“Khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực bằng hiệu quả kinh tế” -Thời sự 5g30 9/10/2019

(VOH) – Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chi Minh đã phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn Thành phố đến năm 2020.

Trong bối cảnh thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung, ưu tiên phát triển một nền nông nghiệp đô thị chất lượng cao, việc phát triển các sản phẩm chủ lực này là một hướng đi mang tính chất dài hạn, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố, nhất là trực tiếp giúp nông dân làm giàu bền vững. Với nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ xung quanh quá trình này, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chi Minh (VOH) tổ chức tọa đàm 2 kỳ chủ đề “Khẳng định vị thế sản phẩm nông nghiệp chủ lực bằng hiệu quả kinh tế” với sự tham gia của các vị khách mời: Ông Trần Ngọc Hổ – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố; chuyên gia nông nghiệp Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới Thành phố và chuyên gia kinh tế Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại đầu tư thành phố Hồ Chi Minh. Mời quý vị nghe kỳ 1 của tọa đàm qua đề dẫn của Phóng viên Minh Phước:

VOH: Thưa quý vị và các bạn! Theo định hướng chung, Thành phố sẽ phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, 6 sản phẩm thuộc 6 làng nghề truyền thống và 3 sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng của huyện ngoại thành cũng được chú trọng phát triển. Chủ trương như vậy ngay từ ban đầu đã tạo được niềm tin và tiếp thêm kỳ vọng cho bà con nông dân về cơ hội phát triển sản xuất cũng như gia tăng thu nhập một cách bền vững. Trước hết, xin mời ông Trần Ngọc Hổ tóm tắt những điểm nhấn quan trọng nhất trong chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố:

Ông Trần Ngọc Hổ: Có thể nói, vì sao chúng ta chọn nông nghiệp chủ lực, thì dựa trên các yếu tố đó là sản phẩm nông nghiệp của Thành phố được chọn phải chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Thứ hai là sản phẩm phù hợp với sinh thái, truyền thống cũng như kinh nghiệm sản xuất có khả năng cạnh tranh. Thứ ba là sản phẩm có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học có thể tạo ra năng suất chất lượng và an toàn thực phẩm. Thứ tư đó là sản phẩm có tiềm năng để mở rộng thị trường sản xuất về giống, liên kết theo chuỗi; Và thứ năm là có lợi nhuận về giá trị gia tăng cao, làm giảm ô nhiễm môi trường.

VOH: Cảm ơn ông Trần Ngọc Hổ. Từ chính sách đến thực tiễn luôn đòi hỏi rất nhiều yếu tố, trong đó liên kết 4 nhà thường xuyên được mọi người nhắc đến. Thưa Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, đâu là yếu tố quan trọng nhất để cụ thể hóa chủ trương phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực đi vào sân chơi thị trường một cách hiệu quả nhất?

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa: Tôi thấy là lãnh đạo Thành phố cũng như các ban ngành liên quan đã hoạch định những chính sách hỗ trợ để phát triển. Bây giờ, mấu chốt là làm sao để 6 sản phẩm chủ lực này phát triển đúng tầm của thành phố Hồ Chi Minh. Bên cạnh đó, nân được hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Và đây – mấu chốt – chúng ta bị yếu ở 3 khâu: Khâu tổ chức sản xuất vẫn còn yếu, mặc dù tiềm năng có, dư địa cũng có. Thứ hai, khâu tổ chức tiêu thụ cũng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập. Và yếu tố thứ 3 là yếu tố liên kết giữa khâu tổ chức sản xuất và khâu tổ chức tiêu thụ lại với nhau. Chuỗi giá trị có, nhưng chuỗi liên kết chưa hình thành được.

VOH: Xét về góc độ kinh tế và thương mại, theo ông Nguyễn Tuấn thì chúng ta cần làm gì để nhanh chóng đưa quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đáp ứng tiêu chuẩn thị trường và tiếp cận người tiêu dùng với chất lượng, giá cả ở mức cạnh tranh cao nhất?

Ông Nguyễn Tuấn: Theo tôi thì không riêng gì sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà bất cứ sản phẩm hàng hóa nào khi chúng ta đưa ra thị trường, chúng ta muốn đưa sản phẩm đó vào hệ thống phân phối từ kênh truyền thống cho đến kênh hiện đại thì điều kiện cần và đủ, điều kiện tiên quyết là sản phẩm của chúng ta phải đạt chất lượng và đặc biệt là chúng ta phải có thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu nông sản không chỉ đơn giản là đăng ký để được bảo hộ nhãn hiệu mà nó là cả một quá trình thực hiện sản xuất nghiêm ngặt theo những quy định, theo những tiêu chuẩn tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng, được sự tin cậy của người tiêu dùng. Hiện nay cuộc sống con người rất vội vàng, rất công nghiệp, không có nhiều thời gian cho việc chế biến hoặc phải chế biến lâu. Chúng ta cần phát huy những sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở tiện lợi, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Đó là một thế mạnh mà các doanh nghiệp, nông hộ, người nông dân cần phải để ý vấn đề này.

