Năm 2021- Nhiều cơ hội xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới – Thời sự 5g30 3/4/2021

(VOH) - Trong thời gian qua, nhà nước đã liên tiếp thực hiện ký kết nhiều hiệp định thương mại nhằm tìm kiếm thị trường và tháo gỡ các rào cản thị trường cho doanh nghiệp.

Những năm gần đây, ngành nông nghiệp nước ta tiếp tục chủ động hội nhập sâu rộng, nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu thế giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, nhiều nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kỹ thuật...

xuất khẩu nông sản Ảnh minh họa: TTO

Trong thời gian qua, nhà nước đã liên tiếp thực hiện ký kết nhiều hiệp định thương mại nhằm tìm kiếm thị trường và tháo gỡ các rào cản thị trường cho doanh nghiệp.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã  ký  kết và  tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó phải kể đến hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU, hiệp định  Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước khác mà ASEAN đã ký kết. Gần đây nhất là ngày 31/12/2020, hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai len (UKVFTA) có  hiệu lực, đã tạo ra được nhiều cơ hội xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ra thế giới, góp phần giúp việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với những cơ hội được mở rộng thị trường xuất khẩu, gia tăng triển vọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh dịch Covid 19 đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Với các FTA thế hệ mới, cùng với các biện pháp hỗ trợ, sẽ sớm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp cận thị trường và khôi phục sản xuất tốt hơn, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các hoạt động xuất khẩu. Ông Nguyễn Hữu Nam- Phó Giám đốc chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: “Năm 2020, mặc dù các nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm, tuy nhiên ở Việt  Nam chúng ta, chúng ta vui  mừng là chúng ta đã có tốc độ tăng trưởng 2,91%.  Đây là một sự nỗ lực của tất cả các cơ quan ban ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp chúng ta, là những người tiên phong trong vấn đề thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Và với các hiệp định thì chúng ta rất là vui mừng  ở chỗ nông lâm, thủy hải sản là một trong những ngành mà đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam, cụ thể năm 2020 chúng ta đã có mức tăng trưởng tương đối cao và đạt kim ngạch xuất khẩu là 41 tỷ đô, đây là một điểm rất tích cực và đóng góp cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

Với các hiệp định được ký kết, buộc các nhà sản xuất, doanh nghiệp phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hoá mới có giá thành thấp hơn. Trước tình hình đó, nhiều công ty dịch vụ đã tìm và đưa ra nhiều giải pháp công nghệ để bảo quản trái cây, nông sản được lâu hơn để có thể vận chuyển và xuất khẩu  nông sản Việt ra  quốc tế bằng  nhiều phương tiện khác nhau, đảm bảo chi phí vận chuyển cũng như đáp ứng tốt quy định xuất khẩu. Tỷ lệ các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, người nông dân tìm đến các công nghệ bảo quản để xuất khẩu nông sản ngày càng tăng. Ông Phạm Quốc Bảo - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Quốc Tế Sao Nam, Sancopack chuyên cung cấp các công nghệ bảo quản thực phẩm, nông sản cho biết: “Để hưởng ứng các hiệp định thì công ty Sancopack chúng  tôi có các biện pháp bảo quản nông sản sau thu hoạch, giúp giảm thiểu tỷ lệ tổn thất nông sản và giúp các doanh nghiệp xuất khẩu  nông sản Việt Nam xuất khẩu nông sản với  chi phí rẻ hơn, có thể vận chuyển bằng đường biển  thay vì đường hàng không, từ đó có thể cạnh tranh với các nước nông sản mạnh trên thế giới như Thái Lan, Philipin và các nước Nam Mỹ. Thời gian covid khi thị trường Trung Quốc có vấn đề thì các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt  là doanh nghiệp Nga và Châu Âu thì họ đi thẳng về Việt Nam để mua hàng, từ đó phát sinh cái nhu cầu  bảo quản đi xa. Năm 2020 thì chúng tôi cũng đánh dấu tỷ lệ tăng trưởng trong mảng bảo quản nông sản và thực phẩm, các doanh nghiệp cũng như là nông dân đã tìm đến chúng tôi để sử dụng các giải pháp bảo quản của chúng tôi để xuất khẩu đi xa.

Ngoài các cơ hội được mở rộng thị trường từ các hiệp định thì cũng có những thách thức được đặt ra, đòi hỏi doanh nghiệp phải vượt qua. Các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, hợp tác xã cần đáp ứng một loạt những yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm…  Ngoài các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa sẽ giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, do đó tăng tỉ suất lợi nhuận và làm cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn trên các thị trường quốc tế. Ông Lê Duy Minh- Chủ tịch Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam trong những năm vừa rồi thì tham gia rất nhiều hiệp định thì đây là cơ hội rất là lớn để cho khối ASEAN của mình cùng với Đông Bắc Á tham gia đặc biệt là các  mặt hàng nông sản của mình tạo thành các chuỗi xuất khẩu. Cho nên là các doanh nghiệp, các chủ trang trại, các hợp tác xã nắm được các ý nghĩa, mục đích và cùng tham gia các hiệp điệp này. Để chúng ta ra biển lớn thì đương nhiên chúng ta phải nắm luật cho nên xưa này thương ít nắm luật thì bây giờ phải nắm luật để trong khi mình đi tiếp cận với thế giới để đảm bảo được tốt.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết khoảng 15 hiệp định thương mại với các nước và tổ chức quốc tế. Do vậy, việc cần làm hiện nay là các doanh nghiệp ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng đủ các tiêu chí sản phẩm theo quy định, còn đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu các bộ luật có  liên quan và nắm bắt các hiệp định mới được nhà nước ký kết để lựa chọn và áp dụng xuất khẩu phù hợp với tình hình thực tế của doanh  nghiệp mình, nhằm đem lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần trong sự tăng trưởng của nền kinh tế nước nhà.

Phước Tiến

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo