Giá trị không nằm ở văn bằng mà nằm ở nơi tuyển dụng - Thời sự 5g30 13/08/2019

(VOH) - Để tiến tới không phân biệt các loại hình đào tạo thể hiện trên văn bằng cần lộ trình để các trường phấn đấu theo chuẩn thống nhất các loại hình đào tạo.

Điều 38 của Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định về văn bằng giáo dục đại học, người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng. Điều này đồng nghĩa với việc không ghi hình thức đào tạo khi cấp bằng cử nhân. Như vậy, với người học ở các hình thức gồm chính quy, không chính quy: vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến…..đều nhận được văn bằng bao gồm: cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ như nhau.

Luật là vậy, tuy nhiên để tiến tới không phân biệt các loại hình đào tạo thể hiện trên văn bằng cần lộ trình để các trường phấn đấu theo chuẩn thống nhất các loại hình đào tạo. Khi nào tâm lý xã hội còn nghi ngại về khoảng cách giữa chất lượng đào tạo chính quy với hệ không chính quy, thì khi ấy vẫn chưa thể nào xóa bỏ tâm lý phân biệt bằng cấp trong xã hội. Đây cũng là nội dung bài 2 “Giá trị không nằm ở văn bằng mà nằm ở nơi tuyển dụng” của loạt: Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018: từ luật đến thực tiễn do Phóng viên Thùy Linh thực hiện:

Đến nay, các hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học có thể kể đến bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến….Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hữu Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM, không phân biệt các giá trị văn bằng là xu hướng của thế giới trong giáo dục. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Úc….họ còn có cả chương trình đào tạo online dành cho sinh viên mà không phân biệt ở loại hình đào tạo nào, điều Trường quan tâm là người học đạt tiêu chuẩn chất lượng như thế nào. Theo ông, để tiến đến vấn đề không phân biệt các loại hình đào tạo trên văn bằng phải cần có lộ trình. Bởi vì, nó phụ thuộc vào quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: đó là trên mẫu văn bằng sẽ ghi gì, hiện nay Bộ vẫn chưa thay đổi quy định về cách ghi trên văn bằng, thành ra các trường hiện nay vẫn ghi như cũ. Ông nhấn mạnh, cho đến khi các trường xây dựng được hệ thống bảo đảm chất lượng tương đương nhau thì mới có thể cấp chung một loại văn bằng:

Với trường Đại học Mở TPHCM cũng vậy, Trường đã lên kế hoạch cách đây mấy năm, thực hiện đảm bảo chất lượng cho một chuẩn chung. Trước đây, trong đào tạo có những vênh nhau về chuẩn, bây giờ mình đưa về một chuẩn chung để cho tất cả các chương trình cùng một chuẩn. Hiện nay chương trình đào tạo là như nhau, thầy cô như nhau, chỉ khác phương thức. Do đó, nếu chúng ta xây dựng được một chuẩn để đánh giá phù hợp cho từng loại chương trình, tất cả đều hướng đến nền tảng chung, khi đó không còn vấn đề gì lo ngại. Quá trình này sẽ mang lại lợi ích cho học viên, đồng thời còn tránh sự kỳ thị của xã hội. Đổi lại, các bên liên quan đều phải có trách nhiệm”

Dù có một tâm lý xã hội vẫn còn tồn tại dai dẳng cho đến hiện tại, đó là vấn đề phân biệt các bằng cấp. Tuy nhiên, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho rằng, ở một góc độ nào đó, Luật Giáo dục đại học sửa đổi muốn hướng đến vấn đề: người sử dụng lao động họ quan tâm chất lượng đào tạo nhiều hơn. Cần nhấn mạnh ở chỗ, ở đây luật là nói đến khía cạnh mẫu văn bằng, còn theo ông, “giá trị” thật sự nằm ở khả năng làm việc của người lao động là chính, điều đó mới quan trọng: “Nếu nhìn tổng thể Luật Giáo dục Đại học, yếu tố quan trọng đó chính là kiểm định. Chính yếu tố kiểm định chất lượng giáo dục sẽ giúp cho vấn đề chất lượng giáo dục được đảm bảo. Đặc biệt, yếu tố liên quan đến giá trị thương hiệu của các trường, trách nhiệm giải trình của các trường là những vấn đề cần phải quan tâm, trong sự kết nối liên quan đến việc không phân biệt giá trị văn bằng trong các loại hình đào tạo khác nhau”

Sự nghi ngại về bằng cấp là có lý do, khi hiện nay, đa số các loại hình đào tạo chính quy và không chính quy là có khoảng cách. Chính điều này tạo ra tâm lý cho các nhà tuyển dụng nói riêng và xã hội nói chung, đó là sự e ngại loại hình đào tạo không chính quy. Ông Đỗ Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM cho rằng, tiến tới không phân biệt các loại hình đào tạo thể hiện trên văn bằng là việc cần làm, nhưng phải cần có lộ trình để các trường phải phấn đấu theo chuẩn thống nhất. Chưa kể, với đối tượng người học hệ không chính quy, ở một góc độ nào đó lại có mặt mạnh hơn: “Ví dụ, những người học là những người có kinh nghiệm ở lĩnh vực công việc nào đó. Cho nên, nếu được đào tạo một cách nghiêm túc thì chất lượng người học không thua kém hệ chính quy, thậm chí là còn nổi trội hơn về mặt thực tiễn. Cho nên, vấn đề ở đây không phải là vấn đề phân biệt bằng cấp ra sao, mà vấn đề ở chỗ quy trình đào tạo các trường có nghiêm túc hay không nghiêm túc, để làm sao hai loại hình đào tạo đó có chất lượng như nhau. Mình muốn giải quyết tâm lý xã hội thì phải giải quyết bằng thực tiễn”

Về phía doanh nghiệp, ông Trần Văn Trượng, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần du lịch và dịch thuật Happyvisa chia sẻ kinh nghiệm trong tuyển dụng nhân sự, nhất là các ứng viên tốt nghiệp từ các trường học ở nước ngoài:  

“Mình sử dụng năng lực của họ là chính, tất nhiên bằng cấp cũng quan trọng, bởi vì khi các bạn học thật sự, được xã hội công nhận về tấm bằng đó, Trường đại học công nhận bạn đã hoàn thành khóa học của mình”

Đào tạo chính quy hay tại chức, từ xa, dù phương thức có khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích cuối cùng là chuẩn đầu ra, là kiến thức hoàn thành chương trình đào tạo, là khả năng đáp ứng yêu cầu hội nhập của thị trường lao động. Vậy, chỉ khi nào chất lượng của các loại hình đào tạo không còn độ vênh, thì khi ấy xã hội mới thực sự yên tâm. Điều cốt lõi, giá trị của người học không nằm ở tấm bằng tốt nghiệp, mà chính môi trường sử dụng lao động sẽ thẩm định đúng giá trị của người học./.

VOH

Bình luận

Đọc Báo