VOH: Thưa các vị khách mời cùng toàn thể quý vị! Hiện có một chủ trương khác được cho có tính chất liên kết cao với sản phẩm nông nghiệp chủ lực là Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn vùng nông thôn thành phố. Điểm nhấn này đang được dư luận hết sức quan tâm về khả năng phát huy tiềm năng của 2 đề án. Mời ông Trần Ngọc Hổ chia sẻ cụ thể hơn vấn đề này?

Ông Trần Ngọc Hổ: Hai đề án này bổ sung cho nhau về đa dạng sản phẩm nông nghiệp, nhưng vẫn hướng đến là những sản phẩm có ưu thế của ngành nông nghiệp đô thị thành phố Hồ Chi Minh. Chính vì vậy, giải pháp chủ yếu vẫn là ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật cao để giúp tăng năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Chúng ta cần phải tổ chức liên kết sản xuất và hỗ trợ để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

VOH: Thưa ông Nguyễn Tuấn, ông có đề xuất gì để phát huy những chính sách hiện hành nhằm tạo ra ưu thế cạnh tranh cho những sản phẩm nông nghiệp mà thành phố Hồ Chi Minh muốn tập trung phát triển?

Ông Nguyễn Tuấn: Điều quan trọng là chúng ta cần tìm tòi, nghiên cứu để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mới hoặc là áp dụng những tiến bộ về mặt khoa học kỹ thuật. Và điều này đòi hỏi sự chung tay góp sức và sự chủ lực của các cơ quan nghiên cứu. Thứ hai, phải có những chính sách hỗ trợ về tài chính hay là cho vay với lãi suất ưu đãi. Và thứ ba là cần phải có sự hỗ trợ tập huấn cho các nông hộ, các hợp tác xã, các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu. Và điều này thuộc về trách nhiệm của chúng tôi – cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư của thành phố. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Hội Nông dân tổ chức tập huấn cho các hộ nông dân trên địa bàn quận huyện của thành phố. Chúng tôi mời những chuyên gia về kinh tế, những chuyên gia về nông nghiệp đến tập huấn và cầm tay chỉ việc.

VOH: Xin cảm ơn ý kiến của ông Nguyễn Tuấn. Về phía Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, xin mời ông chia sẻ ý kiến về những giải pháp để chúng ta có thể sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt tiêu chuẩn an toàn trên nền tảng công nghệ cao, tiết kiệm chi phí, tối đa hóa năng suất và lợi nhuận?

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa: Có lẽ ở thành phố Hồ Chí Minh nên tập trung vào dịch vụ cung cấp. Nghĩa là ta phải làm sao cung cấp giống cây – con. Thứ hai nữa là những dịch vụ khác về công nghệ cao, ngay cả logictic, mặc dù chúng ta đang ở ngay trong thành phố nhưng vẫn cần logictic; chúng ta vẫn cần những cái chế biến và thương phẩm. Chúng ta nhìn lại hệ thống siêu thị thì chúng ta thấy rằng là đa số những mặt hàng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của chúng ta nhìn vẫn còn bị hạn chế. Thành phố Hồ Chí Minh có đầy đủ các tiềm năng thì chúng ta phải làm sao tập trung khâu tổ chức, vì khâu này rất quan trọng.

VOH: Như chúng ta đã thấy qua những hội thảo thì người nông dân hay nêu vấn đề những chính sách hỗ trợ tài chính để giúp người nông dân phát triển sản xuất thì vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Xin ông Trần Ngọc Hổ nêu chi tiết hơn Thành phố có chính sách nào, hỗ trợ cụ thể cho người nông dân như thế nào?

Ông Trần Ngọc Hổ: Sản phẩm nông nghiệp của thành phố hiện nay chỉ cung cấp tối đa khoảng 30% nhu cầu tối đa của thành phố, còn lại chúng ta phải nhập từ các tỉnh hoặc là nhập ngoại. Điều này là điều thực tế vì thành phố chúng ta là thành phố đông dân, năng lực sản xuất nông nghiệp thì như tôi đã nói là chỉ khoảng 30% thôi. Chính vì vậy, mục tiêu chính sách của thành phố thì chúng tôi cũng xin nói rõ thêm mấy nhóm mục tiêu sau: Thứ nhất, là chính sách để phục vụ cho sản xuất, tức là làm sao giúp cho bà con nông dân sản xuất ứng dụng được nông nghiệp kỹ thuật cao; Tổ chức sản xuất được nông sản là có năng suất, có chất lượng, đặc biệt là đảm bảo an toàn thực phẩm – tức là khâu sản xuất – chính sách của thành phố cũng nhắm vào mục tiêu này. Chính sách của thành phố còn nhắm vô mục tiêu nữa là hỗ trợ để mà liên kết sản xuất, tức là hỗ trợ cho hợp tác xã để hợp tác xã liên kết với người nông dân, có nghĩa là người nông dân vào hợp tác xã thì có một chính sách để mà khuyến khích. Rồi giúp cho việc sơ chế, chế biến. Mục tiêu thứ ba là chính sách để phục vụ cho việc là xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đây là 3 nhóm mà chính sách thành phố tập trung vào.

VOH: Xin cảm ơn ông Trần Ngọc Hổ.

VOH.

Bình luận

Đọc Báo