Giảm nghèo bền vững: Biến thách thức thành động lực – Thời sự 5g30 11/10/2018

(VOH) - Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước.

TPHCM luôn tiên phong đi đầu cả nước và đạt nhiều thành tựu nổi bật trong lĩnh vực này, góp phần lan tỏa chủ trương nhân văn và nghĩa tình, cũng là lan tỏa truyền thống “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của dân tộc. Dân giàu thì nước mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh thành quả, công tác giảm nghèo thời gian qua còn những khó khăn, thách thức, khi khả năng tái nghèo vẫn còn lẩn quẩn thì kết quả chưa bền vững. Đó cũng là động lực để TPHCM nói riêng, cả nước nói chung luôn nỗ lực hết mình cho công tác giảm nghèo có những kết quả vượt bậc hơn, bền vững hơn.

Theo thống kê, ở TPHCM đầu những năm 90, vẫn còn 17% tổng số hộ dân (tức gần 122.000 hộ) nghèo đói. Tiên phong khởi xướng chương trình xóa đói giảm nghèo, trong suốt những năm qua, nhiều người dân Thành phố đã tự giác nhường cơm sẻ áo, cùng giúp nhau vượt qua khó khăn. Người nghèo Thành phố được giúp đỡ từ lời động viên đến giúp vốn, hỗ trợ kinh phí học tập, đào tạo nghề, tìm việc làm, hỗ trợ giống vật nuôi cây trồng, được cho mượn đất để trồng trọt, chăn nuôi, hay giúp xóa nhà dột nát, … Hơn ¼ thế kỷ, chương trình giảm nghèo tại TPHCM đã và đang thực hiện qua 5 giai đoạn với 8 lần nâng mức chuẩn nghèo. Giai đoạn nào Thành phố cũng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra một cách ấn tượng.

Đến đầu giai đoạn 2016 - 2020, theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững thành phố, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, toàn thành phố có hơn 77.000 hộ, chiếm 3,36% tổng số hộ dân. 6 tháng đầu năm 2018, hộ nghèo thành phố còn lại 1,1% và hộ cận nghèo là 1,4%, cơ bản không còn hộ nghèo thuộc diện chính sách có công; chỉ còn khoảng 1.200 hộ nghèo có thu nhập trong chuẩn cận nghèo quốc gia giai đoạn này, chiếm 0,06% tổng hộ dân Thành phố. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm nay sẽ có thêm 8 quận không còn hộ nghèo, đồng thời kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 0,3%, nghĩa là về đích trước hai năm so với kế hoạch. Những con số thống kê nói trên không chỉ kết quả đơn thuần, mà phía sau là những cuộc đổi đời, là cuộc sống no ấm của người dân, là diện mạo xã phường dần thay đổi khang trang, đẹp đẽ. Kết quả này khẳng định và củng cố niềm tin sắt son của nhân dân về sự quan tâm, chăm lo của Đảng bộ và chính quyền, không để bất kỳ người dân nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển của thành phố.

Không quá lời khi nói rằng, thành quả của Chương trình giảm nghèo thật sự đã khơi dậy, lan tỏa nghĩa tình ấm nồng, phát huy truyền thống tốt đẹp về lòng nhân ái, nét đẹp văn hóa của thành phố. Việc hàng xóm láng giềng giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt những hộ nghèo được trợ giúp, làm ăn ổn định nay lại giúp những hộ còn khó khăn hơn mình là những tấm gương sáng và phổ biến ở khắp các quận huyện, xã phường.

Qua thực tiễn sinh động của các hoạt động giảm nghèo, đã có rất nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, chăm lo cho con em học chữ, học nghề đến nơi đến chốn, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, thu nhập ổn định, giúp gia đình giảm nghèo căn cơ, bền vững,... được đúc kết và nhân rộng. Mỗi trường hợp thoát nghèo thành công, mỗi bài học, mỗi giá trị đã cùng góp phần làm nên thành tựu giảm nghèo đáng trân trọng và tự hào của thành phố mang tên Bác.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cần nhìn nhận rằng, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo đối với một bộ phận dân cư vẫn còn khá cao. Đơn cử, chất lượng cuộc sống một bộ phận người dân chưa có nhiều chuyển biến, chỉ là tăng thu nhập do trượt giá nên không còn tính là hộ nghèo. Thực tế giảm nghèo phức tạp, giảm nghèo bền vững còn phức tạp và khó khăn hơn bội phần. Bởi, trong điều kiện khó khăn, cuộc sống biến động, thất nghiệp, mất mùa, hay bệnh tật… đều dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao.

Trong giai đoạn mới, giảm nghèo đa chiều không đơn thuần chỉ là giúp người dân tăng thu nhập, đủ cơm ăn áo mặc, mà còn giải quyết các thiếu hụt về giáo dục, y tế, nhà ở, việc làm, bảo hiểm... Nghĩa là phải đảm bảo để tất cả mọi người có thể tiếp cận được đầy đủ các dịch vụ an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Vì thế, để giảm nghèo bền vững, không thể chạy theo thành tích về số lượng giảm nghèo mà phải tập trung giải quyết cho được chất lượng giảm nghèo - cái gốc của vấn đề.

Cần nhấn mạnh rằng, có nghề nghiệp, có việc làm ổn định là điều quan trọng nhất để các hộ nghèo, cận nghèo đảm bảo cuộc sống. Nhưng trước áp lực mưu sinh, nên người nghèo thường ưu tiên lựa chọn những phương án đào tạo nghề ngắn hạn, sơ cấp để nhanh chóng tìm việc làm. Một nghiên cứu gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế cảnh báo Việt Nam sẽ mất 5 triệu việc làm vào năm 2020 vì chất lượng nhân lực lao động thấp. Nguy cơ công nhân thất nghiệp do xu hướng tự động hóa là cảnh báo trong tương lai gần. Đây cũng là một thách thức rất lớn cho công tác giảm nghèo bền vững của Việt Nam nói chung và Thành phố nói riêng. Chính vì thế, hơn lúc nào hết, những giải pháp nâng cao chất lượng lao động và đáp ứng đúng yêu cầu của xã hội là hết sức cấp thiết, là nền tảng giảm nghèo thật sự bền vững.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, cần giúp người nghèo hiểu rằng, muốn thoát nghèo, không còn cách nào khác phải vươn lên bằng nỗ lực, ý chí và sức lao động của bản thân. Không thể mãi trông chờ vào chính sách và sự hỗ trợ của cộng đồng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực của các tầng lớp xã hội, để các hoạt động vì người nghèo luôn là phong trào thi đua yêu nước, để đông đảo tầng lớp nhân dân cùng chung tay góp sức trong công cuộc giảm nghèo, vươn lên khá giả, đủ đầy.

Khi thế giới bước vào thế kỷ 21, kỷ nguyên số phát triển vũ bão, ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thì vẫn có một thực tế - đói nghèo vẫn là nỗi ám ảnh thường trực, không trừ quốc gia nào. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc lo cơm ăn, áo mặc cho dân là điều vô cùng quan trọng. Ngay từ khi thành lập Nước, Người cho rằng đói nghèo là thứ giặc đầu tiên trong 3 thứ giặc cần phải diệt, cùng với “giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã sáng tạo và thực hiện thành công chương trình giảm nghèo hết sức ý nghĩa và nhân văn. Với truyền thống nhân ái, đoàn kết vượt khó, đồng thời thành tựu về cuộc sống thay đổi, cơm áo đủ đầy no ấm của người dân sẽ tiếp tục biến thách thức thành động lực - để Chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm hoàn thành hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới, đưa thành TPHCM trở thành đô thị có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

VOH

Bình luận

Đọc Báo