Ngoại giao xuất khẩu nông sản rất quan trọng - Thời sự 11g00 22/05/2019

(VOH) - Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản lần đầu tiên đạt con số kỷ lục hơn 40 tỷ đô la.

Đây là tín hiệu mừng cho nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt hàng nông sản như gạo, trái cây của Việt Nam chưa đạt được sự ổn định trong xuất khẩu, nhất là quý I/2019 này.

Khi một số thị trường quốc tế tăng cường kiểm soát chất lượng thông qua hàng rào kỹ thuật và gặp cạnh tranh về giá thì nông sản chúng ta lập tức gặp nhiều khó khăn.

Phóng viên Huỳnh Sang phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới về các giải pháp cho bài toán xuất khẩu nông sản Việt trong thời gian tới.

* VOH: Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của ta vượt hơn 40 tỷ đô la, điều này có thật sự mang lại lạc quan cho nền nông nghiệp Việt Nam?

- TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Những thành tựu nông nghiệp trong năm 2018, chủ yếu là xuất khẩu, đây là tín hiệu rất tốt. Thậm chí trong tương lai gần chúng ta có thể trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản và uy tín của nông sản Việt Nam trên thương trường quốc tế sẽ được tăng lên. Tôi tin hoàn toàn như vậy!

* VOH: Chúng ta vẫn nằm trong tốp 3 cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới, nhưng cũng chỉ mạnh về lượng, còn yếu về chất, về xây dựng thương hiệu. Nguyên nhân vì sao?

- TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Lúc nào chúng ta cũng trong tốp 3 nhưng nói về giá trị thu lại và hiệu quả kinh tế thì lại thua. Bởi vì sao?

Cũng có lịch sử để lại, chúng ta chạy theo số lượng nhiều quá. Mà chạy theo số lượng thì buộc các nhà khoa học và nông dân chỉ mong muốn giống có năng suất cao thôi! Vì vậy khi thị trường đòi hỏi gạo có chất lượng thì chúng ta không cạnh tranh được. Hai nữa là số lượng giống của chúng ta không đồng đều, nhiều quá! Đấy là cái khó!

Đã từ lâu rồi chúng ta chưa có thương hiệu gạo. Nhiều khi chúng ta xuất đi mà phải lấy một thương hiệu khác. Đấy là cái buồn nhất! Chúng ta cũng không nắm được quyền của sàn giao dịch. Đây là cái thiệt thòi!

Anh muốn biết được xu thế cung cầu, biết được giá cả thì anh phải có vị trí trên trường quốc tế. Nghĩa là anh phải có sàn giao dịch. Mãi năm vừa rồi Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn mới xây dựng được một số thương hiệu và những cái mang tính ngoại giao. Đó là những cái lẽ ra chúng ta phải làm từ trước.

Bắt đầu từ năm 2018, Việt Nam đã chuyển hướng từ sản xuất số lượng sang chất lượng. Cá nhân tôi thấy rằng, chúng ta không nên quá tập trung cao vào sản xuất gạo. Bởi vì năm 2017, 2018 chúng ta mới mở cửa tìm đến xuất khẩu rau quả thì đã đạt giá trị cao hơn lúa gạo, dù chỉ chiếm 1,2% thị phần của thế giới và 9% thị phần của châu Âu. Như vậy, dư địa còn mênh mông. Đó là cái chúng ta phải chú ý.

* VOH: Tiến sĩ nói chúng ta cần phải chuyển đổi mạnh mẽ sang các loại cây trồng khác, đặc biệt là cây ăn trái. Nhưng mà đụng hàng dội chợ thì sao?

- TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Cái đấy mới là mấu chốt của chúng ta, đòi hỏi ở vấn đề vĩ mô, trong đó có cả ngoại giao, hiệp thương và xúc tiến thương mại! Phải giúp nông dân chứ!

* VOH: Về cây ăn trái, nếu trái này lạc quan thì trái khác lại bi quan. Chẳng hạn mít tăng giá, sầu riêng giảm giá. Xoài sang Mỹ, Úc nhưng dưa hấu thì bị ế... Vậy làm sao để không tái diễn cảnh này?

- TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Trước đây có quy hoạch về nông nghiệp nhưng quy hoạch chi tiết, xác định vùng nguyên liệu và có kế hoạch phù hợp với cung cầu thì chúng ta chưa có! Chính vì vậy nông dân vẫn tự do, thấy giá lên thì lao vào. Mà lao vào thì cán cân cung - cầu lệch nhau nên dẫn đến giải cứu. Nhưng tôi không bao giờ ủng hộ giải cứu vì đó là giải pháp khiến nông dân ỉ lại. Chúng ta phải làm sao có được sự ổn định.

