Độc đáo văn hóa ẩm thực Việt ngày Tết (Kỳ 1) - Thời sự 5g30 14/2/2020

(VOH) - Tiếp tục chủ đề, mời quý vị nghe kỳ 2 tọa đàm các vị khách mời sẽ thông tin đến quý vị ý nghĩa của mâm cúng ngày Tết và việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc

Trong Chương trình Thời sự hôm qua, chúng tôi đã chuyển đến quý vị kỳ 1 Tọa đàm “Độc đáo văn hóa ẩm thực Việt ngày Tết” trong loạt bài “Ẩm thực ngày Tết – Đặc sắc hồn quê”. Qua nội dung trao đổi của các khách mời là ông Chiêm Thành Long – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển ẩm thực Việt Nam; Ông Trần Hùng Việt - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM và Thạc sĩ Trần Đăng Kim Trang – giảng viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TPHCM – chúng ta đã cùng tìm hiểu về nét đặc sắc của ẩm thực Tết Việt. Tiếp tục chủ đề này, mời quý vị nghe kỳ 2 tọa đàm các vị khách mời sẽ thông tin đến quý vị ý nghĩa của mâm cúng ngày Tết và việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc:

*VOH: Nhắc đến Tết ai cũng cảm nhận được sự linh thiêng của giây phút giao thừa, và theo phong tục truyền thống người người nhà nhà đều bày mâm cúng để tiễn đưa năm cũ và đón năm mới. Điều đặc biệt mà Ngọc Bích thấy và chắc quý thính giả cũng nhận thấy là luôn có hình ảnh con gà trên mâm cúng, điều này có ý nghĩa gì, mời ý kiến của thạc sĩ Trần Đăng Kim Trang?

Thạc sĩ Trần Đăng Kim Trang: Giờ phút cúng giao thừa là giờ phút chúng ta tống cựu, nghinh tân, ông hành khiển. Chúng ta có 12 con giáp, mỗi con giáp có một ông hành khiển. Cho nên chúng ta có một hệ thống thập nhị hành khiển, cho nên bàn cúng giao thừa, người Việt Nam chúng ta thường đặt ở bên ngoài trời để lấy tinh túy của đất trời, để mà mang những tinh túy đó vào gia đình mình và cúng bên ngoài trời như vậy là cũng để chúng ta tiễn người năm cũ đi và đón người năm mới tới. Trên bàn cúng sở dĩ có con gà, bởi vì gà âm Hán Việt là kê, chữ kê thì đồng âm với chữ cát, trong sự cát tường,cho nên gà được xem là biểu tượng của sự đại cát. Con gà cúng mà được đặt trên mâm giao thừa thì phải là con gà trống hoa có đặc điểm, đó là gà này chị mới tập gáy le te, không khuyết tật và quan trọng nhất là chưa đạp máy. Không những là người ta thích gà ở chỗ vì cái âm của nó mang cho người ta thông điệp đó là sự may mắn, mà người ta còn thích gà ở chỗ gà còn là biểu tượng của năm tố chất mà con người chúng ta luôn hướng tới chúng ta. Có thể thấy trên đầu con gà có màu đỏ đó chính là mủ của quan văn. bước đi của gà rất hiên ngang, có đôi cựa rất là sắc bén đó là tượng trưng cho võ. Con gà khi tìm được một miếng mồi ngon đều kêu bầy đàn đến chia sẻ đó là nhân và khả năng chiến đấu chống chọi của gà đó là khía cạnh dũng và cuối cùng đó là tiếng gà gáy không bao giờ sai lệch đó là tín. Như vậy là văn, võ, nhân, dung, tín đều tích hợp ở gà. Người ta đặt gà là để cầu mong gà gáy, mặt trời ấm áp soi sáng sẽ chiếu tới ngôi nhà của người ta một cách ấm cúng trong một năm sáng sủa. Và sở dĩ người ta đặt gà trên một năm, mà phải là mâm xôi gấc, bởi vì màu đó như là mặt trời như vậy mà gà đặt mâm trên xôi gấc đỏ, ý nghĩa là gà kêu mặt trời soi sáng và mang tất cả những điều tốt đẹp nhất đến với gia đình của mình trong một năm mới. Chúng ta sẽ chuẩn bị hai con gà trống hoa cúng trong gia đình của mình, một con sẽ đặt trên bàn cúng giao thừa, thì đầu con gà cúng đặt trên bàn cúng giao thừa phải quay ra ngoài đường, ngoài ngõ, để tiếp nhận những điều may mắn nhất vào gia đình mình. Sáng mùng 1 mình lại luộc một con gà trống hoa thứ 2 để trên bàn cúng gia tiên, nhưng mà lúc này đầu của con gà cúng đặt trên bàn cúng gia tiên phải đặt hướng vào bát nhang để mong tổ tiên trên cao phò trợ và phù hộ cho con cháu trong nhà một năm đại cát, đại lợi, bình an và may mắn.

*VOH: Thế còn quan niệm về mâm ngũ quả như thế nào, bởi vì tôi thấy dường như văn hóa truyền thống của 3 miền có sự khác nhau khi chúng ta cúng mâm ngũ quả vào ngày tết?

Thạc sĩ Trần Đăng Kim Trang: Rõ ràng mỗi vùng miền ngũ quả cũng khác nhau, nhưng tại sao chúng ta không chọn một số khác, mà lại chọn số năm để tạo thành ngũ quả. Là bởi vì để tạo nên vũ trụ này chỉ có năm hành, đó là kim mộc thủy hỏa thổ và từ năm hành đó sẽ sinh ra tất cả. Và thứ 2 người ta bảo cuộc đời của con người nhân sinh này chỉ cần có năm phúc, người ta gọi là ngũ phúc. Vì vậy trước cửa của những gia đình người Hoa, mà người Việt chúng ta cũng đã ảnh hưởng từ từ, đó là thường treo cái bảng có 4 chữ Hán, đi từ trái qua phải theo đó là Ngũ Phúc Lâm Môn. Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh, đó là năm điều mình mong cầu nhất. Vì vậy ngũ hành sinh ra vũ trụ và ngũ phúc là các mong cầu của cuộc đời con người, người ta đã đúc kết lại năm loại trái cây mà người ta tuyển chọn là năm loại trái cây mà người ta tuyển chọn để đặt lên bàn thờ cúng gia tiên trong những ngày Tết đó là ngũ quả.

Ở miền Bắc những loại quả đó thường là sẽ có nhiều hạt, nhiều múi, nhiều tép, tức là sự sinh sôi, nảy nở mà trong tín ngưỡng Việt Nam đó là sự phồn thực, chẳng hạn như một nải chuối xanh bên dưới như một bàn tay đang ngữa lên nâng niu che chở. Một quả bưởi tròn trịa nhiều múi, nhiều hạt bên trong tượng trưng cho 1 cái sự trọn vẹn trong một năm. Trong mâm ngũ quả của miền Bắc sẽ bắt gặp đó là phật thủ, sẽ che chở và bảo vệ cho gia đình xuyên suốt cả một năm. Còn hai loại còn lại tùy theo loại người miền Bắc lựa chọn như có thể là lựu, táo, đào … Nhưng mà khi về miền Nam, người miền nam lại thích hiện tượng đồng âm, chính vì hiện tượng này mà mâm ngũ quả của người miền Nam tránh cam, tránh chuối, như ông Chiêm Thành Long vừa nói.

Ở miền Nam lại thích cầu sung dừa đủ xoài, nên đặt năm loại quả đó trên mâm ngũ quả, đó là biểu tượng may mắn. Trong ngày Tết trên bàn cúng, trên bàn ăn dọn trên bàn ngày Tết thì cũng hay xuất hiện quýt, thì trong âm Hán Việt đồng âm với chữ Cát Tường cũng có nghĩa là may mắn hoặc là hình ảnh quý vị cũng dễ thấy ở miền Nam này đó chính là múa lân ngày Tết. Gia chủ sẽ treo tiền thưởng bằng cách là bỏ tiền thưởng vào trong một miếng vải đỏ và treo cùng với bắp cải hoặc một chút rau xanh cũng có ý nghĩa may mắn của đầu năm. Cải bẹ xanh trong tiếng Hán Việt của mình có nghĩa là trường niên rau, bắp cải trong âm Hán Việt là Bách tài, tức là muôn vàn tài lộc sẽ được gói trong túi càn khôn đó và nở ra từng lớp lá non bên trong và cuộn cuộn chạy mãi trong gia đình xuyên suốt từ năm này, xuyên suốt đến những năm khác.

*VOH: Cảm ơn thạc sĩ Trần Đăng Kim Trang với những kiến thứ rất bổ ích. Thưa quý vị thính giả! Chương trình cũng muốn trao đổi với các vị khách mời đó là chúng ta gìn giữ những nét đẹp, giá trị truyền thống món ăn ngày Tết nói riêng và trong nền ẩm thực truyền thống Việt Nam nói chung? Đặc biệt gởi đến các bạn trẻ hiện nay khiđã tiếp cận khá nhiều công nghệ, đôi khi bỏ quên những giá trị truyền thống. Xin mời ông Chiêm Thành Long chia sẻ của mình và có hiến kế gì không để giữ gìn nét văn hóa truyền thống này:

Ông Chiêm Thành Long: Ngành ẩm thực Việt Nam chúng ta rất phong phú, đa dạng, và mang sắc thái của mỗi vùng miền có sự đặc trưng riêng. Chúng ta muốn bảo tồn được ẩm thực này thì chúng ta phải ghi nhận lại có nghĩa là gìn giữ lại truyền thống của nó trước đã, phải ghi nhận lại vài những nét đặc trưng của vùng miền. Thì từ đó chúng ta mới giữ gìn được và giống như là chúng ta có một thư viện và có bản gốc rồi, thì sau này lỡ ai đi quá đà cũng quay về bản gốc đó, để mà truy tìm lại hoặc mở lên thư viện để xem lại món đó là như vậy. Chúng ta đã bảo tồn thì phải phát triển, phải chấp nhận, giao thoa cùng với hiện tại bây giờ, nhưng không bỏ cái gốc. Chúng ta phải để cho các thế hệ chúng ta thế hệ kế tiếp, nối tiếp để các bạn này có tinh thần dân tộc và coi như đó là nhiệm vụ, sứ mệnh của họ.

*VOH: Ông Trần Hùng Việt có những hiến kế gì?

Ông Trần Hùng Việt: Truyền thống gia đình của người Việt Nam khi mà nói đến những ngày tết cổ truyền thì hầu như gia đình nào cũng có 1 cái gìn giữ, trong gia đình thường thường nếu con em chúng mình có vui vẻ đi đâu, dự lễ hội hay gì thì cũng hay có bữa cơm về ẩm thực gia đình, để cho các em, các cháu sau này vẫn thấy tự hào về món ăn của Việt Nam mình. Mà dù là ở trong hay đi nước ngoài thì vẫn luôn luôn là mua những cuốn sách món ăn Việt Nam đem theo, để tự chế biến. Mà nhiều điều bất ngờ lắm là các em, các cháu nấu thức ăn Việt Nam rất giỏi thì tôi cho rằng đó là khuyến khích, đây là một cách để giáo dục và giữ gìn truyền thống văn hóa của ông bà để lại và nhất là tự hào về những món ăn của Việt Nam mình.

*VOH: Xin cám ơn ông Trần Hùng Việt và xin mời ý kiến từ Thạc sĩ Trần Đăng Kim Trang:

Thạc sĩ Trần Đăng Kim Trang: Đối với công việc giảng dạy và đồng thời là xây dựng đội ngũ để làm hướng dẫn viên, cho nên mình rất là quan tâm đến vấn đề bảo vệ bản sắc, giữ gìn bản sắc dân tộc và đối với những em làm hướng dẫn viên thì các em sẽ là những người đồng hành, những người đầu tàu để giúp cho khách du lịch tìm hiểu khám phá và trải nghiệm những ngày trên đất nước Việt Nam mình, đến với những món ăn ở các vùng miền và đặc biệt là nhất là “Tây ăn Tết ta” cực kỳ hay. Như vậy là mình ra quảng bá được những món ăn truyền thống của Việt Nam ngày tết đến với không chỉ những người Việt Nam xa xứ, mà còn đối với những khách nước ngoài khi đến với mảnh đất linh hồn đất Việt qua những món ăn. Rất là mong làm sao những ẩm thực của người Việt Nam, trong đó có ẩm thực Tết lúc nào cũng được duy trì, lúc nào cũng được bảo vệ và bảo vệ từ những đứa bé là thế hệ chủ tương lai của đất nước sau này.

*VOH: Ngọc Bích xin trân trọng cám ơn các vị khách mời

Ngọc Bích – Minh Phước – Minh Hiệp.

Bình luận

Đọc Báo