Ma túy, hiểm họa lớn cần loại bỏ khỏi cộng đồng (bài 3) - Thời sự 11g00 07/08/2019

(VOH) - Thượng tá Võ Văn Trai – Phó trưởng Phòng CS Phòng chống tội phạm về ma túy, CA TPHCM: “Cần chủ trương chính sách lớn để chặn đứng nguồn cung ma túy.

Liên tiếp nhiều vụ ma túy với số lượng cực lớn vận chuyển qua địa bàn thành phố Hồ Chí Minh bị lực lượng công an thành phố phát hiện và bắt giữ trong thời gian gần đây đã thực sự đặt thành phố Hồ Chí Minh vào tình trạng rất đáng báo động về ma túy. Đây là địa bàn đang bị bọn tội phạm xuyên quốc gia lợi dụng để trung chuyển ma túy sang các nước thứ ba. Bên cạnh đó là tình hình phức tạp về ma túy nội tại ở thành phố chưa được kiềm chế có hiệu quả. Các đối tượng phạm tội vẫn núp bóng dưới các hình thức để hoạt động sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

VOH có phỏng vấn Thượng tá Võ Văn Trai – Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Công an thành phố Hồ Chí Minh để rõ hơn về tình hình cùng những biện pháp của công an thành phố Hồ Chí Minh nhằm kiềm chế tình hình nhân tháng cao điểm phòng chống tội phạm về ma túy:

VOH: Thời gian gần đây, nhiều đường dây sản xuất, vận chuyển ma túy lớn xuyên quốc gia đã bị lực lượng công an thành phố Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ. Kết quả này đã cho thấy sự nỗ lực, đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm ma túy của Công an thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng điều mà dư luận không khỏi lo lắng đó là quy mô của các vụ án ma túy ngày càng lớn, thể hiện qua số lượng ma túy bị bắt giữ trong nhiều vụ việc là con số lớn chưa từng có từ trước đến nay. Ông nhận định thế nào về tình hình này trong thời điểm hiện nay? Có điểm chung nào trong các vụ án ma túy mà công an thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá trong thời gian gần đây?

Thượng tá Võ Văn Trai: Tại thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm 2018 đến nay, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về ma túy Công an thành phố Hồ Chí Minh và Cục Cảnh sát phòng chống ma túy Bộ Công an đã phát hiện 5 vụ tàng trữ, vận chuyển ma túy số lượng rất lớn, thu hơn 2,1 tấn ma túy tổng hợp và hơn 310 kg heroin, tương đương 1.000 bánh. Trong đó, chủ yếu là các đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc. Mặc dù thu giữ với số lượng ma túy lớn như vậy, nhưng giá các loại ma túy cung cấp cho địa bàn thành phố vẫn không tăng. Do đó có thể khẳng định số ma túy trên chỉ phục vụ cho mục đích trung chuyển đi các nước khác chứ không có tác động đến thị trường sử dụng trên địa bàn thành phố. Và qua đấu tranh với các đường dây, các đối tượng đều khai nhận ma túy được vận chuyển từ khu vực tam giác vàng, qua Thái Lan, Lào, Campuchia vào Việt Nam để xuất đi Đài Loan, Philippines, Úc. Ma túy thường được ngụy trang trong các gói trà Trung Quốc, giấu trong các thùng loa. Đó là những điểm chung.

VOH: Trước nguy cơ địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm tập kết, trung chuyển ma túy qua nước thứ ba thì Công an TP.HCM có sự chủ động như thế nào để đấu tranh với tội phạm này?

Thượng tá Võ Văn Trai: Tội phạm ma túy là tội phạm ẩn. Việc phát hiện được các vụ vận chuyển ma túy lớn như trên là một thành tích, bởi chúng đã qua mặt được rất nhiều cơ quan hữu quan trên suốt tuyến đường từ biên giới về đến thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chúng sẽ không dừng lại, cho nên chúng tôi cũng sẽ chủ động thực hiện một số biện pháp. Đầu tiên chúng tôi sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ của ngành công an, như là tăng cường công tác nắm tình hình, quản lý các kho bãi ở địa phương, theo khảo sát các nhóm đối tượng nghi vấn, chủ động phối hợp với các lực lượng như hải quan, bộ đội Biên phòng để phát hiện, đấu tranh với các băng nhóm bằng các kế hoạch cụ thể hơn. Đồng thời, báo cáo với Bộ Công an về những kết quả điều tra mở rộng các đường dây lớn có tổ chức, xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài để Bộ Công an có chỉ đạo ngăn chặn từ xa. Một phương án nữa là tuyên truyền cho người dân và cơ quan nhà nước nhận biết những dấu hiệu nghi vấn để kịp thời báo cho cơ quan công an như hoạt động kinh doanh nhưng kín tiếng, có kho bãi nhưng hoạt động cầm chừng, có người nước ngoài tham gia, nhất là người có quốc tịch Trung Quốc, Châu Phi, và có hoạt động dụ dỗ lôi kéo người khác đi du lịch, cầm đồ dùm, nhận và gửi quà, các loại quà biếu qua các cửa khẩu. Hiện nay công an thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai phương án kế hoạch phối hợp với các tỉnh để khám phá các vụ vận chuyển từ xa trước khi chúng chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh.

VOH: Không chỉ là địa bàn trung chuyển ma túy mà thành phố Hồ Chí Minh còn là nơi mà các đối tượng tổ chức sản xuất ma túy tổng hợp, tàng trữ, mua bán, như một số vụ việc đưa ra xét xử trong thời gian gần đây cũng cho thấy kẻ phạm tội đôi khi có những vỏ bọc hết sức bình thường, là những người chưa từng có tiền án tiền sự. Những giải pháp để có thể đấu tranh hiệu quả với các hành vi phạm pháp này là gì?

Thượng tá Võ Văn Trai: Năm 2017, chúng tôi đã phát hiện một vụ sản xuất ma túy lớn với quy mô công nghiệp trên địa bàn quận Bình Thạnh. Ngoài ra còn rất nhiều vụ pha trộn, ép lại các loại ma túy để tăng số lượng. Do đó, không loại trừ tội phạm ma túy sẽ tiếp tục sản xuất, pha trộn. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác nghiệp vụ, phối hợp với các ngành, nắm, kiểm tra tình hình mua bán, sử dụng, nhất là các loại tiền chất sử dụng vào việc sản xuất ma túy. Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân để nhận biết các dấu hiệu về sản xuất ma túy để báo cho cơ quan công an như: các chất thải độc hại đựng trong các bình, thùng thải ra môi trường hoặc chở đi nơi khác, hoặc là rác với số lượng lớn như là các chai lọ, vỉ, hộp thuốc, hoặc là các mùi đặc trưng như là mùi trứng thối, mùi khét, cháy nổ.., nhà có nhiều người ra vô nhưng kín cổng cao tường, nhiều ô tô xe tải ra vô. Ngoài ra cũng cần chú ý đến nhóm người thuê nhà chung cư có hoạt động đáng ngờ, không sinh hoạt như người dân bình thường.

VOH: Đáng lo ngại là ngày càng có nhiều vụ án giết người nghiêm trọng xảy ra khi đối tượng gây án đang trong tình trạng ngáo đá, thực trạng đó khiến chúng ta không khỏi lo ngại về nguy cơ của ma túy tổng hợp đối với sự an nguy của cộng đồng. Những thách thức đang đặt ra trong công tác phòng chống tội phạm ma túy tổng hợp ở địa bàn thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là gì? Làm thế nào để có thể chặn đứng nguồn cung ma túy?

Thượng tá Võ Văn Trai: Qua khảo sát, số người nghiện và số người sử dụng ma túy trên địa bàn thành phố năm 2018, chúng tôi thấy rằng, tỷ lệ sót lọt khoảng 50 đến 80%. Đây là do lỗi chủ quan trong việc thống kê và nhập liệu. Số người nghiện và sử dụng ma túy tổng hợp trong tháng khảo sát chiếm hơn 84%, sử dụng ma túy gốc opiats (heroin) chỉ chiếm hơn 15%. Cùng với đó thì tỷ lệ ma túy tổng hợp thu giữ tăng bình quân trong 5 năm qua tại địa bàn thành phố là 105%, tỷ lệ đối tượng liên quan đến ma túy tổng hợp tăng bình quân trong 5 năm qua là 72%. Ma túy tổng hợp thu giữ trong năm vừa rồi cũng chiếm 75% trong tổng số ma túy thu giữ, nhưng số người nghiện ma túy tổng hợp có hồ sơ quản lý hiện tại chỉ chiếm 30%. Tình hình như vậy thì thật sự đáng lo ngại, nhất là số đối tượng lạm dụng ma túy tổng hợp dẫn đến ngáo đá, loạn thần. Thách thức ở đây là hiện nay có nhiều quy định cũng gây khó khăn cho lực lượng thực thi công vụ như công tác xác minh nơi cư trú, công tác xác định tình trạng nghiện, hiện chỉ mới xác định được 2 loại là nhóm opiats và nhóm ats. Nếu người nghiện mà nghiện các chất khác thì không thể xác định (ví dụ như chất xlr11 có trong cỏ mỹ), dẫn đến không thể thực hiện được các bước theo của nghị định. Ngoài ra, cơ sở pháp lý của việc xử lý, quản lý để đảm bảo sự có mặt của người sử dụng ma túy tại địa phương trong thời gian chờ xác định tình trạng nghiện cũng chưa được chặt chẽ, rõ ràng. Từ đó dẫn đến nhiều người nghiện không bị xử lý, nhất là số đối tượng ngáo đá khiến trật tự xã hội phức tạp, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây.

Hiện tại thì Chính Phủ cũng chủ trương đẩy mạnh tăng cường các biện pháp cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tuy nhiên đối với người nghiện ma túy tổng hợp, việc chỉ ở cộng đồng cai nghiện thì không đủ điều kiện để có thể chữa dứt điểm căn bệnh này, trong khi hậu quả của các loại ma túy tổng hợp thì không thể khôi phục được. Đến thời điểm này, việc cai nghiện tại gia đình chưa thực sự có hiệu quả, hoặc các ngành chức năng chậm phát hiện người nghiện, hoặc người nghiện và gia đình của họ chưa tự nguyện, hoặc nguồn lực và cơ sở vật chất ở địa phương cũng chưa đáp ứng. Vì vậy, việc chặn đứng nguồn cung ma túy cần rất nhiều giải pháp mang tính vĩ mô, cần nhiều ngành và xã hội tham gia, mà giải pháp xã hội là căn cơ. Do đó, cần có chủ trương chính sách lớn, và nếu như không có sự phối hợp giữa các ngành và xã hội thì không thể chặn đứng được nguồn cung ma túy.

Xin cám ơn ông.

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo