi là phí cải thiện để có thêm kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng của thành phố. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác nguồn thu từ tài nguyên từ đất, đây là một nguồn thu rất lớn: “Có rất nhiều tài sản công, đặc biệt là đất đai, chúng ta biết là đang sử dụng dưới tiềm năng. Rất nhiều khu vực là chỉ để làm quán nhậu. Có những khu vực không làm quán nhậu, như là thư viện ở cấp quận chẳng hạn, thì thử đếm xem trong một tháng, một năm phục vụ cho bao nhiêu người đọc, buổi tối lại biến thành bãi gởi xe. Theo tôi tất cả những tài sản công đó mà sử dụng dưới tiềm năng, thì cần rà soát đánh giá lại và tiến hành đấu thầu. Như vậy, khi chúng ta thay đổi tài sản đó không chuyển giao chủ sở hữu, nhưng chúng ta thay đổi cách thức tổ chức, khai thác và quản lý đấu thầu thì tôi nghĩ, đó là nguồn thu vô cùng lớn mà các địa phương như Hà Giang, Cao Bằng không thể mơ ước được. Bởi vì, một mảnh đất vàng ở đường Lê Duẩn Thành phố Hồ Chí Minh có thể tương đương với ngân sách 10 năm của một tỉnh khác”

Năm 2020, đầu tư của Nhà nước chỉ còn 16%, còn lại 84% là doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài. Đầu tư của Nhà nước chủ yếu dành cho phát triển hạ tầng kinh tế-dịch vụ là chính; Nhà nước sẽ không đầu tư vào việc sản xuất, kinh doanh cơ bản. Như vậy, động lực tăng trưởng kinh tế từ 2020 chính là doanh nghiệp tư nhân và đầu tư nước ngoài. Muốn tăng trưởng cao hơn nữa, không phải tăng đầu tư của Nhà nước mà làm sao để đầu tư của Nhà nước cùng với quy hoạch và chính sách của Nhà nước có vai trò dẫn dắt cho đầu tư của tư nhân và đầu tư nước ngoài phát triển. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội Thành phố Hồ Chí Minh năm 2020, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu: “Bây giờ mình nhìn lại 2019 bên cạnh cái đạt được, người dân và doanh nghiệp có lo cái gì không. Họ lo thấy mình giải quyết còn chậm. Chúng ta có Luật pháp trong tay, có chính quyền Đảng bộ trong tay, chúng ta có sợ sẽ sai Luật không. Không chứ. Chúng tôi đề nghị chúng ta phải khẳng định với đồng bào doanh nghiệp, lãnh đạo ủy ban các cấp, lãnh đạo các sở, làm đúng chức năng, làm đúng pháp Luật thì không sợ sai. Và từ đó chúng ta phải quyết tâm làm cho nhanh kịp thời. Để phát triển kinh tế, thì phát triển con người, văn hóa là tiền đề trực tiếp, cho nên bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ năm nay, chúng ta đẩy mạnh khơi dậy sức mạnh văn hóa, sức mạnh con người chính là phát huy văn hóa để làm kinh tế tốt hơn. Kinh tế tốt hơn thì lại lo văn hóa tốt hơn”.

Cũng theo Bí thư Thành ủy, năm 2020, thành phố xem xét, xây dựng 4 nhóm chương trình phát triển của thành phố gồm: đổi mới mạnh mẽ quản lý; đột phá phát triển hạ tầng; đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, các sản phẩm chủ lực; phát triển nguồn nhân lực và phát huy văn hóa. Trong đó, nhiệm vụ 5 năm tới của thành phố là sẽ tập trung cho phát triển hạ tầng. Thành phố đã xác định 11 dự án chuẩn bị thực hiện để dẫn dắt kinh tế tư nhân như hạ tầng giao thông, hạ tầng xử lý nước thải, hạ tầng cấp nước, hạ tầng công nghiệp, dịch vụ, có chính sách hỗ trợ về giao đất, thuế…

Lệ Loan

VOH

Bình luận

Đọc Báo