Kết nối vùng tạo sức bật về kinh tế (P.2) - Thời sự 5g30 23/10/2019

(VOH) - Ngành công nghiệp và thương mại là một trong những ngành trở thành thế mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp rất lớn cho sự phát triển của vùng.

Giai đoạn 2011-2017, phát triển công nghiệp tăng hơn 9%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm trong phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo của vùng. Riêng phát triển thương mại, xuất nhập khẩu chiếm đến 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Tiếp theo loạt bài Liên kết vùng: phát huy tiềm năng các địa phương, mời quý vị Bài 2: Kết nối vùng tạo sức bật về kinh tế do Phóng viên Lệ Loan thực hiện.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi hội tụ rất nhiều lợi thế cho phát triển công nghiệp. Đây là vùng có nguồn dầu khí với trữ lượng lớn, rất thuận lợi để phát triển công nghiệp dầu khí, điện. Vùng này cũng là nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, khu công nghệ cao có lợi thế như khu công nghiệp liên ngành, các chuỗi, các khu công nghiệp chuyên ngành lớn, hoặc là các cụm công nghiệp cao. Riêng thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều nhất các khu công nghiệp với hơn 61% và cũng là vùng dẫn đầu thu hút FDI của cả nước. Về phát triển thương mại, xuất nhập khẩu thời gian qua cũng là điểm mạnh của vùng, chiếm đến 40% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Riêng thị trường nội địa của vùng chiếm tỉ trọng cũng khá lớn với hơn 36% nhu cầu của cả nước. Đặc biệt vùng có sức mua rất lớn, đạt 79 triệu đồng bình quân trên 1 đầu người, cao hơn cả nước, cả nước chỉ mới hơn 46 triệu đồng/đầu người. Từ đó có thể thấy, vùng này phát triển công nghiệp, thương mại phía Nam dẫn đầu cả nước trong cả 3 lĩnh vực: công nghiệp, thương mại ngoại địa và thương mại ngoại thương. Ông Philippe Broiango – Tổng Giám đốc Big C & Central Group Việt Nam nhìn nhận đầu tư tại Việt Nam là tiềm năng: “Đầu tư tại Việt Nam là một lựa chọn hiển nhiên. Central Group đầu tư vào Việt Nam vì dân số nơi đây cao thứ 3 Châu Á, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam ngày càng cao. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam có chính sách và cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả. Ngoài ra, khi quyết định đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi tìm được và liên kết các đối tác chiến lược là các doanh nghiệp Việt Nam. Theo chúng tôi, liên kết doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp Việt Nam là điều rất quan trọng”

Mặc dù là thế mạnh trong phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng đóng góp vào mức tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam so với các vùng khác là chưa lớn. Giai đoạn 2011-2017, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là 2,44 điểm, trong khi đóng góp của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ cao hơn với 3,3 điểm và kinh tế trọng điểm miền trung là 2,58 điểm. Xuất nhập khẩu những năm gần đây tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Ông Hà Trọng Khiêm – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần quân đội (MB Bank) chỉ ra những yếu kém, thiếu đồng bộ của liên kết vùng hiện nay: “Chúng tôi nhận thấy cơ sở hạ tầng còn thiếu sự liên thông kết nối, cản trở rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Thứ hai, quy hoạch của các Vùng thiếu sự đồng bộ, chính vì vậy, cũng rất khó khăn cho chúng tôi trong việc đầu tư đồng bộ và đầu tư lớn trong vùng. Chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý nhà nước, ở trung ương, địa phương, giải quyết các vấn đề mang tính quy hoạch, mang tính liên kết vùng, để các ngân hàng như chúng tôi thuận lợi hơn để phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần cho phát triển kinh tế của vùng”.

