Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu rau quả của Việt Nam - Thời sự 17g00 15/9/2021

(VOH) - Từ tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đã liên tục giảm, trung bình mỗi tháng giảm 15% so với tháng trước đó.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 8 tháng năm 2021 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 2,5 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 1,45 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 58% thị phần. Đáng chú ý, từ tháng 5/2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đã liên tục giảm, trung bình mỗi tháng giảm 15% so với tháng trước đó.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân xuất khẩu trái cây giảm là do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-9, buộc chúng ta phải áp dụng các biện pháp phòng chống mạnh mẽ nhất, đã tác động khiến xuất khẩu rau quả giảm mạnh trong 3 tháng gần đây. Chuỗi cung ứng tại các vùng nguyên liệu bị đứt gãy do thiếu lao động hoặc người lao động không thể làm việc, nên nhiều doanh nghiệp xuất khẩu rau quả không tiếp cận được nguồn hàng. Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vina T&T Group cho biết, mặc dù nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch nhưng hàng loạt các nhà máy đang phải giảm công suất hoạt động do thiếu hụt nhân lực.

Cùng với đó, việc áp dụng “3 tại chỗ” làm phát sinh chi phí về chỗ ăn, ở, chi phí test Covid-19 cho người lao động cũng như chi phí cho công tác phòng chống dịch. Riêng đội lái xe chuyên trở trái cây cũng đã “ngốn” chi phí lớn về test Covid-19, chi phí xe nằm lại. Với các nhà máy của Vina T&T mức chi phí phát sinh ước tính khoảng 20%. Nhưng cũng không phải lao động nào cũng ở lại nhà máy để sản xuất “3 tại chỗ”, phần vì hoàn cảnh gia đình, phần vì sợ dịch bệnh trong nhà máy nếu có sẽ lây lan... “Hiện doanh nghiệp của tôi vẫn thực hiện 3 tại chỗ, công nhân giảm còn 1/3. Tuy vẫn hoạt động bằng khoảng 40% so với bình thường nhưng vẫn xuất khẩu, cung cấp hàng cho đối tác được. Hiện tôi đang hoạt động có khoảng 40 công nhân, tùy cao điểm 1 nhà máy có 200-300 người, mà mỗi nhà máy vùng nguyên liệu như vậy công nhân cũng khá lớn mình không đáp ứng được hết. Mùa dịch này duy trì được như vậy là cũng tốt lắm rồi”.

Ông Tùng cho hay, doanh nghiệp ông vẫn cố gắng duy trì xuất khẩu trái cây vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Canada, Hàn Quốc… Tuy nhiên, nếu công suất các nhà máy tiếp tục giảm, hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trái cây lại không được ưu tiên đặt chỗ trong khi công nghệ bảo quản của chúng ta còn chưa tốt, thì sẽ có khả năng mất thị trường vào tay Thái Lan – đất nước có các mặt hàng trái cây nhiệt đới tương tự Việt Nam. Cùng với đó, khi nguồn cung khan hiếm, một số bang như Florida hay Mexico của Mỹ có thể sẽ tính tới việc chuyển đổi cây trồng để đáp ứng chính nhu cầu thị trường của họ.

Nhìn nhận về những giá trị trái cây, nông sản của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc, nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More đánh giá: “Cho đến thời điểm này, các sản phẩm của Việt Nam đã cải tiến về chất lượng, mẫu mã rất tốt, nhưng quan trọng các bạn có biết cách là hay không, truyền thông trên mạng xã hội đang rất thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Thời gian dịch, các nhà vườn, doanh nghiệp cũng đã tận dụng thương mại điện tử để đưa sản phẩm đến các thị trường xuất khẩu rất thuận lợi. Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc công ty ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại cho hay: “Thị trường Trung Quốc, chúng ta xuất khẩu trái cây vào thị trường này rất lớn, thông thường là trên 70%. Dịch bệnh vừa rồi, hoạt động xuất khẩu hai chiều bị ảnh hưởng rất nhiều. Phía Cục xúc tiến thương mại của chúng tôi có đồng hảnh với một số tỉnh thành có hoạt động mùa vụ và liên quan đến xúc tiến xuất khẩu, từ vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên, Xoài tròn Yên Châu, mận Sơn La… Các hính thức xuất khẩu vừa rồi thông qua môi trường số mang lại hiệu quả”.

Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nông sản đang đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đàm phán tìm lý do tháo gỡ những loại trái cây đang bị cấm xuất khẩu, ví dụ như thanh long vào thị trường Trung Quốc. Đồng thời mở rộng ra nhiều thị trường và nhiều loại trái cây xuất khẩu chính ngạch hơn con số 7 loại tại Mỹ và 9 loại ở Trung Quốc như hiện nay. Trong đó tăng cường tận dụng các FTA đã ký kết. Đề xuất Bộ Công Thương tăng cường kết nối thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp kết nối xúc tiến trực tuyến.

Lệ Loan 

VOH

Bình luận

Đọc Báo