Lời căn dặn ấy luôn mãi soi đường! - Thời sự 5g30 08/08/2019

(VOH) -  Là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những giá trị văn hóa to lớn của dân tộc và nhân loại, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt.

Những lời căn dặn ấy cho đến nay vẫn mãi còn nguyên giá trị. Dấu ấn ấy để lại trong tâm hồn của mỗi người như là lời dặn dò, là kim chỉ nam tạo động lực, soi đường cho chúng ta bước tới.

di chúc Bác Hồ, Thời sự 5g30, nghe thời sự VOH

Trong Di chúc thiêng liêng của Người, bên cạnh những lời dặn dò tâm huyết, giữa muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, Người luôn dành tình yêu thương vô bờ với các cháu thiếu niên nhi đồng. Điều này thật sự là một tình cảm, nhân cách lớn của vị lãnh tụ đã để lại dấu ấn mãi không phai trong lòng của ông Trần Văn Tín – thành viên đang sinh hoạt tại Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến hưu trí Quận 10.

Vinh dự được Bác đến thăm hỏi, động viên tại Phủ Chủ tịch trước khi đi học tại Đức vào hè năm 1955. Ngày ấy, ông Trần Văn Tín là một trong những đại diện thiếu niên nhi đồng được Bác cử sang Đức học tập. Nhớ mãi sự ân cần, niềm nở đặc biệt là sự quan tâm trìu mến của Bác, ông Trần Văn, nhớ lại: Nhớ mãi lần đó Bác tặng mỗi cháu thiếu nhi chiếc khăn quàng cổ trước khi sang Đức vì bên đó rất lạnh. Bác hỏi các cháu có biết tại sao Bác tặng các cháu cái khăn không? Nhiều người trả lời sang Đức lạnh thì Bác tặng cho ấm. Tuy nhiên Bác từ tốn trả lời khi các cháu đeo lên cổ có nghĩa là lúc nào Bác bên cạnh các cháu. Bác bảo các chú phải học giỏi sau này về phục vụ đất nước, Tổ quốc”.

Còn với bà Bùi Thị Xuân – Chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống kháng chiến hưu trí Quận 10, không nhớ mình đã đọc đi, đọc lại bao nhiêu lần bản Di chúc của Người. Lần nào cũng thế, mắt lại đỏ hoe. Bao lời dặn dò, trĩu nặng việc chung, vì nước, vì dân để rồi khi nói về việc riêng của mình, Bác xem nhẹ tênh, không đòi hỏi bất cứ điều gì. Có chăng Người chỉ tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho cách mạng và nhân dân. Bà Bùi Thị Xuân luôn dâng trào cảm xúc khi nói đến Di chúc của Người: “Đọc lời của Bác lúc Bác chuẩn bị ra đi mà rớt nước mắt, Bác căn dặn mấy vấn đề: một là công tác xây dựng Đảng. Thứ hai là công tác giáo dục thế hệ trẻ, lo cho đoàn thanh niên. Thứ ba lo cho dân. Những nội dung mà Bác căn dặn tới giờ phút này rất ý nghĩa, đòi hỏi Đảng mình phải luôn luôn quan tâm mấy vấn đề đó”.

Học tập Bác, luôn nhớ những điều Bác căn dặn trong Di chúc là nền tảng, kim chỉ nam trong suốt cuộc đời mình, bà Bùi Thị Xuân luôn ý thức xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh vô cùng quan trọng. Từ đó luôn quán triệt suy nghĩ, hành động của mình trong cuộc sống, trong công việc: “Xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh muốn xây dựng Đảng được tốt phải xây dựng được đoàn kết, chân tình đóng góp xây dựng cho nhau, phê bình tự phê bình làm sao để cho Đảng thực sự trong sạch thì mới được lòng dân. Dân thương, dân yêu dân mới cùng thực hiện. Ngẫm nghĩ sao mà Bác hay quá”.

Lời dạy nào của Bác cũng vô cùng thấm thía, trong đó là bao hàm cả sự dự báo quá tài tình. Những sự quan tâm của Bác theo đảng viên Trần Nguyệt Ánh luôn đúng và vẹn nguyên giá trị trong bất kỳ hoàn cảnh nào:“Cái gì Bác nói cũng thấm thía hết giống như Bác đã dự báo trước tình hình, cụ thể về Đảng, Bác cũng dặn phải đoàn kết rồi về thiếu nhi, thương binh xã hội, quan tâm tới Đảng khi Đảng cầm quyền…Bác còn quan tâm tới lực lượng thiếu niên nhi đồng, rồi quan hệ quốc tế. Nói chung là những vấn đề quan tâm của Bác mặc dù đã qua bao nhiêu năm thực sự vẫn còn nguyên giá trị, mình thấy rất là đúng”.

Sự đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân vô cùng quan trọng đã được Bác cụ thể trong Di chúc, mãi soi đường cho thế hệ sau. Điều này cũng là nội dung mà Đảng viên Nguyễn Văn Hiền, cán bộ hưu trí luôn thấy mãi vẹn nguyên giá trị: “Tâm đắc nhất là lúc nào cũng phải giữ gìn đoàn kết, đầu tiên phải đoàn kết trong Đảng rồi mới đoàn kết được với nhân dân. Nhân dân mới tin Đảng, đi theo Đảng. Không đoàn kết là không được”.

Còn với ông Nguyễn Tuấn Minh – Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quận 10, thì việc đào tạo, răn dạy thế hệ sau tiếp bước truyền thống cha ông vô cùng quan trọng. Và trong Di chúc của Người đã không ngừng nhắc đến: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”: “Di chúc của Bác là một gia tài, một tài sản tuyệt vời. Tôi tâm đắc nhất Bác nói về thế hệ trẻ, giáo dục thế hệ trẻ trở thành rường cột của đất nước cho nên công tác giáo dục cho thế hệ trẻ trách nhiệm Bác giao cho toàn Đảng toàn dân. Tuổi trẻ bây giờ thì rất là giỏi, giỏi về chuyên môn, vừa hồng vừa chuyên. Bác nói về tuổi trẻ thì điều nào cũng tuyệt vời cả”.

Qua những chia sẻ mà chúng ta vừa nghe phần nào cho thấy được tấm lòng cũng như tình cảm của những đảng viên, cán bộ hưu trí  dành cho Bác rất đỗi chân thành, thấm thiết. Chính họ đã luôn ý thức được sự đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân cũng như tầm quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Chính niềm tin, tình cảm với Bác là kim chỉ nam soi đường, là động lực để truyền lửa cho thế hệ sau. Họ đang góp phần để hiện thực hóa những giá trị vô cùng thực tiễn được Bác gửi gắm trong Di chúc một cách cụ thể nhất.

Nhất Hương

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo