Đồng hành hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, vượt qua đại dịch - Thời sự 11g00 22/9/2021

(VOH) - Hội Nông dân Thành phố đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm trong tình hình dịch Covid-19, góp phần giúp nông dân vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, đoàn kết, chung sức cùng cả nước phòng, chống dịch Covid-19 với phương châm “Nâng niu giá trị nông sản Việt, san sẻ, kết nối yêu thương, vượt qua đại dịch”.

nông sảnẢnh minh họa: NLĐ

Qua đó, Hội Nông dân Thành phố đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm trong tình hình dịch Covid-19, góp phần giúp nông dân vượt qua khó khăn, yên tâm sản xuất.

Xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay, Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân về tình hình dịch Covid-19; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, thể hiện tinh thần nhân ái của người dân thành phố chia sẻ, chăm lo cho người dân gặp khó khăn, ủng hộ tiếp sức lực lượng tuyến đầu chống dịch. Trong đó, Hội Nông dân Thành phố đã triển khai thực hiện Chương trình “Nghĩa tình Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh” đồng hành kết nối, tiêu thụ nông sản và chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để hỗ trợ hội viên, nông dân, hợp tác xã tiêu thụ các sản phẩm như sữa chua, sữa tươi, cá, tôm, rau củ quả, khoai mì, hoa lan, giống cây ăn trái… để chăm lo các khu cách ly tập trung, các điểm phong tỏa, các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.

Qua đó, Hội Nông dân Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản của nông dân Thành phố và các tỉnh trong tình hình dịch bệnh. Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nông dân thành phố Thủ Đức và các huyện, quận đã tích cực kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân và Hợp tác xã như hỗ trợ Hợp tác xã Tương Lai, huyện Củ Chi tổ chức thực hiện các điểm tiêu thụ cá lóc, cá trê trên địa bàn huyện Củ Chi, quận Gò Vấp, Tân Phú và quận 8; tiếp tục phối hợp hỗ trợ tiêu thụ rau muống nước tại xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi; phối hợp Hội Nông dân huyện Bình Chánh kết nối tiêu thụ cá; phối hợp với Hội Nông dân Quận 12, Củ Chi đề xuất tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển tiêu thụ sữa bò trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn thành phố …

Trên cơ sở triển khai của Hội Nông dân TPHCM, Hội Nông dân thành phố Thủ Đức, huyện, quận đã triển khai đến Hội Nông dân cơ sở để thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống, sản xuất và tiêu thụ nông sản của nông dân nhằm kịp thời chăm lo, hỗ trợ hội viên nông dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồng thời, phối hợp với các phòng ban, các đoàn thể trên địa bàn tham gia thực hiện công tác chăm lo rau củ quả, thực phẩm, nhu yếu phẩm, chăm lo hỗ trợ phòng chống dịch… cho hội viên, nông dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch trên địa bàn thành phố. Qua đó, hỗ trợ tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản gồm rau củ quả, trái cây, tôm, cá, trứng gà... Ông Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi nói về giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm: “Trong việc hỗ trợ một số hội viên nông dân sản xuất nhỏ lẻ thì với nguyên tắc là trong xã, trong ấp tự hỗ trợ tiêu thụ trước, thì qua đó các chi hội, tổ hội và Hội Nông dân cơ sở chủ động vừa mua ủng hộ với giá hợp lý vừa vận động hội viên nông dân tham gia ủng hộ để Hội Nông dân xã cũng như các chi tổ hội thành lập những địa điểm như là phiên chợ 0 đồng hay bó rau nghĩa tình ... để người dân mà có nhu cầu thì sẽ đến nhận một phần…

Để nâng cao hiệu quả của việc hỗ trợ tiêu thụ nông sản, các cấp Hội đã chú trọng đổi mới phương thức giao dịch, tăng cường giao dịch trực tuyến để giao hàng; kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trực tuyến thông qua thương mại điện tử, đặc biệt trên trang web Hội Nông dân Thành phố, group zalo trong hệ thống Hội, group zalo “Nghĩa tình nông dân” để kết nối tiêu thụ cho các đơn vị có nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ nông sản như Hợp tác xã Cần Giờ Tương Lai, Hợp tác xã Thủy sản Tương Lai, Hợp tác xã Đông Thạnh, Hợp tác xã Vân Dương, Hợp tác xã Song Hy…

Hội Nông dân cơ sở cũng chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình ở địa phương, huy động sự tham gia của các cán bộ Hội chung tay giúp nông dân tìm kiếm đầu ra. Đối với Hội Nông dân huyện Hóc Môn, trong thời gian qua, Hội đã vận động các hợp tác xã tổ chức các xe bán nông sản lưu động rải khắp các xã trên địa bàn huyện, trên xe có niêm yết giá để người dân biết và đến mua, trong đó cán bộ hội được phân công hỗ trợ các xe lưu động này để bán nông sản cho người dân. Bà Lê Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn cho biết thêm: “Để thực hiện chương trình Nghĩa tình Nông dân thì các xã đăng ký thực hiện các mô hình rất là hay, như là 3 xã thực hiện mô hình Mỗi ngày làm một việc tốt ý nghĩa giúp cho hội viên nông dân trong tiêu thụ sản phẩm cũng như trong vận động mạnh thường quân để cấp phát quà rồi thu mua nông sản để đưa vào khu phong tỏa, khu cách ly. Rồi có xã thì thực hiện mô hình tình nguyện viên để hỗ trợ phòng chống dịch, thường xuyên trực chốt, thường xuyên cấp phát quà, có xã làm gian hàng 0 đồng là hỗ trợ cho nông dân và bà con các vùng cách ly và khu phong tỏa

Phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, quan tâm, sẻ chia, giúp nhau cùng vượt qua khó khăn, các cấp Hội Nông dân đã chủ động triển khai nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả như "Mỗi ngày một việc làm tốt", “Chia sẻ yêu thương", "Gian hàng nghĩa tình", "Bó rau không đồng", "Phiên chợ không đồng", "Suất ăn 0 đồng"… để hỗ trợ thu mua sản phẩm, giúp nông dân có đầu ra ổn định. Ông Lê Tấn Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn cho hay, việc thực hiện các mô hình đã góp phần giúp nông sản được tiêu thụ tốt hơn như mô hình “Phiên chợ không lãi” đã giải quyết một phần đầu ra các sản phẩm từ sữa tươi và rau ăn lá trên địa bàn xã, giúp bình ổn thị trường và nông dân an tâm sản xuất: Đã thu mua rau cho hơn 125 hộ trồng rau trên địa bàn các ấp 2,3,4,5,6, lượng rau thu mua hàng ngày bình quân từ 200 đến 400kg, với giá bình ổn, đồng giá và bán với giá nhà vườn đưa ra; hỗ trợ bán sản phẩm sữa chua, sữa tươi thanh trùng cho 2 đơn vị là HTX Bò sữa Đông Thạnh và Cty Myvimilk, hàng ngày tiêu thụ từ 500 đến 1.500 đơn vị sữa các loại, giá bán bằng giá của đơn vị sản xuất bán ra”.

Với những ý nghĩa thiết thực, Chương trình “Nghĩa tình Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh” đồng hành kết nối, tiêu thụ nông sản và chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có sức lan tỏa mạnh mẽ trong hệ thống Hội, được sự đồng hành, hưởng ứng, ủng hộ tích cực của Hội Nông dân các huyện, quận, các đơn vị, cá nhân để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Đến nay, chương trình đã hỗ trợ tiêu thụ trên 1.596 tấn nông sản. Bà Huỳnh Thị Kim Xuyến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đây là chương trình hoạt động thiết thực và rất hiệu quả, nó thực hiện nhiệm vụ chính trị của hội, vừa thực hiện chủ trương của Thành ủy, UBND TP trong công tác phòng chống dịch bệnh covid-19 hiện nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện mục tiêu vừa hỗ trợ nông dân thành phố trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời đồng hành cùng TP trong công tác chăm lo an sinh xã hội. Qua thực hiện chương trình Nghĩa tình Nông dân Thành phố thì Hội Nông dân Thành phố cũng có kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố để đồng hành cùng với Hội trong việc thực hiện chương trình này”.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân TPHCM sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để chung tay, góp sức ủng hộ thực hiện chương trình “Nghĩa tình nông dân Thành phố Hồ Chí Minh” đồng hành kết nối, tiêu thụ nông sản và chăm lo cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vừa vận động nông dân tiếp tục tăng gia sản xuất, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Nhất là tiếp tục phối hợp với các ban ngành hỗ trợ nông dân sản xuất, thu hoạch và vận chuyển tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng các điểm kết nối giữa người mua, người bán và khâu vận chuyển để tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm...

Trúc Mai

Bình luận

Đọc Báo