Nghĩa tình từ thành phố Bác – Thời sự 5g30 17/6/2021

(VOH) – Nghĩa tình đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ứng xử, tư duy hành động của mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là động lực quan trọng để cùng chung tay vượt qua khó khăn

TPHCM hiện là nơi thu hút lực lượng lao động đông đảo nhất cả nước, với hơn 320 ngàn lao động làm việc trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp. Điều kiện sống, làm việc và cả đời sống tinh thần của người lao động được các cấp lãnh đạo, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp hết sức quan tâm và đã có nhiều thay đổi tích cực. Một trong nhiều nguyên nhân cho kết quả đó là từ nhiều phong trào, hoạt động chăm lo, chia sẻ của các cấp công đoàn đã giúp công nhân, người lao động thành phố có động lực vượt qua khó khăn, hăng hái thi đua lao động sản xuất; thể hiện phẩm chất nghĩa tình của người Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh trong suốt dòng lịch sử.

Năm 2020, thu nhập của người lao động bị giảm rất nhiều do dịch Covid-19. Hiểu được điều này, chỉ riêng trong Tết Tân Sửu 2021, các cấp Công đoàn thành phố đã thăm và tặng hơn 1,6 triệu phần quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn hay bị mất việc làm,  với tổng kinh phí chăm lo gần 860 tỉ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2020. Bên cạnh đó, các chương trình như: “Tấm vé nghĩa tình”, “Chuyến tàu mùa xuân”, “ Tết đoàn viên”, “Tết sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn” … mang đậm sự sẻ chia, tương thân, tương ái của những người lao động với nhau, giúp đỡ đồng nghiệp, đoàn viên công đoàn có được nơi an cư lạc nghiệp.

Có được căn nhà khang trang, sạch đẹp từ nguồn quỹ hỗ trợ “Mái ấm công đoàn”, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, nhân viên trường Mầm non Phường 9, Quận 10 bày tỏ: Ngày trước là nhà sàn gỗ, vách tôn, nhưng đã rất lâu nên xuống cấp, mục và không an toàn, cũng đã từng bị trộm cạy cửa vào. Nay tôi rất vui khi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ tôi có được cơ hội xây dựng được căn nhà kiên cố như thế này, để hai mẹ con có thể hủ hỉ với nhau. Bản thân mình cũng nghĩ sẽ phấn đấu, cố gắng hơn có thể phục vụ lại cho xã hội, góp phần nào giúp cho trường cũng như bản thân có những đổi mới, tiến bộ”.

Điểm nhấn từ sự tương thân tương ái trong khó khăn có thể kể đến, đó là phong trào vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê phòng trọ cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Các cấp Công đoàn thành phố đã vận động chủ nhà trọ giảm giá cho thuê trên trên 57.600 phòng trọ và miễn tiền thuê 200 phòng trọ vào thời điểm các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất. Hàng ngàn công nhân lao động đã được hưởng lợi từ việc giảm giá phòng trọ này. Phong trào đã được nhân rộng ra cả nước. Bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn lao động  Quận Tân Phú chia sẻ: Thông qua việc chăm lo như vậy để thấy được vai trò của tổ chức Công đoàn. Đối với anh chị em công nhân ở trọ thì chúng tôi cũng đến vận động các chủ nhà trọ giảm giá. Trong thời gian vừa rồi, chúng tôi đã trực tiếp đi đến các khu nhà trọ, trên địa bàn Quận Tân Phú, vận động sự chia sẻ của các chủ nhà trọ với người lao động. Có những nhà trọ cho người lao động ở miễn phí không tính tiền hơn 2 tháng, cũng có những nhà trọ giảm giá 50%, mỗi tháng còn tặng công nhân túi gạo 5kg và thùng mì gói nữa”.

Không chỉ hỗ trợ công nhân lao động có điều kiện an cư mà còn giúp họ lạc nghiệp. Tổ chức Tài chính vi mô CEP - đơn vị kinh tế sự nghiệp trực thuộc Liên đoàn lao động thành phố - cũng có chính sách hỗ trợ vay vốn kịp thời cho giáo viên ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trên 24 tỉ đồng. Chương trình “CEP - chia sẻ yêu thương” đồng hành cùng công nhân, lao động nghèo vượt khó trong dịch Covid-19 năm 2020, với tổng kinh phí hỗ trợ 6,5 tỉ đồng, thông qua miễn, giảm lãi, kéo dài thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn, hạn chế tình trạng đi vay với lãi suất cao từ bên ngoài. Bà Phạm Thị Huynh, ở Quận 10 cho hay: Tôi thấy có nguồn vốn vay từ quỹ CEP rất là đỡ, cuộc sống gia đình đỡ nhiều lắm, có vốn làm ăn mà trả lãi thấp. Lúc trước gia đình phải vay bên ngoài lãi rất cao, nhờ có nguồn quỹ này gia đình mới có thể xoay sở, thấy nhẹ nhàng, đỡ vất vả hơn cho gia đình

Tình hình dịch bệnh Covid–19 đã ảnh hưởng, làm cho cuộc sống của hàng ngàn người lao động phải rơi vào khó khăn do mất việc, tạm dừng việc. Hơn bao giờ hết, tổ chức Công đoàn thành phố phát huy vai trò tiên phong, đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng người lao động phòng chống dịch bệnh, trao tặng các phần quà, tổ chức các gian hàng 0 đồng, có những thỏa ước lao động chăm lo cho lao động nữ… giúp cho người lao động phần nào vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Trong bất kỳ thời điểm nào, tổ chức Công đoàn cũng đồng hành với người lao động, những lúc khó khăn, những khi cần sẻ chia… sẽ huy động mọi nguồn lực để chăm lo kịp thời cho đoàn viên công đoàn, công nhân, lao động … ấy là cái tình, cái nghĩa, tấm lòng của người dân thành phố.  Ông Trần Đoàn Trung, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: Các phong trào, các hoạt động phải tập trung vào việc mang lại lợi ích thiết thân cho người lao động và giá trị mang lại phải ngày càng tăng lên. Bởi vì chỉ có lợi ích thiết thân, gồm cả vật chất và tinh thần, lợi ích về chính trị, tức là quyền của người lao động được đảm bảo, theo quy định của pháp luật. Công đoàn phải thật sự là chỗ dựa của đoàn viên, người lao động trong cuộc sống và lao động”.

Thấu hiểu, sẻ chia, chăm lo tốt nhất cho người lao động chính là chủ trương chung của thành phố. Không những thế, nghĩa tình đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ứng xử, trong tư duy hành động của mỗi người dân và cũng là một động lực quan trọng tạo nên sự đồng lòng, hiệp lực, cùng chung tay vượt qua khó khăn, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Huệ Như

VOH

Bình luận

Đọc Báo