Nhà báo thời công nghệ số - Thời sự 17g00 20/06/2019

(VOH) - Cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, đặt ra cho đội ngũ những người làm báo luôn ở trạng thái “đua”: đua thông tin với cơ quan báo chí bạn, đua thông tin với mạng xã hội…

Xu hướng tiếp cận báo chí, tiếp cận thông tin của người đọc, người nghe, người xem cũng đã khác trước. Thách thức này buộc nhà báo, không chỉ có “trách nhiệm” với cái nghề của mình, mà phải có “trách nhiệm xã hội” - đó là tiếp tục dấn thân, tỉnh táo trước nguy cơ cám dỗ, bảo vệ sự thật đến cùng tận. 

nhà báo, nghe thời sự VOH, Thời sự 17g00

Các phóng viên tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: Thoibaotaichinh

Nhà báo ở mọi thời đại, dù chuyển tải tác phẩm báo chí ở thể loại gì, đều hướng đến mục tiêu là đưa thông tin khách quan, chính xác đến độc giả. Với Phóng viên trẻ Anh Nhàn, công tác ở cơ quan đại diện Báo Lao động tại thành phố Hồ Chí Minh, trước cuộc đua của công nghệ và thông tin trên mạng xã hội, mỗi tờ báo và mỗi phóng viên phải ý thức được việc kiểm chứng nguồn tin kĩ càng, đưa thông tin trung thực để tờ báo là địa chỉ tin cậy của độc giả. Anh Nhàn cũng nhận thức rằng, cuộc đua của công nghệ khiến những loại hình báo chí truyền thống không tiếp cận được đông đảo người xem. Báo giấy không còn là món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người, mỗi nhà mà thay vào đó, báo điện tử đã chiếm ưu thế, cập nhật từng phút từng giây trên mặt báo: “Vì thế, mỗi nhà báo không ngừng nâng cao nghiệp vụ và đa dạng các hình thức thể hiện trên mặt báo. Từ video, hình ảnh, tường thuật trực tuyến từ hiện trường, đến các bài longform, infographic, biểu đồ, đồ họa cần được đa dạng và cần nhiều cách tiếp cận, nhiều cách thể hiện để thu hút bạn đọc”

Nhiệm vụ chính của nhà báo, là cung cấp thông tin đúng sự thật và khách quan cho độc giả. Hay nói cách khác, mỗi tờ báo phải là nơi kiểm chứng đáng tin cậy cho độc giả, trước một rừng tin thật giả, tốt xấu lẫn lộn của thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Theo Nhà báo Mạnh Tùng – Báo điện tử VnExpress, mỗi tờ báo, bản tin phải là nơi độc giả tìm đến để cảm thấy yên tâm, để khẳng định một quan điểm giữa những ngã rẽ khác nhau về cách hiểu, cách nghĩ trước những vấn đề, biến động xã hội. Bởi vì, xu hướng tiếp cận báo chí nói riêng và thông tin nói chung của công chúng đã thay đổi. Nhận thức và trình độ của công chúng được nâng lên rõ rệt, hơn hẳn vài thập niên trước đây, Mạnh Tùng bày tỏ: “Bây giờ độc giả tìm đến báo chí, truyền hình, phát thanh không còn ở hướng thụ động một chiều mà chính họ là người đánh giá, bổ sung, thậm chí phản biện, phản bác thông tin đó. Do đó, trình độ và hiểu biết ở từng lĩnh vực mà nhà báo theo dõi chí ít phải bằng với trình độ độc giả. Theo tôi, trách nhiệm của nhà báo trở nên nặng nề hơn khi vừa phải làm tốt, làm đúng nhiệm vụ của chính mình, vừa phải nâng cao trình độ. Dung hòa được những điều trên không dễ, mà mỗi người làm báo cần cố gắng nhiều hơn”

Đối với Nhà báo Hùng Khoa – công tác tại cơ quan đại diện báo Quân đội nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề đạo đức trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội là vấn đề lớn và “nóng” trong đời sống báo chí hiện nay. Vậy, nhà báo đăng gì, viết gì cho đúng trên mạng xã hội cá nhân, phổ biến nhất là facebook? Ở khía cạnh tích cực, Phóng viên Hùng Khoa cũng cho rằng có rất nhiều thông tin trên mạng xã hội là nguồn thông tin tham khảo bổ ích đối với báo chí. Mạng xã hội cũng là công cụ để người làm báo trao đổi, liên lạc thông tin nhanh chóng với đồng nghiệp, với nguồn tin… Tuy nhiên, có một thực tế cần nhìn nhận, là tình trạng nhà báo sử dụng công cụ Facebook quá đà, đăng tải, viết bài, bình luận chưa chuẩn mực hoặc đăng tải thông tin chưa khách quan, gây nhiễu thông tin… Cho nên, “cái đầu lạnh và trái tim nóng” của người làm báo hơn bao giờ hết phải được nhà báo rèn giũa bản lĩnh từng giờ: “Theo tôi, hiện nay khi tham gia mạng xã hội, làm thế nào để có một cái đầu lạnh và trái tim nóng, nhà báo phải thường xuyên cập nhật chủ trương, quan điểm tuyên truyền của các cấp, quán triệt tốt tôn chỉ, mục đích của tờ báo, chỉ nói, viết, đăng tải trên mạng xã hội những vấn đề khách quan đã được kiểm chứng, theo chiều hướng xây dựng tích cực, định hướng dư luận xã hội. Muốn vậy, hơn lúc nào hết, nhà báo phải tự rèn luyện tự tu dưỡng mọi lúc mọi nơi. Cùng với đó, cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí các cấp”  

Nhà báo Thanh Truyền - Báo Mực tím khẳng định, cho dù nhà báo đóng vai gì trên mạng xã hội: một người sử dụng mạng xã hội bình thường, hay với vai trò là nhà báo thì đều phải có trách nhiệm với thông tin mà mình đưa ra. Bởi vì thông tin đó có ảnh hưởng rất lớn đến những người liên quan, đến cộng đồng, xã hội, thậm chí là cả lợi ích của một quốc gia: “Hiện nay, chúng ta không chỉ làm báo theo công thức “5W + 1H” của tin tức bình thường, mà còn thêm một chữ W quan trọng nữa: “What for” – tức là đưa thông tin đó nhằm mục đích gì. Tôi nghĩ, mục đích cuối cùng quan trọng nhất vẫn là những lợi ích, giá trị cộng đồng mà nó mang lại. Điều đó nó thể hiện trách nhiệm xã hội của một người làm báo”

Có thể nói, xu hướng tiếp cận báo chí và tiếp cận thông tin của công chúng đã thay đổi. Cuộc đua thông tin trong thế giới phẳng, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra cho đội ngũ làm báo nhiều thách thức. Đó là bản lĩnh chính trị vững vàng, là trau dồi kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực mình chuyển tải, là đạo đức với nghề luôn đi đến tận cùng sự thật… Xã hội càng phát triển thì trách nhiệm xã hội của nhà báo lại càng cao.

Thùy Linh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo