Nâng cao vai trò giám sát của công đoàn trong đảm bảo an toàn lao động - Thời sự 11g00 1/7/2020

(VOH) - Trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn lao động trong sản xuất, kinh doanh được các cấp, ngành, tổ chức xã hội và các doanh nghiệp chú trọng.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, tai nạn trong lao động vẫn còn xảy ra và luôn là mối quan tâm của mỗi người dân và cộng đồng xã hội. Vì vậy, đảm bảo an toàn để sản xuất luôn là thông điệp mang nhiều ý nghĩa và là việc làm thường xuyên cần được chú trọng.

Chị Nguyễn Thị Phương Minh, công nhân quét rác thuộc Công ty Công ích Quận 1 gần 18 năm, cho biết một buổi chiều năm 2006, khi  đang quét rác thì bị xe tông, chị phải cắt đi một trái thận của mình. Biết rằng công việc nhiều rủi ro nhưng để có được thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống cùng với sự chăm lo của công ty, tổ chức công đoàn chị vẫn gắn bó, yêu nghề: "Hôm đó là bị xe tông, lúc đó thì không có sao, nhưng khi về nhà thì mới thấy đau, vô bệnh viện thì bác sĩ mới chuẩn đoán là nặng, bị tụ máu bầm trong vòm bụng và bị chấn thương thận, trái thận lúc đó bị ứ nước hoài và phải cắt thận. Cắt xong sức khỏe mới ổn, nhưng bác sĩ khuyên phải giữ trái thận còn lại cho thật tốt. Công việc của tôi nói chung là nguy hiểm nhưng kinh tế gia đình ổn định hơn, công ty cũng quan tâm đến công nhân, công đoàn cũng chăm lo nên thấy cuộc sống đỡ nhiều lắm".

Anh Huỳnh Bá Nhẫn, sinh năm 1990, từng làm công nhân ở Công ty Innova chuyên sản xuất ghế ở Khu chế xuất Tân Thuận, đã bị máy dập xuống bàn tay trái, phải cắt đứt 2 ngón tay. Công việc của anh là làm ở tổ cơ điện, chuyên sửa chữa, bảo hành máy móc. Họa vô đơn chí là hoàn cảnh của anh Nhẫn lúc ấy, bởi khi hồi phục sức khỏe, đi làm không được bao lâu thì hết hợp đồng lao động 1 năm với công ty, công ty không tiếp tục ký hợp đồng. Bị mất sức lao động nên giờ anh không thể xin vào làm những công ty khác với chuyên môn như trước, mà giờ phải làm phụ hồ, chạy xe ôm để lo cho gia đình một vợ và hai con nhỏ chưa đầy 2 tuổi. Nhớ lại hôm xảy ra tai nạn, anh Nhẫn vẫn còn đầy xúc động: "Hôm bữa bị tại nạn là vào buổi sáng, tầm khoảng hơn 8 giờ, mình bắt đầu công việc như mọi ngày, châm nhớt, sửa những cái máy trong xưởng. Khi sửa xong một cái máy dập thì mình muốn thử xem hoạt động của máy đã bình thường chưa, sơ ý mình bỏ tay vào bàn máy dập đó và mình tự lấy chân mình, mình bấm máy xuống luôn, mình quá sơ ý, máy dập luôn 3 ngón tay. Mình nhớ ca phẩu thuật là gần 6 tiếng, bác sĩ nói cắt 2 ngón thì sẽ giữ được lại 1 ngón bị dập và mình đồng ý. Bị tai nạn xong rồi là cảm thấy tự kỷ, vì không còn lành lặn nữ nên rất buồn".

Một thực tế là khi tai nạn lao động xảy ra, người lao động không những bị tổn hại về tính mạng hoặc sức khỏe, mất khả năng làm việc, mà gia đình của họ cũng gặp khốn đốn, thu nhập bị giảm sút và có thể rơi vào tình trạng đói nghèo. Trong khi đó, chủ sử dụng lao động cũng phải tốn kém chi phí y tế, giám định thương tật, bồi thường, trợ cấp cho người bị tai nạn lao động. Đó là chưa kể uy tín của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, hoạt động sản xuất bị gián đoạn do phải ngừng việc để khắc phục hậu quả, phục vụ điều tra nguyên nhân gây tai nạn.

