Liên kết vùng trong sản xuất hoa lan - Thời sự 17g00 30/05/2019

(VOH) - Trồng lan là mô hình không lạ với nhiều người dân ngoại thành. Tuy nhiên, trồng Lan Hồ Điệp thành công tại vùng đất có khí hậu nhiệt đới như TPHCM lại là một  điều không đơn giản.

Vì vậy, giải pháp trồng lan bằng hình thức liên kết vùng của bà Đặng Thị Thanh Thuỷ ở Quận 9 và một số bà con nông dân khác đang được xem là một giải pháp cho việc đa dạng hóa các giống hoa lan trên địa bàn thành phố.

Thành phố hiện có khoảng 375 hécta hoa lan, những năm qua số diện tích vườn trồng hoa lan có xu hướng tăng dần. Hoa lan, cây cảnh cũng trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực nên được nhiều bà con nông dân và ngành nông nghiệp thành phố quan tâm đầu tư.

Thống kê hiện thị trường tiêu thụ hoa lan thành phố vẫn phải nhập siêu với gần 30% lượng hoa. Chủng loại hoa lan sản xuất trên địa bàn thành phố phần lớn vẫn tập trung ở giống denrobium và mokara. Các giống này được bà con mở rộng sản xuất khá nhiều lại cạnh trạnh với hoa từ Thái Lan nên đối mặt với khả năng bảo hoà trên thị trường. Trong khi đó, giống Lan Hồ Điệp hiện phải nhập từ Đài Loan, giá mỗi cành lên đến hàng trăm ngàn đồng vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng. Đặc điểm của loại hoa này là sự đa dạng màu sắc, hoa bền và có giá trị cao. Mỗi dịp lễ, Tết các chậu Lan Hồ Điệp 5 cành, 10 cành với giá hàng triệu đồng được xem là quà tặng ấn tượng mà nhiều người trao gửi cho nhau. Vì vậy, phát triển Lan Hồ Điệp được bà Đặng Thị Thanh Thủy, vườn lan Bến Sạn Tây, Quận 9 chọn là hướng đầu tư chủ lực trong thời gian tới.

Bên cạnh các giống lan khác, bà dành một phần diện tích vườn khoảng 200 mét vuông, đầu tư nhà kín để sản xuất giống hoa này. Bà Đặng Thị Thanh Thuỷ cho biết, trồng Lan Hồ Điệp khó hơn trồng các loại lan khác rất nhiều. Giống lan đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật từ đi phân, nước đến nhận biết bệnh hại. Ngoài việc phải đầu tư nhà kín, việc lưu thông không khí, nhiệt độ trong vườn cũng là những điều kiện cần thiết để cây phát triển tốt.

Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, bà Đặng Thị Thanh Thủy nhận thấy khí hậu thành phố rất phù hợp để cây giống Lan Hồ Điệp sinh trưởng nên có thể là vùng nguyên liệu tốt. Vì vậy, gần đây, bà thực hiện liên kết với các nhà vườn và doanh nghiệp ở Lâm Đồng. Khi Lan Hồ Điệp trồng tại Thành phố đủ mức độ trưởng thành sẽ được kết nối, vận chuyển lên các vườn ở Lâm Đồng kích cho ra hoa rồi cung cấp ngược lại cho thị trường Thành phố. Bà Thanh Thủy cho biết, sẽ không ôm đồm nhiều công đoạn, mà chỉ tập trung làm cây nguyên liệu tốt và xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm Lan Hồ Điệp rộng lớn. Có như vậy, thị trường Hoa Lan Hồ Điệp không chỉ được mở rộng, mà các nhà vườn liên kết trồng hoa ở Lâm Đồng cũng an tâm và mạnh dạn tiếp nhận nguồn hoa nguyên liệu từ thành phố. Từ đó, góp phần giảm giá thành sản xuất và tạo thế mạnh trong kinh doanh: "Ngoài việc làm cây nguyên liệu tốt, mình còn phải bán lan và tạo vị thế của mình. Phải như thế nào so với các công ty lớn trên Đà Lạt, cũng như các nhà vườn để người ta biết khả năng ra hàng của mình cho họ. Từ đó, mình kết hợp với họ, làm sao làm cây nguyên liệu đạt chuẩn, để họ tin tưởng và mua hàng của mình. Có sự liên kết: họ mua hàng của mình, mình ra hàng của họ, để họ yên tâm".

Vốn là giống lan ôn đới, nên hiện nay các công ty thường nhập hoa chủ yếu từ Đài Loan về Đà Lạt cho ra hoa chứ không làm cây sinh trưởng trong nước. Trong khi đó nhiều thử nghiệm cho thấy, khí hậu tại TPHCM lại rất phù hợp để sản xuất cây hồ điệp từ cây con đến khi trưởng thành. Tuy nhiên, để cây ra hoa, nhà vườn phải trang bị máy điều hòa, đầu tư tốn kém hơn nhiều nhưng chất lượng hoa lại không đảm bảo. Cụ thể, Lan Hồ Điệp cho ra hoa tại chổ thường có phát hoa ngắn, tuổi thọ hoa cũng không bền so với vùng khí hậu thuận lợi. Ông Nguyễn Hoàng Thành, người trồng Lan Hồ Điệp tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, chia sẻ: "Chúng ta phải tốn rất nhiều chi phí. So sánh về khí hậu, so sánh về tất cả các yếu tố. Bởi vì, trên đó (Lâm Đồng) chúng ta không cần máy phát điện, cũng không cần những chế độ chăm sóc vì đó là yếu tố tự nhiên đến. Vì vậy, sau đó, chúng tôi chuyển hết toàn bộ nhà lưới lên Đức Trọng, Lâm Đồng. Sau một năm, lan phát triển mạnh, chi phí giảm nhiều".

Ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố cho rằng, liên kết vùng trong sản xuất Lan Hồ Điệp là cách làm có hiệu quả và cần thiết. Các nhà vườn cần tiếp tục các công đoạn nghiên cứu để Lan Hồ Điệp có chất lượng cao với phát hoa lớn, thời gian ra hoa dài hơn. Ông cũng khuyến khích phát triển mô hình liên kết vùng trong trồng Hoa Lan Hồ Điệp nhằm hướng đến giá trị kinh tế cao thậm chí xuất khẩu: "Nhu cầu người tiêu dùng nhiều, cung cấp thì không có, nhập thì hạn chế nên đã đẩy giá lan hồ điệp lên cao. Việc chúng ta nghiên cứu liên kết vùng đối với sản xuất lan hồ điệp, tôi rất đồng tình. Tôi đề nghị mô hình này nên tiếp cận ngay. Không riêng chị Thủy mà các doanh nghiệp có điều kiện đất ở đây thì trồng ở đây và liên kết ở Đà Lạt, để sau đó chúng ta có khối lượng lan hồ điệp với giá thành rẻ tiêu thụ tại TPHCM".

Hiệu quả mô hình trồng Lan Hồ Điệp là một hoạt động cụ thể và hiệu quả trong chủ trương kết nối vùng của thành phố với các tỉnh thành. Trong đó, bằng những định hướng sản xuất cụ thể, có tính đến hài hoà yếu tố lợi ích giữa các bên, bà Đặng Thị Thanh Thủy đã và đang xây dựng nền tảng vững chắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Tuyết Nhung

Bình luận

Đọc Báo