Đón đầu Khu đô thị sáng tạo phía Đông Thành phố - Thời sự 11g00 25/04/2019

(VOH) - Khu vực phía Đông thành phố, nơi tập trung mật độ cao các trường đại học, viện nghiên cứu, cùng với Khu Công nghệ cao, công ty lĩnh vực công nghệ, các khu chế xuất, khu công nghiệp…

Khu vực phía Đông thành phố, nơi tập trung mật độ cao các trường đại học, viện nghiên cứu, cùng với Khu Công nghệ cao, công ty lĩnh vực công nghệ, các khu chế xuất, khu công nghiệp… được Thành phố xác định xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông.

Khu Công nghệ cao

Khu công nghệ cao. Ảnh: baomoi

Đón đầu việc hình thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông của Thành phố, nhiều sáng kiến, công trình nghiên cứu nhằm xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại khu vực này đã được triển khai từ rất sớm. Đây cũng là những sáng kiến tham gia Giải thưởng Sáng tạo Thành phố năm 2019

 Khu đô thị sáng tạo – được hiểu đơn giản là nơi tập trung mật độ cao các hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp. Vì vậy, Khu đô thị sáng tạo phía Đông kết nối chặt chẽ và hiệu quả ba chức năng, bao gồm trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, trung tâm giáo dục đào tạo nhân lực có trình độ, chất lượng cao và trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao. Theo đánh giá, từ khu đô thị này sẽ hình thành chuỗi giá trị gia tăng từ khâu nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ….. trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp.

Từ năm 2014, Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) đặt mục tiêu phát triển Khu Công nghệ phần mềm trực thuộc Đại học Quốc gia TPHCM – gọi tắt là ITP, trở thành một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Với mục tiêu đó, nhóm nghiên cứu gồm Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Thạc sĩ Lê Nhật Quang; cử nhân Lê Thị Mỹ Nhiên đã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ITP - làm tiền đề thúc đẩy phát triển khu đô thị sáng tạo. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi, Giám đốc ITP cho hay, khu đô thị sáng tạo phải là nơi tập trung mật độ cao các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; làm nền tảng để đào tạo ra một thế hệ doanh nhân mới, có khả năng giải quyết những vấn đề toàn cầu. Trong 5 năm qua, ITP đã triển khai nhiều hoạt động để kiên trì mục tiêu này. Có thể nói, rất khó khăn, trở ngại về khoảng cách, điều kiện địa lý, hạ tầng xung quanh…. nhưng đến nay đã thu hút được về đây những doanh nhân trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp tiềm năng, bắt đầu hình thành một mật độ đủ lớn. Tại đây, diễn ra những sự tương tác giữa các doanh nghiệp – vốn là đặc thù của sự tương tác trong hệ sinh thái khởi nghiệp….đã cho thấy mô hình này là phù hợp. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Anh Thi cho rằng, con người chính là nguồn lực quan trọng nhất: “Đặc biệt, trong Khu đô thị sáng tạo thì con người là không thể thay thế được bằng máy móc. Do vậy, vai trò của đại học nghiên cứu – cụ thể là khu Đông này là ĐHQG-HCM đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tầm nhìn của ĐHQG-HCM là trên cơ sở phát triển ITP thành một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động gắn kết với khu Đông, gắn với hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM, hoạt động chuyển giao tri thức từ trong đại học ra ngoài xã hội sẽ trở nên hiệu quả hơn, mạnh mẽ hơn”

Đến nay, Tổng số Công ty khởi nghiệp - dự án đã được ITP hỗ trợ gần 60; trung bình mỗi năm ITP hỗ trợ cho 15 công ty khởi nghiệp. Cũng tại đây, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp kêu gọi thành công vốn ban đầu, có sản phẩm đưa ra thị trường, một số công ty khởi nghiệp có định giá hàng chục tỷ đồng. Đơn cử, với dự án iNut Flatform của nhóm các cựu sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM, được ươm tạo từ ITP, gồm: Ngô Huỳnh Ngọc Khánh, Đoàn Vinh Phú, Trương Trọng Thân, Nguyễn Ngọc Huân hiện đã có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường, với định giá hiện tại hơn 20 tỷ đồng. Đoàn Vinh Phú cho hay, iNut Platform là một nền tảng công nghệ, giúp cho việc lập trình IoT trở nên dễ dàng và thuận tiện thông qua việc kết nối ba bên: nhà phát triển phần cứng, nhà phát triển phần mềm và người sử dụng cuối: “Hiện tại em đã ra được nhiều ứng dụng mẫu rồi, lấy ví dụ ở vài ngành cụ thể. Như nhà thông minh, mình có thể điều khiển được cửa cuốn từ xa bằng điện thoại không giới hạn khoảng cách; điều khiển được các công tác đèn, điện trong nhà. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tụi em có thể tạo ra giải pháp để điều khiển vận hành nhà nuôi yến, nhà màng, nhà lưới từ xa. Trong lĩnh vực công nghiệp, có thể giám sát hoạt động trong nhà máy sản xuất công nghiệp. Đó là một vài ví dụ mà đề tài được thương mại hóa ra thị trường”

Bên cạnh đó, nhóm tác giả Lê Hoàng Nhật, Phạm Quốc Vinh, Nguyễn Trường Phúc, với giải pháp Ami – Nền tảng số cho khu đô thị thông minh, cũng trưởng thành từ cái nôi ITP. Theo Hoàng Nhật, giám đốc điều hành công ty Ami, hiện Ami đang phát triển nền tảng công nghệ cốt lõi, giá trị cho hệ sinh thái – khu đô thị thông minh phục vụ những công dân số (digital citizen) với một ứng dụng định danh duy nhất, bao gồm hộ chiếu điện tử (digital passport) và thẻ cứng tích hợp. Nền tảng này sẽ giúp nhà quản lý cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ giấy tờ không cần thiết, phục vụ cho đô thị thông minh: “Nền tảng quản lý khu đô thị thông minh, mình mong muốn sẽ giúp cho mỗi công dân của TP dễ dàng quản lý được việc lưu trú của mình, cũng như giúp cho TP thống kê được dữ liệu cư dân, đảm bảo sự an toàn thuận lợi cho tất cả mọi người dân. Ami đề xuất xây dựng cho mỗi công dân TP một ứng dụng trên điện thoại, một thẻ để dễ dàng đăng ký tạm trú, tạm vắng bất cứ nơi nào, ra vào bất cứ chung cư, tòa nhà, nơi lưu trú nào mà đều dễ dàng được quản lý bởi công an khu vực địa phương”

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, một hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với đại học là điều kiện tiên quyết. Đây cũng chính là lý do vì sao từ năm 2014, Đại học Quốc gia TPHCM đã quyết tâm xây dựng ITP trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp, khi khái niệm này vẫn chưa được nhiều người biết đến, thậm chí chưa được đề cập trong các văn bản chính thức của Nhà nước. Như nhận định của Tiến sĩ Huỳnh Thành Đạt để kết thúc bài viết này: “Trước tiên, có thể tự hào mà nói rằng, Khu công nghệ phần mềm ĐHQG-HCM (ITP) đã định hình được mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thật sự trong môi trường đại học. Thứ 2, ITP đã khẳng định được tính hiệu quả của mô hình, cụ thể qua quá trình triển khai các dự án khởi nghiệp, góp phần phát hiện, bồi dưỡng, tạo ra một đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp tiềm năng, đó là vai trò nhiệm vụ chính của trường đại học. Thứ ba, ITP đã và đang góp phần trực tiếp vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tiến trình xây dựng Khu Đô thị sáng tạo phía Đông của TP”.

 Thùy Linh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo