Được hoạt động trở lại, nhưng hàng quán vẫn mở cửa cầm chừng - Thời sự 17g00 14/9/2021

Một số quán xá mở cửa cầm chừng,số khác còn đóng cửa do nhiều khó khăn về mua nguyên phụ liệu chế biến món ăn, giấy đi đường, hoạt động phải đảm bảo tiêu chí 3 tại chỗ, đơn hàng online đặt không nhiều

Sau khi TP.HCM cho phép các loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh hoạt động trở lại, từ 6 - 18 giờ theo hình thức bán hàng mang về, một số quán xá đã mở cửa cầm chừng, số khác còn đóng cửa do nhiều khó khăn về mua nguyên phụ liệu chế biến món ăn, giấy đi đường, hoạt động phải đảm bảo tiêu chí 3 tại chỗ, đơn hàng online đặt không nhiều…

bán hàng mang về

Ảnh minh họa: TTO

Đã mở cửa khi TP.HCM cho phép hàng quán hoạt động lại, tuy nhiên, bà Trương Thị Phương, chủ hộ kinh doanh trà sữa cho hay, quán chỉ nấu một nửa so với công suất bình thường và rất khó ước lượng được lượng khách. Bà cho biết, mở cửa trở lại cũng là tín hiệu rất đáng mừng của nhiều hộ kinh doanh: “Được mở trở lại bán thì cũng cảm ơn Nhà nước, quận, phường hỗ trợ. Mình bán một ngày 200 ly thì bây giờ chỉ bán 50-70 ly cũng đã vui rồi. Cũng hy vọng Thành phố sớm trở lại bình thường mới, chậm, chắc, nhưng an toàn”

Trong khi đó, bà Trần Thị Hai, chủ quán hủ tíu ở đường Nguyễn Văn Lịch, Thành phố Thủ Đức lại quyết định chưa mở cửa trở lại do con đường dẫn vào quán nhà bà có một chốt chặn ngang, ra vào không được. Bà cho biết, muốn đi mua thực phẩm dùng trong nhà còn khó, nói gì tới việc buôn bán. Hơn nữa, thời điểm này tìm được nguồn cung nguyên liệu rất khó khi chợ đóng cửa, các mối quen đều không thể tiếp tục công việc kinh doanh.

Ông Trần Quang Tuấn, chủ cửa tiệm cơm tấm Phương đang chuẩn bị hoạt động trở lại. Ông cho hay, khi nghe tin được bán mang về, hai vợ chồng ông rất vui, thời gian qua không làm ăn gì được mà phải đều đặn đóng tiền mặt bằng trên đường Pasteur, quận 3 với giá 45 triệu đồng/tháng, gia đình sắp cầm cự không nổi. Do giá nguyên liệu tăng cao cộng với việc nhập hàng để buôn bán trở lại rất khó khăn nên ông phải nhờ người thân ở dưới quê mua thịt, cá, rau củ và vận chuyển bằng xe tải lên. Việc này cũng có chút bất tiện nhưng phải chấp nhận, ông bảo được bán trở lại có đồng ra đồng vào là mừng lắm rồi. Hiện tại, ông dự định làm khoảng 100 suất cơm để thăm dò. Trước dịch, mỗi ngày gia đình ông bán từ 300-400 suất cơm với giá 35.000-45.000 đồng tùy món. “Được mở lại là một niềm vui không thể nào nói được, vì dịch kéo dài 3, 4 tháng nay mình làm ăn cũng không được, thì mình phải cố gắng thực hiện để đảm bảo an toàn”.

Người bán thì vừa mừng vừa lo, thế nhưng người mua thì nhiều nỗi lo hơn. Như một số nơi thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, một số chung cư không cho phép nhân viên xuống lấy hàng nên nhiều người dân muốn đặt mua đồ ăn cũng ngại phiền đến đội ngũ hỗ trợ, vận chuyển giao hàng. Số khác cho rằng phí ship cao, ngại nguy cơ lây nhiễm từ việc giao nhận hàng mặc dù shipper lưu thông đã được tiêm vắc xin và test covid 2 ngày/lần.

Thêm lý do nữa là một số chủ cửa hàng không thể di chuyển đến nơi bán do không có gì để chứng minh ra đường vào lúc này. Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Chủ tịch UBND phường 2, quận 3 nhìn nhận: “Khó khăn nhất vẫn là giấy đi đường, một số chủ hộ kinh doanh và người lao động hiện nay đang ở trên địa bàn các quận huyện khác thì không có giấy đi đường để di chuyển vể địa bàn quận 3 để mở cửa hoạt động trở lại, thì cái này mong Thành phố sớm có biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh này”.

Lệ Loan

Bình luận

Đọc Báo