Mô hình đô thị thông minh: Từ ý tưởng đến hiện thực - Thời sự 11g00 13/08/2019

(VOH) - ​​​​​​​Công viên phần mềm Quang Trung hiện đã số hóa toàn bộ hạ tầng kỹ thuật nội khu; tiết kiệm 35% điện năng tiêu thụ; quản lý được 11 thông số nước thải đầu ra theo thời gian thực

Ngay từ đầu năm 2016, Công viên phần mềm Quang Trung đã chủ động ứng dụng công nghệ để giải quyết các bài toán về quản trị nội khu, tiến đến trở thành một hình mẫu về đô thị thông minh đầu tiên của cả nước. Cho đến nay, Công viên phần mềm Quang Trung đã đạt được một số kết quả nhất định, điển hình như: số hóa toàn bộ hạ tầng kỹ thuật nội khu; tiết kiệm 35% điện năng tiêu thụ; quản lý được 11 thông số nước thải đầu ra theo thời gian thực, cảnh báo tức thời khi có thông số vượt ngưỡng quy định; … Những kết quả về mặt kinh tế cũng như xã hội đã góp phần tích cực cho Công viên phần mềm Quang Trung trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động và xây dựng hình ảnh một công viên phần mềm mang tầm vóc công nghệ.  Mời quý vị nghe bài 2 cũng là bài cuối của loạt bài “Mô hình đô thị thông minh – từ ý tưởng đến hiện thực”, với cuộc phỏng vấn giữa phóng viên Quỳnh Anh với ông Lâm Nguyễn Hải Long – Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung xung quanh lộ trình phát triển Công viên phần mềm Quang Trung thành hình mẫu đô thị xanh, thông minh của Việt Nam.

VOH: Thưa ông, từ năm 2016, Công viên phần mềm Quang Trung đã cho triển khai hàng loạt hệ thống thông minh như chiếu sáng, đồng hồ nước, xử lý nước thải, thu thập dữ liệu công tơ điện từ xa... Mô hình này đã được lọt vào vòng đề cử bình chọn giải thưởng “Thành phố thông minh châu Á” năm 2019. Động lực nào để Công viên phần mềm Quang Trung lại quyết định xây dựng mô hình thành phố thông minh thu nhỏ này?

Ông Lâm Nguyễn Hải Long: Khi thực hiện mô hình này, chúng tôi mong muốn làm sao nâng cao mô hình quản trị của mình tốt hơn, làm sao để công việc quản lý tiện lợi hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Thứ hai, chúng tôi mong muốn mang lại sự hài lòng cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin đang hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung, làm sao những phản hồi, những khó khăn của doanh nghiệp được giải quyết sớm nhất. Thứ ba, sau hơn 15 năm hoạt động, đến 2016 chúng tôi có bước chuyển mình, cùng với cộng đồng doanh nghiệp tại đây, chúng tôi phải có những bước thay đổi để phù hợp với trào lưu công nghệ toàn cầu. Chính vì vậy chúng tôi phải làm điều này để duy trì giá trị thương hiệu của Công viên phần mềm Quang Trung như là một nơi dẫn đầu tại Việt Nam trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ, và mang những ứng dụng công nghệ này giới thiệu với bạn bè quốc tế.

VOH: “Đô thị thông minh” là một cụm từ thường xuất hiện những năm gần đây, tuy nhiên để áp dụng vào thực tiễn và mang lại kết quả cụ thể thì chưa có nhiều mô hình. Vậy Công viên phần mềm Quang Trung lấy kinh nghiệm từ đâu, làm sao để vượt qua những khó khăn ban đầu đó?

Ông Lâm Nguyễn Hải Long: Điều đó là chính xác. Chúng tôi cũng không có kinh nghiệm, và khi triển khai thì chúng tôi phải đi học hỏi rất nhiều, nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết, là nhận định của các chuyên gia. Kinh nghiệm phải bắt nguồn từ triển khai. Do đó chúng tôi bắt đầu từ những bước nhỏ nhất, những việc nhỏ nhất, qua đó tích tụ kinh nghiệm cho đội ngũ và chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Khó khăn có rất nhiều, nhưng khó khăn lớn nhất không phải là công nghệ hay tài chính, mà là ý chí và quyết tâm thực hiện. Vì vậy, ngoài ứng dụng cho hoạt động quản lý tốt hơn thì đội ngũ quản lý Công viên phần mềm Quang Trung cũng có những thay đổi, tư duy mới để áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động quản lý của mình.

VOH: Sau 3 năm triển khai, cộng đồng các doanh nghiệp tại Công viên phần mềm Quang Trung đánh giá như thế nào về hiệu quả của mô hình này?

Ông Lâm Nguyễn Hải Long: Những phản hồi tới thời điểm này rất tích cực. Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ tại Công viên phần mềm Quang Trung mà cộng đồng công nghệ châu Á cũng đánh giá rất cao mô hình này. Họ cũng rất ngạc nhiên là chúng ta có thể vượt khó để xây dựng được mô hình. Đây không phải là thành quả của riêng chúng tôi, mà là thành quả của cả cộng đồng doanh nghiệp tại đây cùng hưởng ứng, cùng triển khai mới có được kết quả như ngày hôm nay.

VOH: Những thuận lợi và trở ngại mà Công viên phần mềm Quang Trung sẽ đối mặt khi tiếp tục hướng đến mô hình đô thị xanh, thông minh là gì?

Ông Lâm Nguyễn Hải Long: Có nhiều việc mà sắp tới chúng tôi phải chuẩn bị. Như hiện nay chúng tôi tích hợp được 12 ứng dụng, và trong 1 – 2 năm tới chúng tôi sẽ tích hợp 15 – 18 ứng dụng nữa. Việc này đòi hỏi tính hệ thống rất quy mô và rất sâu để tính toán những giải pháp cho hợp lý. Một mục tiêu nữa là chúng tôi sẽ mở một số dữ liệu cho cộng đồng, ví dụ như dữ liệu về nước thải, quan trắc không khí, quan trắc môi trường… và cộng đồng có thể dùng số liệu đó cho nghiên cứu, khởi nghiệp … Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn tích hợp càng nhiều dữ liệu mới vào hệ thống này. Đây chính là môi trường luyện tập cho chúng tôi. Ví dụ như công nghệ trí tuệ nhân tạo phải tích hợp sâu hơn nữa, và khai thác tối đa dữ liệu mà chúng tôi đang có sẽ mang lại hiệu quả rất lớn.Như hiện nay một tòa nhà “thông minh” có 4 thang máy, chúng tôi sẽ biết được thang này được sử dụng nhiều nhất để cử đội bảo trì ưu tiên cho thang đó, thay vì trước đây phải bảo trì cùng lúc 4 thang. Hay như việc bảo trì máy lạnh, trước đây mình chỉ biết máy nào dùng nhiều nhất vì nó tốn điện nhiều, nhưng giờ đây chúng ta có thể biết cường độ, công suất máy đó chạy được bao nhiêu giờ rồi. Khi đó, bộ phận bảo trì sẽ ưu tiên cho những máy đã dùng nhiều. Hoặc như hiện nay, chúng tôi đang ứng dụng camera giám sát cho toàn khu công viên, nhưng trước đây chúng ta chỉ dừng ở mức nhận diện biển số xe, loại xe, khuôn mặt… nhưng tiến tới đây, chúng tôi sẽ gửi thông điệp vi phạm đến doanh nghiệp đang hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung một cách tự động, để làm sao họ ý thức được mình đang vi phạm trong khu vực.

VOH: Thành phố Hồ Chí Minh đang định hướng trở thành đô thị thông minh. Trong khi đó Công viên phần mềm Quang Trung cũng đang thực hiện mô hình đô thị thông minh thu nhỏ. Những năm tiếp theo, Công viên phần mềm Quang Trung sẽ phải làm gì để hòa nhịp vào mục tiêu chung của thành phố?

Ông Lâm Nguyễn Hải Long: Một điều may mắn và cũng là trách nhiệm, đó là khi thành phố Hồ Chí Minh triển khai mô hình đô thị thông minh thì Công viên phần mềm Quang Trung là thành viên thường trực của ban điều hành xây dựng thành phố thông minh. Vì vậy những ứng dụng tại Công viên phần mềm Quang Trung mang lại giá trị cơ bản là Thành phố có thể xem xét, lựa chọn hoặc những giải pháp hay có thể nhân rộng ra các quận huyện, sở ngành. Công viên phần mềm Quang Trung có quy mô tương đối nhỏ nên việc triển khai thử nghiệm những sản phẩm mới sẽ thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, tại đây có đội ngũ thuần về công nghệ nên việc triển khai thử nghiệm thuận lợi hơn rất nhiều. Do đó tôi mong rằng ngoài việc cung cấp, đáp ứng cơ sở hạ tầng cho chương trình đô thị thông minh của Thành phố thì chúng tôi có thể thử nghiệm các ý tưởng trước khi triển khai trên toàn Thành phố.

VOH

Bình luận

Đọc Báo