Kỳ 1: Điều kiện cần giúp ngành công nghiệp không khói phát triển bền vững - Thời sự 11g00 3/10/2022

(VOH) - Trong thời gian gần đây, cùng với các lĩnh vực khác, ngành du lịch đã và đang bắt đầu bước vào công cuộc chuyển đổi số.

heo các chuyên gia đây là điều kiện cần thiết để ngành công nghiệp không khói bắt kịp xu hướng của thế giới và phát triển bền vững, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19.

Nếu như trước đây khái niệm chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong du lịch nói riêng vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, ngay cả với những doanh nghiệp trong ngành, thì trong vài năm trở lại đây, nhất là sau đợt đại dịch vừa rồi, công tác chuyển đổi số ở nước ta diễn ra rất nhanh và đã mang lại hiệu quả tích cực. Không nằm ngoài xu hướng đó, ngành công nghiệp không khói cũng đã chuyển hướng và đuổi theo xu hướng kịp thời. Đây được xem là điều bắt buộc cho các doanh nghiệp, buộc họ phải chuyển đổi số theo nền kinh tế số và công nghiệp 4.0.

Thời gian đầu chủ yếu việc chuyển đổi số chỉ được phổ biến ở các doanh nghiệp mạnh về tiềm lực và có khả năng đầu tư cao, nhưng từ năm 2020 và nhất là trong giai đoạn phục hồi vừa qua, thì những doanh nghiệp vừa và nhỏ họ cũng bắt đầu chuyển đổi số để giúp trụ vững và phục hồi, phát triển. Theo ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm CID, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương, đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số ngành du lịch ngày nay không chỉ là một chiến lược tùy chọn, mà dần trở thành một thông lệ tất yếu để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng sự phát triển không ngừng đối với nhu cầu của khách hàng. “Trong bối cảnh hiện nay, nhất là trong 2 năm trở lại đây doanh nghiệp có sự chuyển đổi chuyển từ thói quen truyền thống sang công nghệ. Trong ngành du lịch với xu thế hiện nay gắn với thiết bị di động rất nhiều. Nếu ngành du lịch không tiếp cận sẽ mất nhịp đó”.

Một trong những mô hình chuyển đổi số của ngành du lịch hiện nay, đó chính là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin xây dựng những sản phẩm để phục vụ cho các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ. Do đó những doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ không cần phải đầu tư quá lớn, họ chỉ cần thuê ngược lại những sản phẩm đó. Với sự xuất hiện của chuyển đổi số, các hoạt động trong ngành du lịch đã tạo ra một sự đổi mới trong cách mọi người nhận thức và nắm bắt thông tin, dịch vụ mà các đại lý du lịch cung cấp. Cũng chính sự phổ biến của việc sử dụng Internet, cũng như sự phát triển các phần mềm, ứng dụng du lịch đã xóa tan thách thức về mặt địa lý, cho phép các công ty và khách hàng tương tác với nhau chỉ qua một thiết bị có kết nối mạng. Ông Alex Phạm - Nhà sáng lập Reebox chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số du lịch hiệu quả từ các nước: “Xu hướng của thế giới là số hóa trải nghiệm du lịch. Nghe thì có vẻ khá khó,nhưng đây là xu hướng khá quan trọng. Những trải nghiệm người dùng có thể biến thành sản phẩm số có thể bán hoặc trao đổi. Chúng ta có thể nắm bắt và đào sâu hơn cho ngành du lịch”.

Chuyển đổi số đang được xem như một giải pháp để giúp ngành du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững. Đây là một xu hướng tất yếu, và chắc chắn sẽ tạo nên những ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động kinh doanh sau Covid-19, cũng như tạo nên sự khác biệt cho tương lai ngành du lịch Việt Nam. Nhu cầu mua sắm trực tuyến cũng như việc tiếp cận các giải pháp không chạm đang tăng nhanh hơn bao giờ hết, theo kết quả các nghiên cứu, người tiêu dùng mong muốn tăng cường sử dụng các công nghệ không chạm sau đại dịch. Bước đầu khi chuyển đổi số, doanh nghiệp du lịch có thể sẽ gặp một số khó khăn, nhưng theo ông Trịnh Công Duy - Nhà sáng lập Công ty Bizverse thì kết quả thu được sẽ vượt xa so với cách quản trị, điều hành truyền thống: “Đầu tiên là thay đổi chất lượng hiệu quả lao động của doanh nghiệp. Đặc trưng của ngành du lịch là đối tượng khách hàng không cố định, không giới hạn về mặt địa lý, thì chính các giải pháp công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn khách hàng rất nhiều”.

Để thực hiện chuyển đổi số ngành du lịch thành công, ông Trương Gia Bảo - Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số cho rằng, đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Ban đầu, doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian để có thể thích nghi và tập làm quen. Những khó khăn là điều không thể tránh khỏi, giải pháp đầu tiên mà doanh nghiệp cần quan tâm là văn hóa doanh nghiệp, chuyển đổi số không chỉ về công nghệ, mà còn là thước đo đánh giá khả năng thích ứng của doanh nghiệp với thời đại và mức độ uy tín trên thị trường: “Hiện nay du lịch đang bị áp lực rất lớn do mạng xã hội. Mọi người chưa quen với việc chúng ta bị đánh giá ở khắp mọi nơi. Ở đâu cũng có rivewer thì cái việc đánh giá vừa là thách thức công nghệ, vừa là thói quen của người cung cấp dịch vụ cũng như người trải nghiệm dịch vụ”.

Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thông qua việc ban hành các văn bản, nghị quyết, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh bởi là những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao. Riêng đối với du lịch, ngày 30/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671 phê duyệt "Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025". Tại diễn đàn Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng một lần nữa yêu cầu ngành du lịch, các địa phương phải đẩy mạnh chuyển đổi số và xem đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh hiện nay: “Về kế hoạch phát triển du lịch 2022-2026 trong đó có những bước đi cụ thể. Chúng tôi ưu tiên phải số hóa du lịch, đây là yêu cầu bắt buộc. Chúng ta phải số hóa để có bản đồ du lịch an toàn, cung cấp những tour tuyến du lịch để du khách lựa chọn

Chuyển đổi số chắc chắn là yếu tố bắt buộc đối với các công ty du lịch muốn phát triển mạnh giữa thị trường du lịch cạnh tranh ngày nay. Tuy nhiên, những xu hướng số hóa này chỉ mang lại lợi ích khi doanh nghiệp tương tác thường xuyên và nhất quán với khách hàng, lắng nghe khách hàng và cố gắng hiểu nhu cầu của họ, để liên tục cung cấp cho họ trải nghiệm tuyệt vời trong từng hành trình, từng điểm đến.

Phong Võ

Bình luận

Đọc Báo