Ma túy vì sao khó lòng từ bỏ - bài 2 – Thời sự 11g 16/07/2019

(VOH) - Mời quý vị tiếp tục nghe bài 2 của loạt bài: “Ma túy vì sao khó lòng từ bỏ” của Phước Tiến sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện về sự nguy hại khó lường của ma túy.

Anh Trần Chí Tuấn, 31 tuổi, một người từng sử dụng ma túy cho biết với sự cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ, động viên của gia đình, anh đã cai được hơn 2 năm nay. Theo anh Tuấn, khi chơi hàng đá vào, đầu ốc người chơi sẽ cảm thấy đơ đơ, có một hành động cứ làm lặp đi, lặp lại. Có người thì ngồi rung đùi liên tục. Có người thì dơ tay lên, duỗi thẳng ra, rồi gặp tay lại, cứ thế làm đi, làm lại cho đến khi thuốc tan hết. Còn có những người bị ảo giác, cảm giác bị ai đó đuổi theo bắt, cứ sợ bị giết nên nhiều trường hợp leo lên xe bỏ chạy, leo nóc nhà hoặc leo cột điện trốn. Anh Tuấn cho biết đã sử dụng rồi thì từ bỏ không dễ do các nguyên nhân là người bán cứ lảo đảo gần nhà, dụ dỗ mua và người chơi chung cứ gọi điện thoại, rủ rê, không buông bỏ, có khi họ đi ngang mặt và thổi khói thuốc vào mặt là nhớ, quay lại chơi ngay. Cùng ý kiến với anh Tuấn, anh Thiện, một người nghiện khác cho biết: "Giống như chơi cái nó quen không khí. Nói chung, cai ở trường thì không nói đi nhưng mà về đây thì bạn bè nó kêu, nó rủ một, hai lần đi, trước sau gì cũng quay lại à. Nếu muốn mà bỏ luôn á thì chuyển cuộc sống đi, tại giống như về đi chơi với bạn nó còn hút này nọ, không hút không được, rồi cũng ngứa mồm trước sau gì cũng dính nữa à. Còn nếu muốn cai thành công rồi thì chuyển môi trường ở luôn, môi trường sống luôn, quay lại môi trường cũ thì trước sau gì cũng quay lại con đường cũ à. Mấy thằng bán nó cũng rủ mình chơi chung, nó chơi rồi nó bán, rồi khi lậm nó bán giá cao hơn, còn không thì lúc đầu đưa hàng ngon, sau thì nó mới đưa mấy hàng pha."

Những ý kiến trên cho thấy, các đối tượng nghiện ngập, hút chích biết rất rõ tác hại của việc sử dụng ma túy, biết rất rõ đam mê này là khó dứt bỏ. Tuy nhiên, nói thì dễ, cái vòng luẩn quẩn, môi trường sống cũ, thói quen sử dụng chất gây nghiện đã ảnh hưởng sâu đến nhận thức của họ. Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy- Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa, cho rằng: "Người nghiện chỉ cần gặp lại bạn nghiện thôi thì đó là cảm thấy nhớ tới ma túy rồi. Tối ngủ, tụi nó gọi điện thoại tới nói chuyện thôi cũng đã thấy rợn người, thèm nhớ tới ma túy rồi. Chỉ nghe cái giọng nói nó không cũng nhớ tới ma túy rồi. Tức là cái này nằm trong quy luật phản xạ có điều kiện, những cái gì nhắc nhở quá khứ khoái lạc thì nó sẽ nghĩ tới sự khoái lạc đó và chạy theo ma túy."

Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, hiện nay có nhiều biện pháp cai nghiện, trong đó có việc cai nghiện bắt buộc hoặc cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm cai nghiện, hoặc có thể tự cai nghiện tại nhà.  Việc cai nghiện tại nhà nghe rất đơn giản nên việc quay lại tái nghiện cũng khá giản đơn.  Vì cai nghiện tại nhà rất là nhẹ, chủ yếu là phương pháp khóa cửa, nhốt trong phòng để cách ly với xã hội bên ngoài. Cách này chỉ làm được một thời gian ngắn, sau đó đối tượng giả ngoan, hiền, giả cai thành công rồi có trường hợp dọa tự tử, được gia đình thả ra rồi lén lút “chơi” lại. Mặt khác, người thân trong gia đình của đối tượng không có nghiệp vụ chuyên môn, không biết cách giáo dục nhân cách, không biết cách tư vấn tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu, và chính ở nhà là nơi đã dẫn đến sử dụng ma túy nên việc cai nghiện tại nhà rất khó thành công.

Hiện nay, việc thực hiện cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng sử dụng ma túy còn nhiều khó khăn cho địa phương thực hiện. Nghị định 136 năm 2016 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải từ đủ 18 tuổi trở lên, hoặc kèm theo điều kiện đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì mới được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ.Nói về cách điều trị cai nghiện ma túy hiện nay, Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, cho biết: "Theo quan niệm cai nghiện ma túy bây giờ là không phải cai một lần là hết. Cai một lần hết là chuyện không xảy ra. Người ta chỉ có cái này, với Heroin thì có thuốc Methadone, thay thế nghiện Heroin bằng Methadone. Methadone là một chất uống chứ không chích nên giảm lây nhiễm HIV. Cái thứ hai, một ngày thì sử dụng một lần thôi không phải như Heroin sử dụng ba, bốn lần, bớt đi cái vấn đề về hình sự. Còn các loại ma túy khác thì nó đi thẳng trực tiếp vào cơ thể con người, nên không có thuốc chữa. Không có thuốc chữa  thì dùng ý chí, nghị lực để giáo dục phục hồi năng lực hành vi ,nhân cách, lấy ý chí nghị lực mà chống nó."

Hiện nay việc cai nghiện, xử lý đối tượng nghiện ngập vẫn còn nhiều khó khăn. Có những đối tượng đi cai nghiện tự nguyện hoặc cai nghiện bắt buộc, nhưng khi trở về vẫn bị tái nghiện và lôi kéo theo nhiều người khác. Do vậy, công tác phòng, chống là phương pháp hiệu quả nhất, thiết thực nhất trong giai đoạn hiện nay. Phòng bằng cách tăng cường trấn áp, bắt các tội phạm mua bán ma túy. Chống bằng cách tuyên truyền. Tuyên truyền từ gia đình, đến nhà trường, đến xã hội. Mà việc dạy bảo trong gia đình là chính. Các bậc phụ huynh phải quản lý chặt chẽ con em mình bằng nhiều hình thức, không chỉ chở đến trường và rước về nhà đúng giờ là quản lý chặt, mà phải thường xuyên xem xét hành vi, thái độ của con em mình trong cách cư xử hàng ngày. Hàng ngày, trong các bữa cơm gia đình, người lớn phải thường xuyên răn đe, dành ra ít phút để kể, để nói về tác hại của ma túy. Không chỉ nói 1 lần rồi xong, mà hàng tuần, hàng tháng phải nói và nhắc lại để hình thành trong trí óc các trẻ từ nhỏ, từ đó mà sợ, không dám đụng vào ma túy. Và chúng ta, những người lớn, những người làm gương phải luôn tự răn đe mình: không giữ, không thử, không sử dụng ma túy dù chỉ một lần.

Phước Tiến 

VOH

Bình luận

Đọc Báo