Muốn vậy thì chúng ta phải xóa đi sản xuất manh mún. Vì sản xuất manh mún, sản xuất tự do thì không xác định được cung - cầu. Còn nếu xác định được vùng nguyên liệu, diện tích lớn thì chúng ta có thể hợp tác, bắt tay nhau cân đối cung - cầu.

* VOH: Chắc có lẽ đã đến thời điểm nông dân phải chịu trách nhiệm với quyết định của mình!? Bởi vì từ chạy theo phong trào dẫn đến đụng hàng đội chợ, từ giá cao trở thành giá rẻ. Chuyện giải cứu không thể kéo dài nữa?

- TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Phóng viên vừa nói “chịu trách nhiệm”, tôi công nhận! Nhưng mình phải chia sẻ là, “chịu thiệt thòi”! Họ chạy theo nhìn hàng xóm, ngó bên cạnh thôi, chứ làm sao nhìn ra rộng được?! Thế nên bây giờ chỉ mong muốn nông dân hãy nâng cao ý thức hợp tác, tham gia các hợp đồng lớn, các chuỗi liên kết, chứ đừng sản xuất tự do nữa, đừng theo suy nghĩ của mình nữa!

Cho nên tại sao, cũng ở vùng đó mà xuất hiện những nông dân giàu!? Bởi vì người ta tính toán tốt hơn, biết về cung cầu. Nhưng không thể có chuyện tất cả nông dân đều như thế! Vì trình độ của họ khác nhau, kiến thức khác nhau, tài chính khác nhau, ruộng đất khác nhau. Phải có liên kết chuỗi, có ý thức tham gia, mà đã tham gia rồi phải tôn trọng để liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ

* VOH: Nhưng trong chuỗi liên kết, chúng ta cũng nên chú ý đến giá khởi điểm, giá tại vườn, tại đồng ruộng. Tức ở ngay khâu sản xuất làm sao nâng được giá cao để bà con nông dân có thu nhập cao?

- TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Phóng viên đặt vấn đề rất đúng! Tình trạng này xảy ra ở Việt Nam từ lâu, cho đến giờ vẫn xảy ra. Cái thành quả của nông dân, hiện nay nếu ăn chia thì không công bằng. Người nông dân thiệt thòi nhất! Còn lại lại rơi vào trung gian mà ta gọi là thương lái. Nhưng chúng ta đừng trách thương lái, vì cơ chế thị trường, vì không có liên kết chuỗi. Từ đó, giá của chúng ta trên thị trường thế giới thì cao hơn các nước xuất khẩu khác. Phải xem lại bởi chúng ta sản xuất còn thiếu khâu tố chức liên kết, trong quy trình còn thủ công nhiều lắm!

Chúng ta phải áp dụng công nghệ 4.0, phải nâng cao kiến thức tiếp cận, phải tổ chức sản xuất theo diện tích tập trung lớn.

*VOH: Tức giá bán của chúng ta trên thị trường cao hơn?  

- TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Giá bán trên thị trường thế giới vẫn bị kêu cao hơn!

* VOH: Như vậy mấu chốt ở chỗ là, giá đầu tư sản xuất thì cao nhưng giá bán đầu ra ở khâu sản xuất, người nông dân thu lợi không nhiều!?

- TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Chính vì vậy nông dân không mặn mà vì người ta không thấy giá đáp ứng được công sức họ bỏ ra. Tôi muốn nói đến cách tổ chức của chúng ta chưa hợp lý đâu! Nên liên kết 4 nhà, thậm chí sau này liên kết 5-6 nhà thì lúc ấy liên kết mới chặt chẽ được. Thế nên, doanh nghiệp nào liên kết tốt, xuất khẩu tốt thì bán tốt.

Ví dụ như Tập đoàn Lộc Trời, Hoàng Anh Gia Lai, Trường Hải họ cũng nhảy vào, Nutrifood hay Vinamit... Nếu tổ chức lớn như thế chúng ta mới hy vọng!

* VOH: Tiến sĩ có nghĩ chúng ta đạt được mục tiêu 43 tỷ đô la trong xuất khẩu nông lâm thủy sản cho năm 2019 không?

- TS Nguyễn Đăng Nghĩa: Tôi hoàn toàn tin tưởng khả năng này có thể đạt được nhưng vấn đề phụ thuộc vào khả năng tổ chức của chúng ta. Đừng quên vấn đề ngoại giao để xuất khẩu rất quan trọng.

Chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) rồi nhưng muốn vào từng quốc gia thì phải có hiệp định riêng giữa 2 nước. Mà phần này ngoại giao rất quan trọng. Phải chú trọng cả hàng rào kỹ thuật của bên họ nữa. Những khâu này, Việt Nam chúng ta vẫn còn hơi yếu!

* VOH: Cảm ơn tiến sĩ.

VOH

Bình luận

Đọc Báo