Kiến nghị xử phạt nặng tội phạm ma túy và hành vi lái xe khi uống rượu bia – Thời sự 11g 19/05/2019

(VOH) - Với hơn 5.000 cử tri tham dự 24 buổi tiếp xúc tại 24 quận, huyện và có 250 lượt ý kiến gửi đến các đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh trước kỳ họp thứ 7.

Trong đó các cử tri tập trung nhiều nhất xoay quanh 3 nhóm vấn đề lớn: công tác lập pháp, các nhóm vấn đề liên quan đến chậm xử lý khiếu nại tố cáo và các vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm thời gian gần đây như tội phạm ma túy, uống rượu bia lái xe…. 

Hầu hết tại các buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri Thành phố bức xúc trước thực trạng tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy gần đây đang có dấu hiệu tăng về quy mô lẫn tính chất. Cử tri đánh giá cao các lực lượng chức năng Thành phố rất nổ lực và phá thành công nhiều chuyên án ma túy lớn ngăn chặn kịp thời cái chết trắng cho nhiều người. Tuy nhiên, theo cử tri Hoàng Thị Lợi quận 1, Quốc hội cần điều chỉnh Luật Hình sự theo hướng tăng thật nặng hình phạt dành cho các tội phạm liên quan đến ma túy: “Ai cũng biết ma túy có tác hại như thế nào, nhưng Luật hình sự 2015 chưa tiên lượng hết nguy hại, quy định tử hình với người tàn trữ 5kg ma túy. Đề nghị xem lại Luật”.

Bên cạnh đó, ý kiến của nhiều cử tri đề nghị Quốc hội cần xem xét bổ sung tội uống rượu bia lái xe gây chết người với khung hình phạt cho tội danh giết người, thay vì chỉ mang tội gây hậu quả nghiêm trọng như hiện nay. Song song với đó chỉ cần người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia, chất kích thích thì đã bị xử phạt hành chính thật nặng kèm theo hình phạt bổ sung đủ sức răn đe không đợi đến gây tai nạn mới xử lý. Cử tri Nguyễn Hồng Thắng, ở quận 4, kiến nghị: “Tai nạn giao thông do rượu bia mà ra trong những ngày qua đang gây bức xúc cho dư luận. Tôi xin kiến nghị Quốc hội mạnh dạn dùng quyền của mình để sửa Luật như phạt tù, quy ra tội giết người, tịch thu xe khi gây tai nạn do có  nồng độ cồn đúng như khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.

Theo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, những ý kiến của cử tri liên quan đến việc tăng nặng hình phạt cho các tội danh liên quan đến tội phạm ma túy và uống rượu bia lái xe là chính đáng cần được Quốc hội xem xét và điều chỉnh các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, trước khi các chế tài mới có hiệu lực thì các cơ quan chức năng vẫn phải chấp hành đúng quy định của pháp luật hiện hành: “Tiếp tục kiến  nghị phải có chế tài đủ răn đe, cơ quan chức năng đang nghiên cứu để xử lý. Vấn đề rượu bia cũng sẽ được đưa ra xem xét và chắc sẽ bổ sung luật pháp”.

Trước thực tế của nhiều vụ xâm hại trẻ em xảy ra thời gian gần đây cũng được cử tri quan tâm và yêu cầu các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác xử lý của các cơ quan chức năng, đồng thời kiến nghị Quốc hội bổ sung thêm chế tài thật nặng để đủ sức răn đe. Không chỉ dành thời gian để góp ý cho các vấn đề xã hội mà nhiều cử tri Thành phố cũng tâm huyết đóng góp nhiều ý kiến cho công tác lập pháp của Quốc hội tại kỳ họp này. Trong số 6 luật dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ  họp thứ 7 cử tri quan tâm nhiều đến Luật Giáo dục (sửa đổi), nhất là việc soạn thảo sách giáo khoa. Cử tri Lê Minh Số, ở quận 3, nêu ý kiến: “Vừa rồi chúng tôi có nghe Thường vụ Quốc hội cho phép Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng nhiều sách giáo khoa cho một môn học, tôi cho rằng không hợp lý. Cái này nên xem quy trình viết sách giáo khoa thế nào cho chuẩn. Vì sách giáo khoa là cơ sở để giáo viên làm giáo án giảng dạy, thế bây giờ biết căng cứ vào đâu?

Cử tri Thành phố cũng bày tỏ đồng tình với cách giải quyết tích cực của lãnh đạo Thành phố trong các vụ khiếu nại liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại 1 số dự án thời gian qua. Tuy nhiên, cử tri cũng đề nghị đại biểu Quốc hội cần giám sát để các cơ quan chức năng giải quyết nhanh hơn góp phần ổn định cuộc sống cho người dân. 

Về những kiến nghị của cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố cho biết đại biểu Quốc hội Thành phố không thờ ơ, mà còn rất quan tâm và luôn luôn đeo bám, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri:“Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM không né tránh, chúng tôi đã có báo cáo với Quốc hội. Còn việc liên quan đến Thủ Thiêm thì lần này chúng tôi xem xét nếu có chúng tôi sẽ đề cập, thậm chí chất vấn”

Cùng với các đại biểu Quốc hội Thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang cũng đã có nhiều buổi tiếp xúc với cử tri quận 1, quận 3 và quận 4. Tại các buổi tiếp xúc, Bí thư Thành ủy rất cầu thị lắng nghe, ghi chép từng ý kiến của cử tri để sau mỗi tiếp xúc lần lượt phản hồi lại các ý kiến mà cử tri quan tâm nhất là các vấn đề xã hội quan tâm: “Liên quan đến 1 số tai nạn như ma túy, tai nạn giao thông, bạo lực trẻ em đúng là rất lo lắng. Tinh thần chung là điều chỉnh Luật pháp làm sao có chế tài đủ sức răng đe, làm sao để răn đe nhiều hơn chứ không để đến xảy ra mới xử lý. Chúng tôi cũng dự báo là kỳ họp lần này sẽ có nhiều đoàn sẽ bàn về vấn đề này. Tinh thần là không chỉ xử lý khi có hậu quả mà xử lý trước khi có hậu quả.”

Cũng trong lần đầu tiên tiếp xúc với cử tri Thành phố,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Lưu Quang cho biết sẽ phát huy tốt vai trò của người đại biểu nhân dân, ngoài ra ông còn cung cấp số điện thoại di động của mình để cử tri khi cần có thể liên lạc. Bên cạnh 3 nhóm nội dung lớn, tất cả các ý kiến góp ý của 250 cử tri Thành phố có mặt trực tiếp tại các buổi tiếp xúc cũng như ý kiến của cử tri gửi qua đường bưu điện, thư điện tử được đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố tổng hợp báo cáo với Ban Dân nguyện của Quốc hội. Riêng những vấn đề trong phạm vi giải quyết của các sở, ban ngành, quận huyện thì các đại biểu Quốc hội Thành phố sẽ tiếp tục giám sát và đôn đốc quy trình giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời sẽ báo cáo lại cử tri sau kỳ họp thứ 7.

Ngọc Phong 

VOH

Bình luận

Đọc Báo