Kỳ 4: ‘Chuyển đổi số - Cơ hội sống còn cho doanh nghiệp’ - Thời sự 5g30 17/8/2022

(VOH) – Các lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ về những câu chuyện thực tế của họ đã làm, khi quá trình chuyển đổi số đã len lỏi và được doanh nghiệp bền bỉ áp dụng trong thời gian qua.

Sự kiện: Thời sự AM 610 Khz

Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, điện toán đám mây… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa doanh nghiệp. 

Chủ đề “Chuyển đổi số - Cơ hội sống còn cho doanh nghiệp”, những yếu tố nào quyết định đến quá trình chuyển đổi số trong một doanh nghiệp, có sự tham gia của các khách mời: Ông Đỗ Trần Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Farmtech Vietnam; Ông Phan Thanh Huy Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ IoT Đại Việt. Các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ chia sẻ về những câu chuyện thực tế của họ đã làm, khi quá trình chuyển đổi số đã len lỏi và được doanh nghiệp bền bỉ áp dụng trong thời gian qua. 

*MC: Thưa các vị khách mời, chuyển đổi số cho doanh nghiệp là quá trình thay đổi mang tính chiến lược của một doanh nghiệp. Vậy theo các vị khách mời, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, bắt đầu từ đâu. Doanh nghiệp cần những điều kiện gì để thực hiện quá trình chuyển đổi số của mình?

Ông Phan Thanh Huy Cường: Chúng ta bắt đầu bằng những số liệu. Để chuyển đổi số, phải có số liệu. Đó là số liệu trong từng quá trình mà mình vận hành, trong từng quá trình sản xuất. Song song đó, chúng ta đi từ hướng người vận hành thu thập dữ liệu và cung cấp số liệu lên cho người lãnh đạo. Từ đó, người lãnh đạo đưa ra con số cụ thể, sau đó thì ứng dụng công nghệ thông tin vào để làm cho quá trình của mình được nhanh hơn, minh bạch hơn, giúp cho giao tiếp với khách hàng được tốt hơn.

*MC: Cám ơn ông Huy Cường. Xin mời ông Đỗ Trần Anh.

Ông Đỗ Trần Anh: Tôi là dân công nghệ thông tin, cho nên tôi thấy cách đây tầm 10 – 15 năm, việc chuyển đổi số cũng đã được thực hiện. Tuy nhiên, thời điểm đó về hạ tầng viễn thông chưa phù hợp chưa có 3G, 4G hay 5G, điện thoại thông minh chưa phổ biến, người dân chưa làm quen với máy tính. Tôi nghĩ, trong một doanh nghiệp để chuyển đổi số thành công thì doanh nghiệp đó trước hết phải thành công trong quá trình hoạt động truyền thống của họ. Thứ hai, doanh nghiệp phải hiểu được rằng chuyển đổi số không phải là bớt đi nhân sự, tiết kiệm mà chuyển đổi số để giúp chúng ta tăng năng suất làm việc dựa trên các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.   

*MC: Xin dành câu hỏi cho ông Phan Thanh Huy Cường, với IoT Đại Việt – doanh nghiệp được ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao – Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp mình diễn ra như thế nào?

Ông Phan Thanh Huy Cường: Qua đợt dịch Covid-19 vừa qua chúng ta cũng đã thấy, vấn đề đi lại là vấn đề khó khăn. Công ty IoT Đại Việt cũng đang cung cấp một số dự án công trình về hệ thống xử lý nước. Các vấn đề về bàn giao, về nhân công, đào tạo….thời điểm dịch không đi lại được, chúng tôi cũng không biết làm sao để xử lý. Chính vì đó, IoT bắt đầu có những giải pháp nhằm tạo ra những bộ sản phẩm thu thập dữ liệu từ xa, hướng dẫn cho người vận hành nhà máy….cho công việc được trơn tru hơn, chăm sóc khách hàng tốt hơn. Về quản lý nhân sự, công ty áp dụng check mã QR code, truy xuất lịch sử…

*MC: Chuyển đổi số là chuyển đổi tư duy và nhận thức. Vậy, vai trò của người đứng đầu ra sao, khi quyết định quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp mình?

Ông Đỗ Trần Anh: Một doanh nghiệp khi quyết định chuyển đổi số phải bắt đầu từ người lãnh đạo chủ chốt. Ở đây, mình muốn nói đến vị trí giám đốc điều hành. Muốn chuyển đổi số thành công, người giám đốc điều hành phải là người từng biết, học, hiểu về câu chuyện chuyển đổi số. Bởi, khi áp dụng chuyển đổi số, toàn bộ công việc cần giải quyết sẽ trở thành các luồng, bắt đầu từ giám đốc điều hành. Nếu người lãnh đạo truyền thống vẫn quen giao việc bằng điện thoại, bằng Zalo chẳng hạn….thì rất khó để chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số đòi hỏi người lãnh đạo có năng lực sử dụng hàng loạt phần mềm: phần mềm quản lý công việc, phần mềm chăm sóc khách hàng, phần mềm bán hàng đa kênh, tổng đài điện thoại….

*MC: Ông Phan Thanh Huy Cường có thêm ý kiến gì về vai trò của người đứng đầu trong quá trình chuyển đổi số?

Ông Phan Thanh Huy Cường: Nguời đứng đầu có vai trò quan trọng, vì họ sẽ cân đối và quyết định vấn đề chuyển đổi số khi nào, chuyển đổi số cái gì, nhân sự có đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số hay không, nền tảng hạ tầng có đáp ứng được hay không, chi phí đầu tư ra sao…Người lãnh đạo sẽ nhìn ra được bức tranh toàn cảnh, khi chuyển đổi số họ sẽ ưu tiên cho hướng sản phẩm được tốt hơn, mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng. Đồng thời, giảm được những thất thoát không quản lý được từ quá trình cũ. Có 4 vấn đề mà người lãnh đạo hướng tới đó là: chuyển đổi số liên quan về khách hàng; chuyển đổi số về quy trình hệ thống giúp giảm thời gian và tăng năng suất; chuyển đổi số liên quan đến tài chính; chuyển đổi số về nhân sự.

*MC: Thưa hai vị khách mời, để bắt tay thực hiện chuyển đổi số tại một doanh nghiệp, doanh nghiệp cần làm gì?

Ông Đỗ Trần Anh: Trước tiên, muốn chuyển đổi số, doanh nghiệp phải số hoá dữ liệu đang có. Sau đó là quy trình hoá quy trình nghiệp vụ của từng doanh nghiệp, từ đó mới chọn ra bộ giải pháp để chuyển đổi số phù hợp: quy trình của phòng marketing ra sao, quy trình phòng bán hàng, quy trình hoạt động nội bộ…Khi có quy trình, doanh nghiệp sẽ chọn được gói chuyển đổi số phù hợp.

Ông Phan Thanh Huy Cường: Tôi cũng đồng ý với ý kiến của ông Đỗ Trần Anh. Mục đích của chuyển đổi số là giúp tăng năng suất. Các bước bắt đầu trong một doanh nghiệp khi chuyển đổi số, mình nghĩ bước đầu tiên doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau giữa nhân sự các phòng ban, dựa trên sản phẩm mình bán ra để nghiên cứu cải tiến chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị cho khách hàng, nghiên cứu các vấn đề lãng phí, thất thoát trong những công đoạn. Mình chuyển đổi số dựa trên từng công đoạn, công đoạn nào quan trọng nhất, ảnh hưởng đến chi phí hoặc giá trị, chất lượng sản phẩm mà khách hàng yêu cầu thì mình tập trung chuyển đổi số cho từng công đoạn nhỏ đó trước. Thứ hai, chuyển đổi số tạo sự tương tác giữa khách hàng với bộ phận sản xuất gần nhau hơn, như ứng dụng công nghệ IoT, Big Data, AI thì khách hàng có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất ngay tại đất nước của họ, để họ có thể kiểm soát và đặt hàng tại Việt Nam. Đó là nhu cầu cấp thiết. Quay trở lại, đó là vấn đề người lãnh đạo có xem chuyển đổi số là thách thức hay cơ hội.

*MC: Cám ơn chia sẻ của hai vị khách mời.

Thuỳ Linh

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo