Đổi mới giảng dạy các môn lý luận chính trị - Bài 1 – Thời sự 5g30 2/12/2019

(VOH) - Mời quý vị nghe bài 1 của loạt bài nhan đề “Khi sinh viên chưa coi trọng học tập lý luận chính trị”.

Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là đào tạo, bồi dưỡng những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lý luận xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân tộc, tôn giáo và công tác quần chúng…Ở Việt Nam hiện nay, có nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị với các trình độ khác nhau.

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Vũ Thị Duyên, Khoa Lịch sử Đảng – Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện có 5 hình thức đào tạo. Thứ nhất, là các lớp quán triệt các Nghị quyết của Đại hội Đảng, Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, với đối tượng chủ yếu là cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở. Thứ hai, các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng, đảng viên mới. Thứ ba, các lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính, đối tượng người học là cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, dự nguồn của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp cơ sở. Thứ tư, các lớp cao cấp lý luận chính trị theo chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, đối tượng là cán bộ, lãnh đạo, quản lý chủ chốt, dự nguồn của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp từ cấp huyện trở lên. Thứ năm, là chương trình đào tạo các môn lý luận chính trị áp dụng cho hệ thống giáo dục quốc dân.  Ở bậc học phổ thông, môn lý luận chính trị chỉ đơn giản là môn Giáo dục công dân. Ở bậc đại học, cao đẳng, đối với hệ không chuyên về lý luận chính trị gồm 5 học phần: Triết học Mác – Lê nin, Kinh tế Chính trị Mác – Lê nin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với hệ chuyên lý luận chính trị, đào tạo trình độ đại học theo 5 chuyên ngành trên và các chuyên ngành khác nhau của ngành Chính trị học.

Hiện nay, đối với hệ không chuyên lý luận chính trị, về việc áp dụng các môn Lý luận Chính trị tại các trường đại học trong đó có 5 môn, tổng số thời lượng: 11 tín chỉ, bao gồm Triết học Mác – Lênin: Kinh tế chính trị Mác – Lênin; Chủ nghĩa xã hội khoa học; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhiều sinh viên nhận xét, với các môn học này, các kiến thức được bố trí theo kiểu nhồi nhét theo chương trình khung. Tính gợi mở, tính mềm hóa bị triệt tiêu, làm cho người học khó lĩnh hội kiến thức. Chia sẻ đa chiều của các sinh viên Cẩm Hoài, Đức Hiển hiện đang học tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố, bày tỏ: “Thật ra những môn học liên quan đến lý luận chính trị thường không thu hút sinh viên vì nó nhàm chán, khó hiểu. Theo em là từ nội dung, chủ đề khó hiểu chứ không phải là từ giáo viên. Em đang học môn Chủ nghĩa Mac – Lênin, em cảm thấy nội dung rất khó hiểu, mặc dù giáo viên đã giảng, em về nhà nghiên cứu sách thì mới tạm hiểu”; “Đôi khi em thấy môn học này hơi khô khan, lý thuyết nhiều quá. Em học về kinh tế nên thường thích cái gì nó mở ra hơn, tư duy thoáng hơn. Trong khi các môn học này theo lối mòn, cứng nhắc, lý thuyết các kiểu trong khi tụi em thường thích những cái mới nên nó không gây được hứng thú”

Hiện tại các trường đào tạo theo học chế tín chỉ, số tiết dạy học trên lớp của các môn lý luận chính trị giảm đi nhiều. Giảng viên trên lớp rất ít thời gian, lớp theo tín chỉ sinh viên đông, trong khi khối lượng kiến thức lớn. Với phương pháp dạy học truyền thống, giảng viên không thể truyền thụ sâu sắc kiến thức môn học và càng khó có điều kiện tổ chức học tập tích cực.

Về phía người học, có thể thấy đa số sinh viên trẻ hiện nay ít quan tâm đến các môn khoa học xã hội, ít hiểu biết thực tiễn cuộc sống xã hội, thiếu hụt kiến thức về lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng. Từ đó, nhiều sinh viên hiểu biết “lơ mơ” về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội đất nước. Họ lĩnh hội kiến thức thụ động, cảm thấy khô khan và khó hiểu những vấn đề lý luận chính trị.

Từng có kinh nghiệm giảng dạy các lớp lý luận chính trị với nhiều đối tượng người học khác nhau, Thiếu tá - Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm, Giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Đại học An ninh nhân dân chia sẻ sự đồng cảm với người học, Tiến sĩ Lâm lý giải: “Cứ mỗi lần nghe học lý luận chính trị là sinh viên có tư tưởng: chán, ngán, sợ, khó nuốt. Có một nhược điểm nữa là do các chương trình đào tạo về lý luận chính trị thường xếp lịch học vào đầu khóa, nhằm trang bị thế giới quan và phương pháp luận cho sinh viên. Nhưng có hạn chế, đó là sinh viên là người mới vừa bước từ ngưỡng trung học phổ thông, vẫn còn lạ lẫm khi tiếp cận những môn học đó, vì bản thân các môn này trừu tượng, khó hiểu. Cho nên, mình muốn nhấn mạnh rằng, quan trọng nhất là chất lượng bài giảng, là trình độ giáo viên, là kỹ năng người truyền đạt”.

Theo Tiến sĩ Bùi Chí Kiên, giảng viên bộ môn Lý luận chính trị, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, môn học nào cũng là khoa học cho nên tất cả các chương, các bài phải gắn kết, logic với nhau thành một trật tự chặt chẽ, khoa học. Vì vậy, người giảng viên phải biết cách khái quát nội dung cho người học nắm bắt, nếu không thì người học rất khó theo kịp: “Giảng viên phải khái quát, ví dụ môn Đường lối của Đảng, suy cho cùng có hai phần: đường lối của Đảng lãnh đạo nhân dân ta đấu tranh giành chính quyền để xóa bỏ nỗi nhục mất nước lầm than nô lệ. Từ ý chính này tỏa ra rất nhiều nội dung như: sự ra đời của Đảng như thế nào, cương lĩnh chính trị đầu tiên, đường lối của Đảng được truyền bá vào quần chúng nhân dân ra sao…. Nếu dạy theo kiểu truyền thống, mình có thể trình bày nhiều nội dung. Còn bây giờ, mình chỉ cung cấp các nội dung chính, sinh viên về nghiên cứu trên mạng, nghiên cứu giáo trình….nên người dạy phải khái quát nội dung”.

Nhận thức được thực trạng này, trong năm học 2019- 2020, việc đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy theo phương châm “Lý luận gắn liền với thực tiễn” được nhiều trường đại học chú trọng. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thoa, Trưởng khoa Chính trị - Luật Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, đội ngũ giảng viên của trường đa số là giảng viên trẻ, năng động, nhiệt tình trong công tác, có kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy tốt. Trường tạo điều kiện cử giảng viên giảng dạy các môn Lý luận Chính trị đi học nhằm nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, trang bị kiến thức chuyên sâu về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các môn Lý luận Chính trị thường được sinh viên cho rằng đó là các môn học khô khan, giảng viên chỉ truyền đạt đủ nội dung tinh thần của giáo trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các phương pháp giảng dạy chưa hấp dẫn, thu hút sinh viên. Năm học 2019- 2020 nhà trường đã phân bổ môn học giảng dạy lý thuyết gắn liền với tham quan thực tế, dành thời lượng 6 tiết được áp dụng ở một số môn học: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh để sinh viên đi thăm quan thực tế …với mục đích nhằm nâng cao sự hiểu biết về lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, về văn hóa, đạo đức và xây dựng con người mới, Tiến sĩ Thoa cho biết: “Từ đó, giúp cho sinh viên hiểu được những giá trị khoa học, cách mạng, nhân văn trong cuộc đời, sự nghiệp tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như tạo điều kiện cho sinh viên trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM hiểu rõ hơn về truyền thống đấu tranh hy sinh gian khổ của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, để bổ sung thêm nguồn tư liệu thực tiễn, giúp cho việc giảng dạy và học tập môn học Lý luận Chính trị ngày càng đạt hiệu quả cao hơn. Đây là điểm mới trong công tác giảng dạy các môn Lý luận Chính trị ở trường này”

Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030, đã nhấn mạnh đến phương châm “Gắn lý luận với thực tiễn, cập nhật kiến thức mới, khắc phục sự trùng lắp, khép kín, thiếu liên thông giữa các chương trình, các cấp học, bậc học”. Chính vì vậy, để mỗi bài giảng lý luận chính trị đi vào lòng người, nó phải gắn với từng vấn đề thực tiễn cụ thể đang diễn ra hàng ngày. Sách vở, giáo trình phải gắn với cuộc sống sinh động, làm nền tảng kiến thức, cơ sở lý luận để giải các bài toán thời sự nóng bỏng.

Thùy Linh

VOH

Bình luận

Đọc Báo