Người trẻ dần khẳng định cái tôi trong sáng tác văn chương - Thời sự 5g30 28/10/2018

(VOH) - Trong dòng chảy văn học hiện nay, có lẽ, nhiều quan tâm của độc giả sẽ là những sáng tác của các cây bút trẻ.

Bởi vì ngoài phản ánh chính tâm tư của người trẻ hiện  nay, họ còn là người kế thừa, phát triển văn chương nước nhà. Vậy hiện nay, người trẻ đang viết gì về cuộc sống, sáng tác của họ đã đáp ứng được nhu cầu đọc hiện nay hay chưa?

Ở các tác phẩm hiện nay thì người trẻ luôn đóng vai trò lớn với những sáng tác của mình, đáp ứng phần nào nhu cầu đọc cho công chúng. Đó là những nhà thơ gây dấu ấn mạnh mẽ, như các tập thơ của nhà thơ Phong Việt “Đi qua thương nhớ”, “Về đâu những vết thương”, “Sao phải đau đến vậy”, hay Nồng Nàn Phố với “Anh ngủ thêm đi em phải dậy lấy chồng”, “Yêu lần nào cũng đau”, “Mang san hà đổi lấy suy nhất một người thương”, hoặc nhà thơ Tạ Anh Thư với “Người lạ”, Du Phong với “I”, Nguyễn Thiên Ngân “Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trời”... Với lợi thế thơ của các tác giả này là cá tính, phản ánh được tình cảm, ngôn từ chọn lọc riêng và hơn nữa đã được bạn đọc ủng hộ trên trang cá nhân nên khi sách in ra thì hết rất nhanh dù bản in khá nhiều.

Bên cạnh đó, mảng sách văn cũng có những tạo nên cơn sóng trên thị trường với các tác giả Anh Khang, Kai Hoàng, Tiểu Quyên, Hồ Huy Sơn, Võ Thu Hương, Nguyễn Duy Quyền, Phương Huyền, Hoàng Khánh Duy,... Các tác giả trẻ này đã lựa chọn cho mình nhiều cách viết, cách tiếp cận đọc giả, từ tản văn đến truyện ngắn, từ tạp bút đến truyện dài, từ sách văn học đến sách kĩ năng, du lịch. Nhưng dù với đề tài nào, thể loại nào cũng đã có những khởi sắc. Nếu như tác giả Anh Khang làm mưa làm gió với thể tài tản văn “Buồn làm sao buông”, “Ngày trôi về phía cũ”... thì tác giả Thái Cường lại chọn cho mình thể loại tiểu thuyết khi bắt đầu đến với văn chương, hay tác giả Kai Hoàng hoài niệm về thời tuổi nhỏ với tản văn thì cũng rất duyên với thơ tình...

Có thể thấy, ngày nay, các người viết trẻ đã mạnh dạn thử sức mình ở nhiều thể loại, sách văn học đến sách kỹ năng, tâm lí và đã mang đến nhiều lựa chọn cho độc giả. Nguyễn Duy Quyền – tác giả của cuốn “Sài Gòn trong Sài Gòn”, “Đời có bao lần cho ta đôi mươi” chia sẻ về con đường sáng tác của mình: "Bản thân em ngay từ khi bắt đầu viết thì em đi bằng hướng khác, viết chuyên về gia đình về quê hương. Còn hướng sắp tới của em thì em cũng sẽ thử theo đề tài tình yêu. Nhưng mà cách viết của em nó sẽ không giống như các quyển sách trên thị trường bây giờ".         

Lựa chọn cho mình một hướng đi riêng, đó có thể là viết về đô thị, về những vụn vỡ của tình yêu hay viết về thân phận của người trẻ ở nông thôn, nông dân. Nhưng song song đó, họ cũng muốn thử thách mình thêm ở đề tài khác, có khi là một con đường khó khăn, đòi hỏi tốn nhiều tâm sức. Nhà văn trẻ Hoàng Khánh Duy – tác giả cuốn sách mới nhất “Cỏ dại” cho biết: "Bản thân mình người trẻ sẽ viết về những vấn đề cuộc sống. Những vấn đề đó không phải là những vấn đề vĩ đại mà người trẻ có thể viết những vấn đề bình thường trong cuộc sống thôi. Nhưng qua câu chuyện đó người trẻ sẽ gửi gắm thông điệp gì, một ý nghĩa nhất định. Phải đọng lại trong lòng những suy ngẫm về cuộc đời. Một chút gì đó về niềm tin về hy vọng sống. Ngoài những thân phận con người, số phận con người mình còn viết về chiến tranh. Việc người trẻ biết về chiến tranh, viết về chiến tranh là việc nên làm".

Có thể sẽ là những vấp váp, có thể sẽ là thuận lợi, sẽ là những cuốn best seller trên thị trường sách hoặc là những cuốn chưa được công chúng biết đến nhiều, nhưng điều đó không làm cho các cây viết trẻ hiện nay tự phụ hoặc tự mãn. Mà ở họ, luôn luôn là sự sáng tạo, tìm tòi cách viết tốt, nội dung hay để đáp ứng nhu cầu đọc của độc giả. Và theo bạn đọc Nguyễn Hữu Tình ở Quận 1 thì sách của các tác giả trẻ hiện nay, phần nào đã đáp ứng đủ nhu cầu đọc: "Theo quan sát hiện nay của em thì em thấy các bạn trẻ hiện nay đa dạng trong cách viết với nhiều thể loại đề tài như là thơ, tản văn, truyện ngắn. Với số lượng sách hiện nay thì em thấy đã đáp ứng đủ nhu cầu đọc của độc giả trẻ. Trong các tác phẩm mới đây thì em thích cuốn Tuổi trẻ trong ví bạn mua được gì của Lý Thành Cơ – cuốn sách viết về tuổi trẻ và những chuyến đi. Nhiều thể loại đó đã làm cho thị trường sách sôi động và đáp ứng được nhu cầu đọc của độc gải trẻ hiện nay".

Sẽ là những khó khăn mà các cây bút trẻ gặp phải đó là việc xuất bản sẽ gặp khó vì chưa có nhiều người biết đến tên hoặc tác phẩm đầu tay chưa gây tiếng vang tốt. Sẽ là những cái nhìn nghiêm khắc, đòi hỏi cao hơn từ giới chuyên môn, công chúng khó tính nhưng các tác giả hiện nay, đã cố gắng khẳng định cái tôi cá nhân, cái nhìn về vấn đề lịch sử, chiến tranh hay du kí qua lăng kính người trẻ. Tác phẩm sau sẽ là những chỉn chu, trưởng thành và sẽ là chuyên nghiệp hơn trong cách tiếp cận. Đó là những bước đi âm thầm mà những tác giả trẻ hiện nay đang định hình. Nhà văn trẻ Thái Cường – tác giả cuốn tiểu thuyết mới nhất “Gam lam không thực” - người chọn tiểu thuyết làm thể loại cho sáng tác đầu tay của mình khẳng định: "Khi mình viết tác phẩm thì quan trọng là đề tài, cách mình đặt nhan đề. Cả về nội dung cách viết thì phải có cái gì đó để mà mình khai thác được, để mình có thể bật lên được so với người khác. Còn nếu cuốn sách mình viết nó cũng nhàn nhàn bình thường như những người khác, an toàn như những người khác thì thứ nhất nhà xuất bản sẽ không chú ý. Nếu người ta duyệt và đưa ra thị trường thì công chúng cũng không chú ý".

Dù rằng sẽ còn có nhận xét văn chương trẻ còn non trẻ nhưng tin rằng với sự nghiêm túc trong sáng tác, đầu tư trong cách tiếp cận, tìm tòi trong thể hiện thì văn chương trẻ sẽ tạo nên làn sóng mạnh mẽ trên văn đàn nước nhà. Và hơn hết, độc giả sẽ đón nhận những tác phẩm của các cây viết trẻ hiện nay với cái nhìn thiện cảm và đầy trân trọng.

Ngọc Bích

Bình luận

Đọc Báo