Đổi mới sáng tạo từ mô hình STEAM - Thời sự 11g00 16/01/2020

(VOH) - Đưa các hoạt động giáo dục STEAM vào quá trình lĩnh hội và tiếp thu trí thức là xu hướng của giáo dục hiện đại.

Đón đầu và có những bước đi tiên phong xu hướng này đã giúp một trường Trung học cơ sở trên địa bàn Quận 3 đạt được giải thưởng về Khoa học công nghệ  I-Star 2019, ở lĩnh vực giải pháp đổi mới sáng tạo.

Ảnh TTXVN

Không yên lặng như nhiều giờ học khác, giờ học thực hành STEAM làm sáp thơm chống muỗi rộn rã bởi tiếng hỏi han, tiếng trầm trồ, tiếng kềm, búa... của các cô cậu học sinh chỉ 12-13 tuổi. Với những vỏ chai nhựa không còn sử dụng, sáp ong, dược liệu được chiết xuất từ một số loại cây có mặt trong vườn trường như sả, quế, bạc hà... các em học cách tái chế, chuyển đổi hình dáng và công năng sử dụng. Để làm được điều đó, giáo viên vừa phải khơi gợi sự tò mò về kiến thức nơi các em, vừa đặt ra những yêu cầu cần thiết phải vượt qua, để từ đó học sinh tìm cách giải quyết những bài tập thực tế như: làm thế nào vừa tái sử dụng các chai nhựa, lại vừa mang về những công dụng hữu ích? làm sao các đặc tính của loại dược liệu được ứng dụng hiệu quả vào việc bảo vệ chăm sóc sức khoẻ con người? Từ đó những sản phẩm như sáp thơm chống muỗi, vừa có thể bôi da, phòng chống côn trùng được ra đời. Học sinh Trương Khánh Linh, lớp 6/10, Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn cho biết: "Lợi ích của tiết học giúp tụi con hiểu bài nhiều hơn, tiết học cũng rất vui vẻ. Nó giúp việc học môn Vật lý, Sinh học hay những môn liên quan không còn khó. Nó cũng giúp tụi con biết nhiều thứ về cuộc sống. Chẳng hạn như, con có thể loại trừ những nguy hiểm như dùng sản phẩm sáp hôm nay làm phòng chống, loại trừ những loại bệnh như sốt xuất huyết, jica... và các loại bệnh nguy hiểm khác"   

Hoạt động dạy và học theo định hướng STEAM bắt đầu triển khai tại trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn từ 3 năm nay. Đây cũng chính là thời điểm hoạt động giáo dục này manh nha, được mọi người bắt đầu quan tâm, phân tích nhưng chưa thực sự có nhiều đơn vị mạnh dạn bắt tay vào thực hiện. Vậy mà nhà trường, với sự chủ động của ban giám hiệu và sự dấn thân của các thầy cô giáo, sự hỗ trợ của Quận, và các phụ huynh, phòng thực hành STEAM đã được ra đời như một mô hình tiên phong cho xu hướng đổi mới dạy học. Qua 3 năm, đi vào hoạt động, phòng thực hành STEAM luôn sáng đèn, hoạt động với tần suất cao và tạo sự hào hứng cho người học. Nơi đây không chỉ giúp các em hiện thực hoá, khắc sâu kiến thức bài học, hình thành kỹ năng thao tác với các công cụ như kềm kéo, khoan, cắt... mà còn tạo điều kiện ươm mầm những ước mơ nghiên cứu, sáng tạo của học sinh.

Để có được những tiết học thú vị, ban giám hiệu và các giáo viên trong nhóm STEAM đã ngồi lại, lên kế hoạch và thiết kế chương trình học sao cho phù hợp với từng độ tuổi và khối lượng bài học của từng khối lớp. Cụ thể, học sinh khối 6, khối 7 sẽ có 4 chủ đề giáo dục STEAM trong năm học. Riêng với khối 8,9, ưu tiên dành nhiều thời gian cho nội dung kiến thức, các hoạt động STEAM được sinh hoạt dưới dạng câu lạc bộ, cũng như lồng ghép với các tiết thực hành trên lớp. Tiêu chí của nhà trường là học sinh phải có được sản phẩm cụ thể khi đến với phòng thực hành STEAM. Giáo viên Cao Phan Hà Vy, bộ môn Vật lý, phụ trách phòng STEAM, Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn chia sẻ: "Hoạt động dạy học theo định hướng STEAM là một trong những điểm mạnh của trường mình và được các thầy cô tổ Khoa học Công nghệ và các tổ khác hưởng ứng nhiệt liệt. Khi giáo viên có đam mê, giáo viên sẽ cố gắng tìm tòi những chủ đề STEAM sao cho vừa phù hợp với chương trình vừa phù hợp với kiến thức nền tảng của mỗi học sinh ở mỗi cấp độ và có sự lồng ghép giữa kiến thức các bộ môn liên quan như Lý- Hoá-Sinh- Công nghệ"

Với những nỗ lực đổi mới hoạt động giảng dạy, mới đây Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn vừa được trao Giải thưởng I-Star 2019 dành cho giải pháp đổi mới sáng tạo với mô hình STEAM. Giải thưởng như nguồn khích lệ, tiếp thêm động lực cho hoạt động đổi mới giáo dục trong nhà trường. Tiến sĩ Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, Quận 3 cho hay: "Rõ ràng là giải thưởng động viên khuyến khích rất lớn đối với tập thể giáo viên, học sinh, phụ huynh và ban giám hiệu nhà trường. Bởi vì làm nhiều năm nay rồi, hôm nay được công nhận nên thầy cô rất tự hào khi mang được màu cờ sắc áo, mô hình của mình được lan toả để tất cả các bạn ở đơn vị khác tham khảo, chia sẻ. Những sản phẩm nhỏ thôi, nhưng do các con tự làm nên tạo được niềm đam mê rất lớn, tạo được bầu không khí đam mê yêu thích khoa học, yêu thích việc vận dụng kiến thức khoa học công nghệ để giải quyết những bài toán thực tiễn trong đời sống"    

Mô hình giáo dục STEAM của Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn đã mang lại giải pháp đổi mới giáo dục hiệu quả, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay. Tuy nhiên, không dừng ở đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực STEAM, Trường còn đổi mới sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác từ dạy học đến quản lý. Hướng tới, nhà trường sẽ xây dựng các lớp học thông minh, trường học thông minh, để từ đó kết nối với quá trình xây dựng chính quyền thông minh của Quận.

Tuyết Nhung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo