Ngành xi măng đang dần thu hút những doanh nghiệp lớn - Thời sự 5g30 5/10/2019

(VOH) - Năm nay, toàn ngành xi măng đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn và tiêu thụ trong nước từ 69 - 70 triệu tấn xi măng.

Dù chỉ tăng 1,3% về lượng, nhưng giá trị xuất khẩu đã tăng đến gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, xuất khẩu xi măng trong năm 2019 có thể chạm mốc 32 triệu tấn vào cuối năm nay. Đáng chú ý, ngành này bắt đầu hình thành những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp tư nhân đầu tư công suất lớn và nhanh, giảm được thời gian đầu tư, hiệu quả tăng lên rất lớn.

Xung quanh câu chuyện xuất khẩu ngành xi măng, Phóng viên Lệ Loan phỏng vấn ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam.

*VOH: Thưa ông, thị trường xuất khẩu xi măng đang rất tích cực, sản lượng xuất khẩu có khả năng vượt con số 32 triệu tấn. Ông cho một vài đánh giá về thị trường này?

Ông Nguyễn Quang Cung: 7 tháng 2019, xi măng của chúng ta tăng, nội địa tăng được 4%, còn xuất khẩu tương đương 7 tháng năm 2018. Tình hình xuất khẩu của tháng 8 thì tốt hơn tháng 8 năm 2018, nhưng cộng lại cả 8 tháng thì cũng tương tự như năm 2018. Ở đây chúng tôi nói đến độ ổn định.

Có một vấn đề mà rất nhiều người quan tâm, một số người cho rằng việc xuất khẩu xi măng nhiều không phải là tốt. Chúng tôi cũng không đi theo hướng là xuất khẩu thật nhiều xi măng, nhưng không nên nói đến hạn chế. Bởi vì xuất khẩu xi măng là xuất khẩu một loại sản phẩm được chế biến rất sâu. Từ một tấn đá vôi, đất sét chỉ mấy chục ngàn mà chúng ta làm ra sản phẩm xi măng có giá tiền triệu như vậy giá trị không phải là nhỏ. Và dây chuyền sản xuất được đầu tư chủ yếu công nghệ G7, tức là phải công nghệ cao. Sản phẩm của nó có những tính năng ưu việt, có thể nói không thể có sản phẩm nào có thể ưu việt hơn nữa. Do đó xuất khẩu xi măng là xuất khẩu sản phẩm chế biến rất sâu, chúng ta phải tự hào điều đó, và cũng không dễ gì để có thể xuất khẩu được chừng ấy triệu tân xi măng.

Người ta chọn chúng ta thì đầu tiên là phải chọn công nghệ, trong đó phải tạo ra sản phẩm chất lượng cao, chất lượng ổn định, thân thiện môi trường. Nếu công nghệ đó không thân thiện môi trường người ta không mua, người ta ý thức lắm, họ đến tận nhà máy xem tận nhà máy và chỉ chọn dây chuyền nào là công nghệ cao họ mới mua sản phẩm. Và một điểm nữa là phải có giá thành cạnh tranh. Tuy trình độ quản lý chúng ta chưa cao, nhưng dẫu sao xuất khẩu được thì chúng ta cũng mừng và đánh giá có những bước tiến bộ, mở ra triển vọng lớn. Khi doanh nghiệp xuất khẩu được, rõ ràng lợi nhuận tăng lên, họ đầu tư chiều sâu thúc đẩy ngành phát triển bền vững.

*VOH: Hiện có ý kiến cho rằng xuất khẩu xi măng tăng mạnh cũng không tốt, do đâu có nhận định này và quan điểm của ông ra sao về vấn đề này?

Ông Nguyễn Quang Cung: Ý kiến đó của khá nhiều người, bởi vì xuất phát có hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất, xi măng quá nặng, mà giá trị quá thấp. Nếu chúng ta xuất khẩu 1 tấn điện thoại di động thì được biết bao nhiêu tiền, nhưng xuất khẩu 1 tấn xi măng chỉ được có hơn triệu thôi, mà vận chuyển tàu bè, giá trị kinh tế thấp nên người ta ngán ngại. Vấn đề thứ hai người ta lo ngại là nếu chúng ta xuất khẩu thế này thì sẽ hết đá vôi, đất sét. Cái lo ấy cũng là có cơ sở và tốt thôi, nhưng thực tế cuộc sống không phải như vậy. Ngành nào và đặc biệt là vật liệu xây dựng, trong đó có cả xi măng là đang chuyển dịch theo hướng kinh tế tuần hoàn. Có nghĩa là sẽ sử dụng nhiệt, năng lượng tái tạo, giảm bớt năng lượng lấy từ than đá, dầu hỏa. Rồi nguyên liệu cũng phải là nguyên liệu tái tạo. Sử dụng tro, xỉ, tất cả các thứ, có nghĩa là hàm lượng tỉ lệ đá vôi đất sét hoặc năng lượng nhiên liệu mà từ năng lượng hóa thạch thì càng ngày càng giảm.