Trong những năm tới, các nguồn lực xã hội sẽ chiếm đến 70% các nguồn vốn đầu tư toàn xã hội. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện thể chế để thu hút các nguồn lực xã hội. Đây sẽ là một thách thức vô cùng lớn đối với vùng. Theo ông Nguyễn Như Triển – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam - Viện Chiến lược Kế hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vai trò dẫn dắt của Nhà nước đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện rất mờ nhạt, hầu hết các tỉnh thành đều hoạt động tự phát, do đó vùng này phát triển bị chững lại, đó là điều chắc chắn. Mặt khác, pháp luật hiện nay đang rất chồng chéo, từ Luật Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch… nên khi đặt vấn đề về liên kết là hết sức khó khăn, thậm chí là kiềm hãm. Trong khi hội đồng vùng đã thành lập nhưng chỉ là cầu nối giữa Trung ương với địa phương chứ chưa có chế tài và không có quyền lực. Ở Cộng Hòa Liên Bang Đức, họ có 3 loại thể chế vùng, có 9 quyền vùng và đại diện vùng, hiệp hội vùng; còn Nhật Bản chỉ có 1 hội đồng vùng như Việt Nam, nhưng họ thành công bởi có ngân sách cho hoạt động của hội đồng vùng và không kiêm nhiệm. Trong khi đó, hội đồng vùng của Việt Nam toàn kiêm nhiệm nên không có quyền lực: “Tôi cho rằng tới đây, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Hội đồng vùng không kiêm nhiệm, phải có ngân sách từ các dự án, giao một số quyền cho hội đồng vùng, chẳng hạn như chỉ đầu tư các dự án liên quan đến các tỉnh trong vùng. Các tỉnh cũng nên có nghĩa vụ đóng góp ngân sách để cho hoạt động của Hội đồng vùng”

Theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), rất mừng là Việt Nam đã có Luật Quy hoạch mà 2 kỳ vừa rồi Quốc hội mới thông qua được, đến nay đã sửa đổi hơn 40 Luật có liên quan đến Luật Quy hoạch. Luật Quy hoạch mới đưa ra, chỉ còn 4 quy hoạch tỉnh; vùng chỉ còn 1 quy hoạch vùng, đó là điều rất thuận lợi cho việc điều phối và có cơ chế chính sách cho vùng. Thời gian tới, trong thực hiện Luật Quy hoạch, cần rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế của vùng để xây dựng lại quy hoạch mới trong giai đoạn 2020-2030. Đặc biệt là điều chỉnh lại phân bố không gian công nghiệp: “Tôi cũng đề nghị thành lập Hội đồng vùng, các chính quyền vùng, hội đồng liên kết tự nguyện giữa các chính quyền vùng. Bên cạnh đó, hội đồng doanh nghiệp sẽ sẵn sàng là đối tác của hội đồng chính quyền vùng. Tất nhiên đây không phải là cấp hành chính, nhưng là cơ chế phối hợp tự nguyện, diễn đàn thông tin trao đổi kết nối… Tôi nghĩ bằng cách đó, chúng ta sẽ thúc đẩy phát triển vùng trong thời gian tới”.

Hiện phát triển công nghiệp đang tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, trong khi các tỉnh khác như Long An, Tiền Giang, Bình Phước, Tây Ninh… những tỉnh này có mật độ sản xuất công nghiệp chưa tập trung, do đó khó khai thác dư địa phát triển của 4 tỉnh này. Mặt khác, cần rà soát, xem lại quy hoạch về logistics, trong đó xem xét các tỉnh có cửa khẩu như Tây Ninh, Bình Phước, Long An. Khi làm tốt vấn đề quy hoạch, doanh nghiệp cũng sẽ có định hướng để đầu tư phát triển vùng này. Đối với doanh nghiệp, cần bám sát các quy hoạch của nhà nước khi được công bố để có định hướng đầu tư; tập trung khai thác các lợi thế của các FTA thế hệ mới vừa qua mang lại.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực doanh nghiệp tư nhân để xây dựng hạ tầng cho vùng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp – đô thị. Cùng với đó, phát triển thị trường lao động, tăng cường kết nối cung cầu nhân lực giữa các tỉnh, thành trong cả nước, khu vực và quốc tế. Xây dựng dữ liệu dùng chung của các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm, dự án lớn trên địa bàn để phục vụ xây dựng và điều phối các hoạt động liên kết vùng.

VOH

Bình luận

Đọc Báo