Mua vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ dễ như mua rau - Thời sự 11g 18/07/2019

(VOH) - Chỉ cần gõ từ khóa “mua vũ khí tự vệ” vào trang Google thì chưa đầy 30 giây sau đã có tới gần 28 triệu kết quả xuất hiện, trong đó, có cả những trang bán hàng qua mạng như Lazada, Sen đỏ…

Truy cập vào một facebook mang tên shop vũ khí tự vệ một loạt mặt hàng các loại dao, kiếm Nhật hiện ra kèm theo lời giới thiệu và số điện thoại, thậm chí còn có khuyến mãi tặng kiếm ống, baton, dao bấm, xịt cay khi mua những món hàng giá trị.

Liên lạc với 3 – 4 số điện thoại của người bán, chúng tôi không nhận được câu trả lời, đa số đều im lặng, đề nghị để lại lời nhắn, có lẽ một phần là số lạ, phần khác đây là mặt hàng nhạy cảm chỉ vài tháng đối tượng sẽ thay số một lần.

Theo chia sẻ của anh Ngô Ngọc Phương - nhà tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai: người thường xuyên mua những món công cụ hỗ trợ này qua mạng thì các đối tượng buôn bán sản phẩm này khá cảnh giác, giao dịch chủ yếu thông qua facebook hoặc zalo, hạn chế nhắn tin hay gọi điện thoại. Hàng cũng không được nhận trực tiếp mà phải thông qua người giao hàng sau khi báo tin và địa điểm.

Các công cụ hỗ trợ mà anh Phương hay mua là baton, bình xịt hơi cay và cả súng điện, anh diễn giải rằng việc mua những dụng cụ này là do tính chất công việc cần phải tự bảo vệ bản thân. Nhà ở huyện Nhơn Trạch nhưng đi làm tại TPHCM, anh thường xuyên phải về tối và nhiều đoạn đường vắng nên hay bị nhiều đối tượng xấu theo dõi và không ít lần tìm cách trấn lột khiến anh phải tự vệ để thoát thân dù biết mang theo bên mình những món này là vi phạm pháp luật

Anh Phương chia sẻ: “Trên facebook có nhiều đường link nhiều shop quảng cáo thì mình lên đó xem, hiện tại em có mua một cây trên trang 939 gì đó, nhắn tin, hỏi chất liệu được giá thì mình mua về thôi. Mình chỉ có cách liên lạc qua facebook chứ gọi điện thoại người bán thì nó không nghe đâu, đơn giản là mình mua về để mình đi đường tự vệ mà”.

Trên thực tế có rất nhiều vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ khi mang theo bên mình bị xem là phạm pháp, đó là bình xịt hơi cay có khả năng trấn áp cao vì khiến đối thủ mất khả năng quan sát, việc sở hữu hơi cay từ các chai xịt tiêu chuẩn quân dụng cho đến các loại xịt hơi cay được chế ngụy trang trong thỏi son, chai nước hoa đều là hành vi phạm pháp.

Baton hay súng hơi, dao găm, roi điện, súng điện, những loại roi điện được nguy trang trong đèn pin, điện thoại giả cũng không được sử dụng. Thế nhưng qua nhiều lần giới thiệu và trao đổi chúng tôi tiếp cận được với một người cho rằng mình có thể tiếp cận được nguồn cung cấp vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ này khá dễ dàng và việc vận chuyển khá an toàn, tuy nhiên anh ta cũng cảnh báo mang theo những loại này là vi phạm luật.

Hồi cuối năm 2018, cơ quan cảnh sát điều tra an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với công an Quận Gò Vấp phá án thành công đường dây mua bán, tàng trữ, vũ khí trái phép trên địa bàn quận. Các vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ này được khai nhận là mua từ Trung Quốc rồi đưa về TPHCM tiêu thụ với số tiền giao dịch lên đến cả tỷ đồng.

Trước đó, một số phương tiện thông tin đại chúng đã thông tin về tình trạng rao bán thiết bị lắp ráp các loại súng thể thao mạo hiểm trên Lazada, sau đó trang web này cũng đã có giải trình rằng do các shop đã cố tình lách luật, ghi tên sản phẩm với các tên gọi khác để qua mặt. Tuy nhiên, điều này cũng dấy lên sự nghi ngại của người dân tức các vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ này có thể mua bán quá dễ dàng mà không có sự kiểm duyệt.

Anh Lê Thanh Hoàng một người dân cho rằng, dù vẫn là vũ khí thô sơ vẫn có thể gây nguy hại cho người đối diện, vậy tại sao nó vẫn được mua bán ngang nhiên?

“Vũ khí đồ chơi nhưng có thể gây sát thương, roi điện, súng ngắn, súng dài, chất nổ, đồ chơi rất nguy hại, theo tôi là vấn đề cửa khẩu, tại sao các loại hàng đó vào Việt Nam quá dễ dàng, lên mạng chỉ cần gõ vài từ khóa là có thể mua được dễ dàng? Theo tôi trách nhiệm đầu tiên là thuộc về các cơ quan nhà nước về quản lý thị trường, thứ 2 là giáo dục trong nhà trường và gia đình cha mẹ thầy cô phải nói lên được tác hại của những món đồ chơi mà nó là vũ khí” – Anh Hoàng nêu ý kiến.

Đồng quan điểm với anh Lê Thanh Hoàng, anh Trần Minh Hùng cho biết: “Sản phẩm này hiện nay nhà nước ta đang cấm nhưng tại sao họ lại bán được bình thường, cơ quan chức năng gần gửi thông tin về các đơn vị đang bán sản phẩm và tìm hiểu xem tại sao họ có thể nhập khẩu được, chúng ta quản lý chặt chẽ đó lại thì bán tràn lan trên mạng sẽ không còn nữa”.

Nhiều phụ huynh đã từng bất ngờ khi con mình tự động đặt mua những món hàng trên mạng mà khi mở ra đó là những vũ khí mang tính sát thương như súng bắn đạn cao su, súng bắn bi. Và có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ một vụ án xảy ra từ năm ngoái tại tỉnh Nghệ An khi các bị cáo Phan Văn Thọ, Trần Xuân Hiếu và Thái Huy Cường bị xét xử vì hành vi giết người.

Vào thời điểm gây án, Cường và Hiếu mới chỉ học lớp 11, dù biết Thọ mang theo mình một khẩu súng ngắn và một khẩu súng dài để giải quyết mâu thuẫn đã không can ngăn mà còn thống nhất đi cùng. Hai khẩu súng này Thọ mua của một người đàn ông tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An với giá 15 triệu đồng. Thọ đã bắn đối phương dẫn đến người này bị 12% thương tích.

Mới đây chỉ vì nhắc nhở một thiếu niên dừng đỗ xe chờ đèn đỏ không đúng quy định, một người đàn ông đã bị thiếu niên này rút dao có sẵn trong người đâm trúng dẫn tới tử vong.

Theo nghị định 59 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, nêu rõ: Đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em hoặc tới an ninh, trật tự, an toàn xã hội (bao gồm các chương trình trò chơi điện tử) thuộc danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh. Thế nhưng chính sự lỏng lẻo của các cơ quan chức năng đối với các tài khoản bán hàng, những trang thương mại điện tử đang khiến cho tình trạng mua bán các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ trở nên bát nháo và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự.

VOH

Bình luận

Đọc Báo