Chúng ta đang đi theo chiều hướng ấy, cho nên việc mà thiếu cái nọ cái kia thì sẽ được giải tỏa và được giảm dần. Và thực tế mà nói, khi đất nước mình còn nghèo thì mình cố gắng chắt bóp kiếm từng đồng, nhưng giả sử khoảng 20-30 năm nữa, đất nước này giàu lên có nhiều công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ kỹ thuật số mà sản phẩm kích thước thì bé, khối lượng nhỏ mà giá trị cao thì lúc đó chúng ta sẽ nghĩ đến chuyện không xuất khẩu những sản phẩm to, cồng kềnh mà giá trị thấp. Đến lúc đó chúng ta phải chuyển dịch. Và nếu vậy, mấy chục năm nữa, vấn đề ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên thì không đáng lo, bởi vì chúng ta là nước quá giàu tài nguyên khoáng sản để làm xi măng.

*VOH: Hạn chế của ngành này là vấn đề vận chuyển và sản xuất còn manh mún. Ông phân tích thêm về những yếu tố khó khăn này?

Ông Nguyễn Quang Cung: Một trong những hạn chế của ngành vật liệu xây dựng Việt Nam, trong đó có xi măng, chính là logistics chúng ta không hoàn chỉnh, không hợp lý, chi phí quá lớn cho nên đang tìm mọi cách để cố gắng làm thế nào để giảm, cái này phải rất nhiều khâu. Phải có cảng biển, cảng nước sâu, phải có tàu lớn, phải có đường dành riêng… mà logistics này không chỉ vận chuyển hàng hóa từ nhà máy đến nơi tiêu thụ mà ngay cả trong lòng nhà máy, vấn đề logistics, đường đi của tất cả nguyên liệu vật tư, kể cả máy móc thiết bị… tất cả mọi thứ là mình phải hoàn chỉnh. Bởi vì chỉ có cách đó chúng ta mới giảm được giá thành, mới tăng được năng suất lao động.

Logistics là một trong những vấn đề lớn của ngành công nghiệp Việt Nam. Lượng doanh nghiệp quá lớn, đó cũng là vấn đề. Tôi nói ví dụ như ở Thái Lan, tổng công suất thiết kế của họ 56 triệu tấn xi măng nhưng chỉ có 5 nhà sản xuất, của chúng ta khoảng gấp đôi. Chúng ta hiện nay là khoảng 99 triệu tấn, gần 100 triệu tấn, nhưng chúng ta gấp khoảng 10 lần họ, thứ nhất là có quá nhiều đầu mối cạnh tranh, thứ hai là nhỏ, manh mún, khi nhỏ và manh mún thì mọi cái đều hạn chế, kể cả đầu tư chiều sâu cũng hạn chế. Đặc biệt đầu tư cho quản lý thì càng hạn chế, do đó một trong những nhiệm vụ lớn của ngành là làm thế nào để tạo ra được những nhà đầu tư sản xuất xi măng lớn.

*VOH: Ngành này từ đây tới cuối năm ông dự báo thế nào?

Ông Nguyễn Quang Cung: Từ nay tới cuối năm, tình hình xuất khẩu vẫn ổn định, không tăng hơn. Chúng ta kỳ vọng là giá cả, giữ được giá. Thứ hai là giữ được lượng tương đối như thế, chứ còn ngành xi măng hiện nay điều mừng là xuất hiện nhiều nhân tố mới. Bắt đầu hình thành những doanh nghiệp lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp tư nhân. Mà những doanh nghiệp này họ đầu tư công suất lớn và cực nhanh. Trước đây một nhà máy xi măng họ đầu tư 10 năm, 7-8 năm, thì bây giờ một doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà máy lớn gấp đôi như thế chỉ trong vòng 2 năm, và khi giảm được thời gian đầu tư, thì hiệu quả tăng lên rất lớn và sức đầu tư giảm, giá thành giảm, mọi thứ giảm thì đang hình thành dần dần.

*VOH: Xin cảm ơn ông

VOH

Bình luận

Đọc Báo