Người khuyết tật và những mong muốn giản đơn – Thời sự 5g30 3/12/2020

(VOH) – Hôm nay 3/12 là ngày Quốc tế Người khuyết tật.

Ngày Quốc tế Người khuyết tật do Chương trình Thế giới hành động về Người khuyết tật khởi xướng và được thúc đẩy bởi Liên hợp quốc từ năm 1992.
Đây là dịp để các cấp, các ngành, các tổ chức phi chính phủ và toàn xã hội thúc đẩy hơn nữa các hoạt động cụ thể, thiết thực hướng về người khuyết tật, đồng thời huy động hỗ trợ vật chất, tinh thần để giúp đỡ người khuyết tật, từng bước nâng cao nhận thức cho người khuyết tật để họ tự tin, tích cực tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 

Trên địa bàn TPHCM hiện nay có khoảng 63.000 người người khuyết tật. Hàng năm Thành phố cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 52.000 người, trong đó 4.376 người đang được nuôi dưỡng tại 10 cơ sở bảo trợ xã hội công lập. 523 người  đang được nuôi dưỡng tại 16 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập. Từ năm 2014 đến năm 2020, có 440 phụ nữ khuyết tật được Hội Liên hiệp Phụ nữ TP hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho hơn 1.300 lượt người. Ngoài ra, ngành giao thông vận tải cũng đã cấp trên 7.000 thẻ xe buýt miễn phí cho người khuyết tật. Về hoạt  động văn hóa, thể thao và du lịch, mỗi năm các sở ngành đều tổ chức các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với các hình thức phong phú phù hợp với người khuyết tật. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số người khuyết tật cho rằng về lĩnh vực giao thông vận tải có nhiều tuyến xe buýt vẫn còn bày tỏ thái độ kỳ thị với người khuyết tật, khi nhà nước cấp thẻ bảo hiểm bảo trợ thì chỉ sử dụng được ở tuyến dưới, như chia sẻ của anh Trần Minh Thái bị khuyết tật ở chân và tay, ngụ tại quận 9 cho biết: Có một số nhân viên còn hù dọa tôi là: tôi chụp hình của anh rồi dán lên các xe để tất cả xe của HTX không chở anh nữa! Tôi hy vọng TP trong thời gian tới sẽ đào tạo nhân viên có phong cách phục vụ tốt hơn. Còn về thẻ BHYT hiện TP đang cấp thẻ bảo trợ cho người khuyết tật. Tuy nhiên thẻ này chỉ nằm ở cấp quận thôi, khi có một số bệnh tật nặng tôi xin lên tuyến truyên nhưng tuyến dưới không giải quyết. Khi tôi muốn mua thêm thẻ bảo hiểm của tuyến trên thì công ty bảo hiểm nói nếu tôi mua thẻ khác thì bảo hiểm bảo trợ của tôi sẽ bị cắt”.

Còn chị Huỳnh Thị Cẩm Thúy, bị sốt bại liệt lúc nhỏ, hai chân đi lại khó khăn, gia đình thuộc hộ cận nghèo, mẹ chị Thúy năm nay 76 tuổi cũng sống một mình ở  Kiên Giang. Còn chị lên Thành phố học nghề, mong muốn: Đồng ý là cho người khuyết tật hoặc là học văn hóa hai là học nghề. Nhưng giữa văn hóa và nghề nó khác nhau. Có những nghề nó liên quan với nhau như nghề làm tóc sẽ liên quan tới làm móng, trang điểm. Nếu chỉ được học nghề trang điểm thì khi ra nghề không có cơ hội phát triển nhiều. Em tha thiết được học nghề trước và khi ra nghề thì hỗ trợ chúng em về dụng cụ hoặc thêm chi phí thì càng tốt. Còn nếu không thì cũng tạo điều kiện cho chúng em học cái nghề liên quan tới nhau để tụi em có khả năng phát triển và đi làm có năng suất hơn”.

Theo ông Phạm Ngọc Hoàng - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Quận 9 – Phó Viện trưởng Thường trực Viện chiến lược đổi mới sáng tạo cho rằng: mong muốn của người khuyết tật là được hỗ trợ về việc làm, y tế, việc đi lại và văn hóa. Như vậy, để giải quyết việc làm cho họ thì các doanh nghiệp có sẵn sàng đầu tư cơ sở để tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật hay không? Có chấp nhận những người làm việc kém hiệu quả không? Vì sản phẩm họ làm ra chắc chắn chất lượng không được bằng những người bình thường thì phía Sở Công thương có sẵn sàng kết nối với các siêu thị nhường một phần gian hàng cho sản phẩm doanh nghiệp hỗ trợ người khuyết tật hay không? Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần được ngân hàng hỗ trợ vốn để đầu tư cơ sở vật chất. Được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép xây dựng nơi làm việc tại quận, huyện vì người khuyết tật không tthể đi vào các Khu chế xuất: Người khuyết tật cũng có những sản phẩm công nghệ cao, như công ty tôi có thể tạo được cơ sở để dành cho người khuyết tật trong khu Công nghệ cao, nhưng có được cấp phép hay không? Có đồng ý không? Bản thân tôi cũng có đất nữa nhưng không đúng quy hoạch. Vậy bây giờ tôi hoạt động xã hội thì có được cấp phép hay không? Đây là trăn trở của những doanh nghiệp vì không phải doanh nghiệp không muốn hỗ trợ người khuyết tật nhưng quá khó. Họ cần cơ quan nhà nước hỗ trợ và đồng hành và hiểu rằng người khuyết tật họ cần công ăn việc làm để tự nuôi sống bản thân họ. Khi đi làm thì đầu óc mới được khuây khỏa, hòa nhập tốt hơn, chỉ có đi làm thì mới cọ sát được và giúp họ phát triển lên được”.

Cũng theo bà Trương Ngọc Hoa – Ủy viên Thường vụ Hội bảo trợ người khuyết tật trẻ mồ côi Thành phố – Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật – mồ côi thừa nhận: Hiện nay chúng ta còn đào tạo những nghề không phù hợp thực tế. Vì có nhiều em bị thiểu năng, hay bị khuyết tật nặng cho nên những ngành lao động đòi hỏi kỹ thuật cao thì rất khó cho các em. Cho các em học những ngành nghề như sửa chữa điện thoại, điện lạnh thì các em không thích học mà các em thích những công việc giản đơn như chăm sóc cây trồng, làm các sản phẩm thủ công... Bà Hoa nhấn mạnh đến việc nhà nước yêu cầu các đơn vị doanh nghiệp nhận 30% người khuyết tật vào làm việc là không thể: Thứ nhất là việc quy định thu nhận trên 30% người lao động khuyết tật vào làm việc là quá cao vì năng suất người ta làm không hiệu quả mà thu nhận. Thứ hai là Sở Du Lịch, Sở Văn hóa Thông tin, Sở Công thương chỉ đạo cho các khu vui chơi, du lịch, hội chợ ưu tiên gian hàng hoặc bán các sản phẩm của người khuyết tật, để nhiều người biết đến, đó là cách hỗ trợ các em hiệu quả nhất”.

Theo thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố, để thực hiện tốt hơn công tác trợ giúp người khuyết tật trong thời gian tới, Thành phố thực hiện nhiều chính sách như: chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng; dạy nghề và giới thiệu việc làm. Phát hiện, can thiệp sớm, phẫu thuật, chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật; Hỗ trợ pháp lý, vốn vay ưu đãi cho người khuyết tật mở các cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, bản thân người khuyết tật cũng cần phải cố gắng hơn người bình thường để trở thành người có ích cho xã hội, san bớt được gánh nặng cho gia đình.

Phương Dung

VOH

Bình luận

Đọc Báo