Để nâng cao nhận thức của người lao động cũng như doanh nghiệp trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; hằng năm, Liên đoàn lao động Thành phố phối hợp với các cấp, các ngành phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động, tổ chức các hoạt động thiết thực, hướng về cơ sở, vận động doanh nghiệp đẩy mạnh cải thiện  điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Ông Lê Văn Tình, Phó trưởng phòng Tổ chức hành chánh Công ty Cao su Thống nhất cho biết thêm về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại đơn vị, nhất là trong tháng công nhân năm 2020: "Thực hiện tháng hành động an toàn vệ sinh lao động, công ty đã làm rất nhiều việc, ví dụ như tổ chức các phong trào thi đua an toàn vệ sinh lao động cũng như kiện toàn lại các bộ máy về an toàn vệ sinh lao động của công ty, rà soát lại các thiết bị nghiêm ngặc cũng như là đào tạo cho cán bộ công nhân viên về quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động cũng như là phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân phụ trách các thiết bị, những nguy cơ cháy nổ, tập huấn về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện các quy trình bếp ăn một chiều"

Đối với các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cũng có nhiều giải pháp, nội dung phong phú, đa dạng, thiết thực để triển khai đến từng cơ sở. Điển hình như Liên đoàn lao động Quận 8 đã tổ chức ngày an toàn lao động lần thứ nhất và dự kiến hằng năm, sẽ tổ chức 4 ngày an toàn lao động, nhằm tuyên truyền sâu và không ngừng nâng cao ý thức đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân, viên chức, lao động. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Liên đoàn lao động Quận 8 chia sẻ: "Liên đoàn lao động Quận 8 đã nghiên cứu và xây dựng ngày an toàn lao động lần thứ nhất; cụ thể là thường xuyên dọn dẹp vệ sinh máy móc, đồng thời tổ chổ chức tập huấn chuyên đề, mỗi đợt như vậy chúng tôi thiết kế những lớp kỹ năng phù hợp  với người lao động cũng như các đơn vị, thứ ba là chúng tôi tổ chức triển lãm những hình ảnh nhằm giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi hơn nữa đến với người lao động…và quan trọng nhất là qua các buổi hoạt động này, nâng cao được nhận thức của người lao động về an toàn lao động".

Nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro, phòng ngừa các nguy cơ gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là một trong những biện pháp giúp nâng cao điều kiện an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Tổ chức công đoàn có vai trò giám sát để có thể đưa ra các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ này tại nơi sản xuất, góp phần loại bỏ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của công đoàn trong việc giám sát đảm bảo an toàn lao động cho công nhân tại các doanh nghiệp: "Những thói quen của công nhân cũng tác động không nhỏ đến công tác đảm bảo an toàn lao động trong quá trình lao động sản xuất. Ban chấp hành công đoàn cần phải giám sát về bảo hộ lao động, xem doanh nghiệp có cung ứng theo quy định của pháp luật hay không? Về chế độ ăn ca của công nhân phải đảm bảo sức khỏe theo quy định của pháp luật? Giám sát về nguy cơ rủi ro đến từ máy móc, trang thiết bị, về dây chuyền sản xuất…cán bộ công đoàn chúng ta phải phản ánh, trao đổi với ban giám đốc doanh nghiệp trong quá trình thương lượng, ký kết việc thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở"

Thực tế cho thấy, các vụ tai nạn lao động đều có thể phòng tránh được, vấn đề chủ yếu là nâng cao nhận thức từ cả phía người lao động và người sử dụng lao động. Về phía doanh nghiệp, cần xác định rõ việc đảm bảo an toàn lao động cho người lao động là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và được đầu tư xứng đáng về thời gian, tâm huyết, tài chính và nhân lực. Cần quản lý chặt chẽ các quy trình thực hiện an toàn lao động; các thiết bị máy móc phải được kiểm tra, kiểm định thường xuyên, khi vận hành phải tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn, kỹ thuật để tránh xảy ra tai nạn lao động; cải tạo điều kiện môi trường lao động nhằm loại bỏ bớt yếu tố nguy hiểm, độc hại dễ phát sinh cho người lao động. Trong quá trình sản xuất, người lao động phải nêu cao tinh thần tự giác chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, ngành chức năng cũng phải thanh tra, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện an toàn lao động, ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp vi phạm, cố tình không thực hiện quy định của pháp luật, nhằm góp phần hạn chế tai nạn lao động, bảo vệ được quyền lợi của người lao động.

Huệ Như

VOH

Bình luận

Đọc Báo