Hiến kế phát triển trí tuệ nhân tạo theo mô hình “đại học chia sẻ” - Thời sự 17h00 24/09/2019

(VOH) - Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh xây dựng và triển khai các chương trình theo mô hình “đại học chia sẻ”.

Mô hình này giúp lan tỏa và nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo tại thành phố, là ý kiến chia sẻ của Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, Trưởng phòng Phòng Thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo, trường Đại học Khoa học Tự nhiên: 

"Từ phía góc nhìn của Đại học Quốc gia TPHCM, Thành phố có 3 việc quan trọng cần phải làm: giáo dục đào tạo, nghiên cứu phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thứ nhất, về giáo dục đào tạo, cần phát triển và đưa những chương trình về lập trình, giới thiệu về trí tuệ nhân tạo cho học sinh từ cấp một, cấp hai cho đến cấp ba.

Đặc biệt là những học sinh giỏi ở các trường chuyên, chúng ta cần có những chương trình đào tạo về trí tuệ nhân tạo đặc thù cho đối tượng học sinh này. Đây sẽ là đội ngũ tài năng kế cận trong tương lai.

Thứ hai, ở chương trình bậc đại học, tôi nghĩ cần mở thêm những chuyên ngành mới liên quan đến vấn đề về dữ liệu lớn (Big Data), về trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, robotics….đây là những nền tảng có thể gây được đột phá mới trong tương lai. Việc đầu tư xây dựng các chương trình đào tạo mới, thiết bị mới hiện rất tốn kém, cho nên một trong những giải pháp mà Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất, đó là xây dựng mô hình chia sẻ để sao cho tất cả các trường trên địa bàn Thành phố đều có thể chia sẻ: chia sẻ về chương trình đào tạo, chia sẻ tài nguyên, con người, thiết bị máy móc…

Vấn đề thứ hai tôi muốn nói tới là phát triển công nghệ. Phát triển công nghệ đi qua hai giai đoạn: làm chủ công nghệ. Hiện nay các công nghệ liên quan đến dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo phát triển rất nhanh, cần có khoảng thời gian. Tôi cho rằng phải mất từ 3 – 5 năm để có thể làm chủ được công nghệ này. Từ việc làm chủ công nghệ, chúng ta mới nghĩ đến giai đoạn 2 là cải tiến công nghệ hiện có, giai đoạn 3 là sáng tạo ra những công nghệ mới. Từ việc làm chủ công nghệ, cải tiến công nghệ cho đến có những đột phá mới, tôi nghĩ đối với Thành phố nên ưu tiên một vài lĩnh vực: khoa học sức khỏe, tài chính, giao thông, du lịch…

Thứ ba, sự kết hợp giữa nhà nước – nhà trường – các công ty, doanh nghiệp để tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo. Đại học chỉ có thể làm ra được những nghiên cứu mẫu, khi đưa vào triển khai thực tế cần phải có doanh nghiệp. Như vậy, cần sự hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp.

Còn về Thành phố cần có những chủ trương, xây dựng chính sách, bảo hộ cho những phát minh, cho những sự hình thành của các doanh nghiệp khởi nghiệp liên quan đến vấn đề về trí tuệ nhân tạo. Như vậy, với ba định hướng trên, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta kiên định, có được sự đầu tư – đầu tư nhiều nhất là về con người, thì chắc chắc chúng ta sẽ có những thành quả, nhanh nhất là trong vòng 5 năm, 10 năm tới".

 Thùy Linh ghi

VOH

Bình luận

Đọc Báo