Lĩnh vực công nghệ sinh học cần hợp tác quốc tế để tiến nhanh hơn - Thời sự 05g30 10/6/2021

(VOH) - Để có thể phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng của lĩnh vực công nghệ sinh học, đang đặt ra một số vấn đề mà cơ quan quản lý ngành nông nghiệp Thành phố cần quan tâm.

Xung quanh nội dung này, Phóng viên Minh Phước có cuộc trao đổi với PGS-TS Dương Hoa Xô - nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, hiện là Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Thành phố.

* VOH: Thưa ông, với vai trò là một nhà khoa học nông nghiệp, ông nhận định về công nghệ sinh học tại TPHCM như thế nào?

- Ông Dương Hoa Xô: Theo chủ trương của Thành phố, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố thì hướng xây dựng nông nghiệp trên địa bàn Thành phố là nông nghiệp đô thị, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và công nghệ sinh học. Trong đó tập trung phát triển trở thành một Trung tâm giống cây trồng vật nuôi.

Hiện nay rất nhiều các giống rau như: giống dưa lưới, các giống lan, các giống dưa leo, ớt… đã được Trung tâm chọn tạo và chuẩn bị được công nhận giống và một số giống cũng đã được bảo hộ. Và một số doanh nghiệp cũng đã đến đặt vấn đề để mua lại bản quyền các giống này.

Bên cạnh đó, trong các Chương trình Nông thôn mới, chúng ta đều lồng ghép xây dựng các mô hình mới, chúng tôi cũng đã đưa những giống mới này vào trong các mô hình trình diễn để bà con nông dân có thể tiếp cận được các giống mới. Những giống mới này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn trong điều kiện đất đai bị đô thị hóa cũng như chúng ta có đội ngũ chuyên gia và doanh nghiệp làm giống rất mạnh ở TPHCM.

* VOH: Đối với tốc độ đô thị hóa như hiện nay thì điều gì là khó khăn đối với TPHCM?

- Ông Dương Hoa Xô: Thật ra về công nghệ sinh học thì không có gì khó khăn bởi vì chúng ta có điều kiện cơ sở vật chất nghiên cứu cũng như các điều kiện nghiên cứu thử nghiệm. Vấn đề ở chỗ là làm sao chuyển giao công nghệ đó ra cho doanh nghiệp hay bà con nông dân thì có 02 vấn đề: Một vấn đề lớn nhất hiện nay là TPHCM là các quận huyện ngoại thành thì lên quận – đô thị hết. Nhưng về quan điểm của tôi thì nông nghiệp mặc dù không lớn nhưng cần giữ lại một diện tích nhất định để làm mảng xanh và vừa làm nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao.

Vấn đề thứ hai là các doanh nghiệp hiện nay muốn sản xuất, tiếp cận và tiếp nhận từ các thành quả của công nghệ sinh học thì chúng ta không phải sản xuất tại TPHCM mà chúng ta chỉ là nơi có thể sản xuất các giống gốc, các giống chuẩn, còn lại khi sản xuất các giống thương mại thì có thể chúng ta sản xuất tại các tỉnh khác mà có diện tích đất rộng để chúng ta có một số lượng lớn.

* VOH: Với cơ sở vật chất cùng đội ngũ nhân lực hiện tại thì lĩnh vực công nghệ sinh học của TPHCM đang ở mặt bằng trình độ nào so với trong khu vực? Ngoài ra, với lực lượng như vậy thì lĩnh vực công nghệ sinh học Thành phố hướng đến mục tiêu, nhiệm vụ nào?

- Ông Dương Hoa Xô: Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM xây dựng đề án trở thành Trung tâm Công nghệ sinh học Quốc gia khu vực phía Nam, vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định từ năm 2015. Và muốn như vậy thì có 03 vấn đề: Thứ nhất, chúng ta phải mở rộng các đối tượng nghiên cứu, tức là công nghệ sinh học không chỉ cho nông nghiệp mà còn cho cả môi trường, thực phẩm… Theo tôi, nếu so sánh mặt bằng chung với khu vực thì chúng ta vẫn còn thấp hơn một bước vì chúng ta còn thiếu các đội ngũ chuyên gia đầu ngành, mà hiện nay, lực lượng khoa học, nhất là các cán bộ trẻ.

Vấn đề thứ hai, mở rộng khu vực đối tượng nghiên cứu khu Công nghệ sinh học phải mở rộng hơn. Ví dụ như trước đây chúng ta làm nông nghiệp đô thị ở TPHCM chúng ta tập trung cho rau và hoa và hiện nay chúng ta có mở rộng ra dữ liệu… Nhưng nếu làm cho khu vực chúng ta tính toán đến cả một số đối tượng cây trồng khác.

Vấn đề thứ ba là vấn đề về xây dựng đội ngũ. Như tôi vừa nói, chúng ta đang thiếu chuyên gia đầu ngành, nhưng cơ chế để giữ cán bộ khoa học, hiện nay chúng ta gần như chưa thực hiện tốt, việc này đã nói rất nhiều lần. Mong rằng thời gian tới sẽ có những chính sách, đặc biệt là cơ chế tài chính trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

* VOH: Nói một cách cụ thể hơn để mọi người có thể hình dung thì công nghệ sinh học có thể mang lại lợi ích gì cho phát triển nông nghiệp? Xin ông chia sẻ vài kinh nghiệm, dẫn chứng thực tế bản thân với vai trò là một nhà khoa học nông nghiệp?

- Ông Dương Hoa Xô: Bắt đầu từ sau năm 2010, những mô hình trồng dưa lưới xuất phát từ TPHCM đầu tiên và hoàn toàn giống dưa lưới là chúng ta phải nhập giống từ nước ngoài về. Hiện nay chúng ta đã sản xuất và chọn tạo được giống dưa lưới tại chỗ. Nhờ công cụ công ngệ sinh học chúng ta rút ngắn được thời gian.

Trước đây chúng ta có thể làm 6 – 7 năm thì hiện nay chúng ta chỉ cần từ 3 – 3,5 năm là có thể ra được giống. Và hiện nay các giống này đã được chọn tạo có chất lượng rất tốt. Chất lượng và năng suất tương đương với giống ngoại nhập và giá thành rẻ hơn, chủ động được nguồn giống. 

Vấn đề thứ hai nữa là hiện nay chúng ta đã tự sản xuất được rất nhiều loại chế phẩm sinh học có nguồn gốc các chủng vi sinh của bản địa; Chúng ta không phải nhập các loại phân bón hữu cơ vi sinh, các loại phân bón hữu cơ từ nước ngoài mà hầu hết là chúng ta có thể tự sản xuất trong nước. Hay chẳng hạn như trong công tác chọn tạo giống vật nuôi thì hiện nay chúng ta có thể dung công nghệ gen để chúng ta đánh giá cá thể nào nó có tính năng vượt trội về các chỉ số chẳng hạn về năng suất, về chất lượng thịt hay về chất lượng sữa… Và từ những cá thể đó thì chúng ta làm các giống để chúng ta nhân ra để tăng tỷ lệ giống tốt.

* VOH: Ngành công nghệ sinh học Thành phố thì cần có sự liên kết để thực sự tiến xa hơn, vươn đến tầm vóc quy mô hơn. Theo ông thì sự liên kết này cần có định hướng ra sao và hướng đến những nhóm đối tượng liên kết nào?

- Ông Dương Hoa Xô: Công nghệ sinh học TPHCM cũng là một thành viên của liên đoàn Công nghệ sinh học Châu Á, cho nên cũng có mối liên kết với các nhà khoa học trong khu vực, và việc này tôi cho rằng rất quan trọng vì thật ra trong khu vực chúng ta, các nhà khoa học Châu Á như ở Hàn Quốc, Nhật Bản họ đang tiến rất xa trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nếu chúng ta có sự hợp tác chặt chẽ thì chúng ta có thể tiếp nhận được rất nhiều các công nghệ, các thông tin của công nghệ hay các thành quả nghiên cứu của họ để chúng ta đi nhanh hơn. Đó là vấn đề tôi cho rằng rất cần thiết.

Vấn đề tiếp theo là chúng ta cần có những cơ chế tháo gỡ. Chúng ta đang vướng mắc trong một cơ chế tức là các thành quả nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học mặc dù kết quả hiện nay so với trước đây chúng ta làm được rất nhiều nhưng thương mại hóa rất khó, bởi vì hiện nay chúng ta đang xem kết quả khoa học là tài sản công, mà tài sản công thì chúng ta lại vướng vào Luật tài sản công.

Cho nên hiện nay các nhà khoa học đang có ý kiến rất nhiều về vấn đề là rất khó khăn trong thủ tục chuyển giao công nghệ các kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp để thương mại hóa các sản phẩm đó. Tôi cho rằng nếu tháo gỡ được vấn đề này thì chúng ta sẽ đi nhanh hơn và các kết quả nghiên cứu khoa học nông nghiệp sẽ thương mại hóa tốt hơn.

* VOH: Xin cảm ơn ông.

VOH

MC: Quốc Toàn – Kim Phượng

Bình luận

Đọc Báo