Mùa Vu Lan - Giới trẻ biết suy nghĩ nhiều hơn về “đạo hiếu” - Thời sự 17g00 15/08/2019

(VOH) - Dù trong xã hội nào, việc báo hiếu vẫn gần như là việc đương nhiên, là yếu tố hàng đầu trong đời sống tình cảm gia đình.

Như thường lệ, rằm tháng bảy hàng năm là dịp để những người con dù ở bất cứ nơi nào cũng đều nhớ đến đấng sinh thành của mình, là dịp mà mỗi người trong chúng ta bỗng sống chậm hơn, suy nghĩ nhiều hơn về hai chữ “đạo hiếu”. 

Ảnh minh họa: TTVH

Dân tộc ta từ xưa nay đã có tinh thần “hiếu đạo” sâu sắc. Điều đó được thể hiện qua phong tục tập quán cùng mối quan hệ khăng khít giữa cha mẹ, con cái. Cha mẹ luôn che chở, dạy dỗ con cái từ nhỏ đến khi trưởng thành và sống nương tựa vào con cái khi họ già yếu. Lúc nhỏ, con cái luôn vâng lời cha mẹ, khi lớn lên thì hiếu thuận và chăm lo cho bậc sinh thành về cả vật chất lẫn tinh thần. Đến lúc cha mẹ khuất núi, thì con cái có nhiệm vụ làm tang chu đáo và thờ cúng cha mẹ. Qua đó, giúp con cái thêm hiểu, thêm thương và tri ân sâu sắc cội nguồn của mình.

Mặt khác, trách nhiệm, nghĩa vụ của con cái đối với cha mẹ còn được cô đúc trong khái niệm “hiếu”. Hiếu không những được xem là đứng đầu của đức hạnh, mà còn là cội nguồn để có được phúc thiện. Nhắc nhở giới trẻ vào dịp mùa lễ ý nghĩa này, Thượng tọa Thích Nhật Từ – Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Giác Ngộ ở quận 10, TPHCM căn dặn: “Dẫu vai trò xã hội có lớn cỡ nào thì tất cả chúng ta đều được sinh ra từ mẹ và từ sự phối hợp của người cha, cho nên dẫu cha mẹ có như thế nào, chúng ta không được quyền quên ơn, hãy làm những điều tốt nhất có thể để đền tạ ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ và của cha. Và cầu nguyện tất cả những người làm con đề cao hạnh hiếu, không chỉ giới hạn trong ngày rằm tháng bảy hay là mùa Vu Lan của tháng 7 âm lịch, mà phải luôn luôn hành xử hiếu kính trong 365 ngày về phương diện vật chất, tinh thần, đạo đức để trở thành những người con hữu dụng trong gia đình và hữu ích cho xã hội, quốc gia và toàn cầu.”

Đại diện cho các bậc phụ huynh, cô Lê Thị Ngọc Bích, 53 tuổi, hiện đang sinh sống ở quận 5 tâm tư: “Con cái phải luôn nhớ về cha mẹ, nghĩ về cha mẹ, cũng như cha mẹ lúc nào cũng thương yêu, nghĩ đến con cái cũng như lúc con còn bé, để cha mẹ được an vui trong cuộc sống. Mong con cái lúc nào cũng làm những việc đúng đắn, không nên làm những việc trái với đạo đức, đó chính là sự mong muốn và ý nguyện của cha mẹ với các con. Làm được như thế là đã báo hiếu với cha mẹ rồi.”

Qua đó, có thể thấy không chỉ đơn thuần nói yêu thương cha mẹ là đủ, ý nghĩa lắm, thiết tha lắm bằng những hành động, việc làm dù nhỏ thôi cũng thể hiện được sự quan tâm, lo lắng của một người con nên làm. Không chỉ là trong mùa Vu Lan báo hiếu, mà hơn ai hết chúng ta phải mãi mãi hiếu thảo với cha mẹ, ngày nào cũng được coi là ngày báo hiếu, đền đáp công lao nuôi dưỡng. Lễ Vu Lan vốn dĩ mang một ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, giúp cho con cái luôn nghĩ nhớ về công ơn cha mẹ, khơi dậy trong họ tinh thần hiếu đạo đáng quý, đáng trân trọng. Anh Nguyễn Thịnh Văn, ở Thủ Đức cho rằng: “Ngày lễ Vu Lan báo hiếu là ngày mang sự tri ân đến các bậc sinh thành của mình, và là một ngày rất ý nghĩa. Vào dịp lễ lớn này thì mình sẽ đi chùa, thắp hương rồi cầu nguyện cho người nhà, ba mẹ của mình luôn luôn mạnh khỏe, bình an. Riêng bản thân mình cảm thấy thì tất nhiên đây là ngày để mình tri ân, mình nhớ đến công ơn sinh thành của bậc cha mẹ, còn về việc hiếu thảo với cha mẹ thì đó là bổn phận của mình, không nhất thiết đến ngày này mới thể hiện điều đó. Thay vào đó thì mỗi ngày, với mỗi người sẽ có cách thể hiện riêng của mình.”

Trong điều kiện ngày nay, chúng ta cần tiếp tục khẳng định vai trò của chữ “hiếu” trong gia đình cũng như ngoài xã hội, các bạn trẻ phải biết nâng cao nhận thức, kế thừa, duy trì và phát triển chữ “hiếu”. Từ đấy kết nối, gắn bó với việc xây dựng nên gia đình văn hóa mới, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa xã hội và tạo ra một cuộc sống ấm no, hạnh phúc bền chặt.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo