Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường gắn với Chỉ thị 19 của Thành ủy (kỳ 2) - Thời sự 5g30 13/11/2019

(VOH) - Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân thành phố.

Nhưng nhìn chung, việc xử lý rác thải ra đường và kênh rạch, xử lý điểm đen về ô nhiễm còn chưa được giải quyết triệt để. Một trong những giải pháp đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của cuộc vận động là gắn với việc nâng cao tiêu chí các danh hiệu văn hóa. Tọa đàm chủ đề “Nhân rộng các mô hình, giải pháp hay”, với sự tham gia của các vị khách mời: Ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó phòng Văn hóa thông tin Quận Thủ Đức; bà Vũ Thị Phương, Giảng viên Trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Huệ Như cảm ơn các vị khách mời đã tham gia buổi tọa đàm, mời bà Vũ Thị Phương, chia sẻ như thế nào là ứng xử văn hóa?

Bà Vũ Thị Phương: Chúng ta sống và ứng xử trên 4 phương diện cơ bản: Với môi trường tự nhiên, xã hội, con người và với bản thân, dần dần tạo nên nếp sống của mỗi con người, như vậy hình thành nên cách ứng xử văn hóa của mỗi người.

*VOH: Thưa ông Nguyễn Thanh Tuấn, ông chia sẻ công tác tuyên truyền địa phương thực hiện danh hiệu văn hóa?

Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Chúng tôi tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, trên cơ sở các mô hình văn hóa như ký túc xá văn hóa, nhà trọ văn hóa…đặc biệt là với các ban chủ nhiệm. Đây sẽ là đầu mối để chuyển tải các thông điệp, nội dung thực hiện tốt Chỉ thị 19.

*VOH: Thưa ông Hồ Xuân Lâm, với Liên đoàn lao động thành phố thì công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tiêu chuẩn văn hóa, nếp sống văn minh, xây dựng môi trường văn hóa công sở, văn hóa doanh nghiệp như thế nào?

Ông Hồ Xuân Lâm: Ban Chấp hành các công đoàn cơ sở phối hợp với thủ trưởng các đơn vị đăng ký xây dựng cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, thực hiện các cơ sở văn hóa, xây dựng hướng dẫn quy định, trình tự để triển khai đến các cấp công đoàn thực hiện theo đúng quy định.

*VOH: Quan điểm của bà Vũ Thị Phương về vấn đề nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa gắn với thực hiện cuộc vận động này là như thế nào?

Bà Vũ Thị Phương: Quan điểm đầu tiên của tôi là về mặt nhận thức, làm sao cho người dân, từng hộ gia đình nhận thức được giá trị của danh hiệu này. Danh hiệu này có tiêu chí liên quan đến chỉ thị 19, mình phải làm sao sạch từ trong nhà rồi mới đến bên ngoài. Cái kiềng 3 chân giúp nâng cao hiệu quả danh hiệu này là từ kiềng gia đình là quan trọng nhất, sau đó mới đến nhà trường và xã hội. Ngoài ra, sự ghi nhận đó cần phải được thực hiện chặt chẽ, tránh việc chạy theo chỉ tiêu.

*VOH: Thưa ông Hồ Xuân Lâm, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Hồ Xuân Lâm: Tổ chức công đoàn của từng doanh nghiệp đang đồng hành với doanh nghiệp trong việc xây dựng tiêu chí văn hóa này, mục đích cuối cùng là để xây dựng văn hóa doanh nghiệp và người lao động chính là người giữ gìn và phát huy hơn. Rất mong các doanh nghiệp hiểu và đồng hành để thực hiện tốt hơn văn hóa doanh nghiệp. Một ví dụ, khi chúng ta mời gọi doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì chúng ta cũng thường nói học tập thêm văn hóa doanh nghiệp bạn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt cũng cần có văn hóa doanh nghiệp riêng, để khi doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam sẽ có sự dung hòa văn hóa doanh nghiệp, mang bản sắc văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Người lao động làm trong một môi trường như thế cũng sẽ phát triển và trưởng thành hơn.

*VOH: Góc nhìn của ông Nguyễn Thanh Tuấn về vấn đề nâng  nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa gắn với thực hiện cuộc vận động này như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Tuấn: Chúng tôi rất tâm đắc trong câu chuyện nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa trên địa bàn. Bởi đây là yếu tốt rất quan trọng. Năm 2017 Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã ban hành bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong gia đình mà chúng ta đang thực hiện. Hệ thống cơ sở có vai trò quan trọng, cán bộ phụ trách làm công tác tham mưu phải thường xuyên đi cơ sở, nắm, biết nghe và hiểu được người dân muốn gì, phản ánh gì, tình hình thực tế mặt nào đạt và chưa đạt và trong mỗi hộ gia đình sẽ tự chấm điểm cho mình. Năm nay có điểm mới như thế nữa. Rồi từng khu dân cư, ban chỉ đạo phường, quận sẽ ngồi lại xem lại ý thức mỗi thành viên trong gia đình. Nghị định 122 nêu rất rõ, không phải chỉ xét chung ở cộng đồng dân cư hay gia đình mà xét đến cả từng thành viên trong, và chỉ cần 1 yếu tố thành viên nào chưa đạt là xem như không đạt chuẩn. Một điều tôi xin khẳng định, quan trọng là giám sát của người dân tại địa bàn, hộ này giám sát hộ kia và thông tin kịp thời với chúng tôi, thì chúng ta sẽ phối hợp nhịp nhàn, xử lý vi phạm tốt hơn, các danh hiệu đạt chuẩn nhiều hơn, chất lượng danh hiệu nâng cao hơn, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

*VOH: Cảm ơn những chia sẻ của 3 vị khách mời.

Việc bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị cần sự chung tay trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Khi mỗi người dân có được ý thức nhỏ, như là bỏ rác đúng nơi quy định, thực hiện phân loại rác tại nguồn…thì đó đã là sự thể hiện của nếp sống văn minh đô thị. Và cũng từ những hành động nhỏ của mỗi người dân, sẽ góp phần xây dựng TPHCM thật sự trở thành, thành phố có môi trường sống tốt, văn minh, hiện đại và phát triển.

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo