Kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh lây lan - Thời sự 17g00 02/12/2020

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết sẽ phối hợp với chính quyền TP.HCM xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan đến vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 tại khu cách ly của VNA.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra sáng nay 2/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thống kê của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng từ 2,5 - 3%. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam, có thể phục hồi tăng trưởng 7% hoặc trên 7% trong năm 2021.

Nền kinh tế Việt Nam trong tháng 11 tiếp tục duy trì đà phục hồi trong điều kiện bình thường mới. Sản xuất kinh doanh, thương mại và tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng. Lạm phát được kiểm soát, xuất siêu kỷ lục, dự trữ ngoại hối cao. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam đang rất khả quan. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 lên mức 2,4%, thuộc nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Điều này một lần nữa thể hiện sự ghi nhận của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vào thành tựu phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, chúng ta đã tập trung chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả lũ lụt. Thủ tướng, Phó Thủ tướng trực tiếp đến các vùng bị ảnh hưởng xem xét, chỉ đạo xử lý. Đã xuất cấp gần 16.000 tấn gạo và gần 1.300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương. Các tổ chức, cá nhân, những tấm lòng hảo tâm hướng về đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi 9 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, mưa lớn lịch sử. Chúng ta đã cơ bản khắc phục một bước, nhưng thiệt hại lớn nên sẽ tiếp tục triển khai công tác này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về công tác dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, ứng phó, cứu trợ, khắc phục hậu quả bão, lũ và cứu hộ, cứu nạn tại các tỉnh miền Trung thời gian qua. Thủ tướng cũng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng quy trình cách ly làm lây nhiễm bệnh: “Chúng ta đang nói rất nhiều lần muốn phát triển đất nước thì phải mở cửa hội nhập sâu rộng, mới có thể tăng cường nội lực của mình trong lúc này, do đó Chính phủ đồng ý mở chuyến bay thương mại, nhưng tôi yêu cầu kiểm soát chặt chẽ từng chuyến bay không để dịch bệnh lây lan. Ngành y tế phải đề xuất phương án cách ly phù hợp với các nhà đầu tư, các chuyên gia, đối tượng tay nghề cao… Bây giờ khâu  này vẫn là ách tắc. Đề nghị đồng chí Phạm Bình Minh, tiếp tục thúc đẩy cùng với ngành y tế, nhất là Trưởng ban chống dịch thúc đẩy cái này rõ hơn, nhanh hơn nữa để làm sao đón nhận đầu tư trong lúc nhu cầu rất quan trọng này”.

Về vấn đề phòng chống dịch, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ - Trương Hòa Bình lưu ý thêm: “Chúng ta cũng sẽ đối diện với chuyện là một số ca nhất định hay một số đợt bùng phát gây ra một số nơi có ổ dịch, nhưng chúng ta phải thực thi. Không thể thực hiện giãn cách hoặc cách ly xã hội một cách ồ ạt mà phải khoanh vùng và kiểm soát tốt. Do đó cần có hướng dẫn như thế nào để đảm bảo sinh hoạt bình thường đối với các trường học, công sở, xí nghiệp, doanh nghiệp…

Liên quan đến bệnh nhân 1342 là nam tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines đã vi phạm nghiêm trọng các biện pháp cách ly tập trung cũng như tại nhà và trở thành nguồn lây nhiễm bệnh ra cộng đồng, tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ phối hợp với chính quyền TP.HCM xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan đến vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 tại khu cách ly tập trung của Vietnam Airlines (quận Tân Bình). Riêng đối với các công trình xây dựng và các dự án giao thông cấp bách, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay:  “Chúng tôi cũng xin cam kết với Thủ tướng và các đồng chí là sẽ cố gắng điều hành từng tuần, từng tuần để làm sao những dự án cấp bách sẽ thực hiện được tốt. Riêng sân bay Long Thành, hiện các thành viên hội đồng thẩm định cũng đã cho ý kiến đồng thuận, và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã lấy ý kiến các thành viên. Rất mong Chính phủ phê duyệt dự án, bởi vì khi phê duyệt dự án, chúng ta có được nhà đầu tư, từ đó họ sẽ thực hiện các công việc tiếp theo”.

Để tiếp tục duy trì ổn định, phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn về kinh tế-xã hội. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hợp lý để duy trì đà phục hồi và kích thích tăng trưởng kinh tế; có giải pháp hỗ trợ bổ sung cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ, kích thích tổng cầu, tiêu dùng trong nước với trọng tâm là các ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải… để đạt được “mục tiêu kép”, vừa hỗ trợ các ngành còn gặp khó khăn, vừa kích thích tăng trưởng, tạo việc làm cho người lao động…

Lệ Loan

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo