Dấu ấn mở đường và kỳ vọng diện mạo giao thông cho Thành phố - Thời sự 5h30 - 15/2/2018

(VOH) - Cùng với mỗi bước phát triển của thành phố, ngành giao thông vận tải đã có nhiều đóng góp quan trọng.

Hệ thống hạ tầng giao thông TPHCM ngày càng được mở rộng, xây mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao thông không chỉ của Thành phố mà còn cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong quá trình phát triển và hội nhập. Trong năm qua, hàng loạt những công trình giao thông trọng điểm đã được TPHCM đầu tư, trong đó, có việc hoàn thiện nhiều công trình cấp thiết nhằm giải quyết các điểm nóng về ùn tắc giao thông. Những dấu ấn này không chỉ khắc phục nhiều vấn đề còn hạn chế mà còn tạo nên một diện mạo mới cho một thành phố sôi động và năng động.

Cầu vượt hình chữ Y trước sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Vnexpress

Có đến hơn 80 công trình hạ tầng giao thông được thực hiện tại TPHCM trong năm qua, trong đó có rất nhiều công trình trọng điểm. Điểm nổi bật có thể nhắc đến là những công trình giúp kéo giảm tình trạng kẹt xe ở khu vực có mật độ giao thông cao, nhất là hai cầu vượt ở điểm ùn tắc đường ra vào sân bay Tân Sơn Nhất, được Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố thực hiện theo lệnh khẩn cấp. Đây được đánh giá là một trong 10 sự kiện nổi bật của Thành phố trong năm. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, cho biết: "2017 có những điểm sáng, đặc biệt là kéo giảm ùn tắc giao thông ở khu vực sân bay. Tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ kiểm soát tốt ùn tắc khu vực này, vì chúng ta đã có các công trình, đồng thời cơ chế phối hợp tổ công tác chống ùn tắc cũng đi vào vận hành".

Anh Phan Duy Phong, một tài xế taxi thường xuyên chở khách vào sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, trước đây, mỗi lần qua khu vực này là ám ảnh kẹt xe, tắc đường kinh hoàng, thậm chí có lúc không muốn nhận khách. Sau khi TP thông xe cầu vượt Trường Sơn hồi tháng 7/2017, cửa ngõ vào sân bay mới thông thoáng. Cầu vượt có tổng mức đầu tư hơn 240 tỷ đồng được các nhà thầu tổ chức thi công xuyên Tết Đinh Dậu, hoàn thành chỉ sau 5 tháng thi công, vượt tiến độ 2 tháng. Cùng  đó, cầu vượt tại nút giao Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn cũng đã kịp đưa vào sử dụng, giải tỏa ùn tắc tại nút giao trọng điểm này. Nhánh cầu thép Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Oanh tại ngã sáu Gò Vấp cũng đã được hoàn thành cuối tháng 10/2017, góp phần giảm đến 80% ùn tắc. Nhiều người dân phấn khởi khi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt tình hình giao thông nơi đây: "Thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe trước đây, giờ theo tôi quan sát thì cầu được thông xe tình trạng đã hạn chế bớt. Thường bữa chưa làm xong cây cầu thì tất cả các xe phải quẹo đường vô quốc tế để vô ga quốc nội. Có cầu thì người ta chạy thẳng lên cầu, xe máy không còn chen chúc nữa. Lúc trước kẹt xe nhiều thì người ta ngại mua hàng, giờ thông thoáng thì dễ mua bán hơn. Nói chung là tốt".

Trên tuyến giao thông huyến mạch đại lộ Võ Văn Kiệt nối các huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, Q.6 về trung tâm thành phố, 4 nhánh của hai cầu vượt Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Văn Cừ cũng đã được hoàn thành vượt tiến độ mấy tháng so với kế hoạch. Việc thông xe 4 nhánh cầu này giúp các phương tiện từ phía Tây lưu thông qua các quận 8, 4, 7 một cách thuận lợi, đồng thời, cũng giúp phương tiện từ quận 7, 8 hướng về quận 1 nhanh chóng. Ở hướng từ Đông sang Tây trên tuyến Quốc lộ, cầu vượt Gò Mây đã được thông xe từ tháng 5/2017, sớm hơn dự kiến 3 tháng. Những công trình giao thông trọng điểm này, cùng tinh thần thi công vượt tiến độ đã góp phần tạo nên sự thông thoáng, tiện lợi hơn cho việc đi lại của người dân, đồng thời tạo nên diện mạo mới cho giao thông TP.

Cùng với những giải pháp công trình, TPHCM cũng hướng đến xây dựng các giải pháp phi công trình như cổng thông tin giao thông thành phố, giao thông thông minh kết nối đèn tín hiệu tự điều khiển, phần mềm My Parking, tính toán hệ thống thẻ xe buýt dùng chung cho tất cả các phương tiện công cộng. Đây là những hợp phần của hệ thống giao thông thông minh trong một đô thị thông minh, đề án đã chính thức được thành phố triển khai năm 2017. Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, cho hay: "Hệ thống giao thông thông minh mà chúng ta đang xây dựng, từ nay đến 2020 chúng ta xây dựng hoàn thiện hệ thống điều hành giao thông thông minh. Mà việc ứng dụng giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình đột phá của Thành phố. Không tốn nhiều chi phí, không mất nhiều thời gian, mà bằng công nghệ, thực hiện những giải pháp phi công trình để giải quyết ùn tắc, tai nạn. Cũng là kênh tương tác giữa người dân với chính quyền, với ngành về tình hình giao thông".

Không chỉ là dấu ấn phát triển giao thông đường bộ, người dân TP.HCM giờ đây có thể đi làm bằng phương tiện đường thủy khi tuyến buýt sông số 1 Bạch Đằng - Linh Trung được khai trương cuối tháng 11/2017. Mặc dù còn hạn chế trong việc kết nối, tuy nhiên loại hình vận tải mới này đã thu hút sự quan tâm của người dân muốn đi tham quan, trải nghiệm. Tuyến tàu cao tốc từ Bạch Đằng - Cần Giờ - Vũng Tàu cũng được khai trương. Việc tuyến buýt sông đưa vào khai thác đầu tiên không chỉ có ý nghĩa về giao thông mà sẽ giúp TP định hình lại quy hoạch kiến trúc cảnh quan hai bên sông Sài Gòn và các nhánh sông khác, từ đó khai thác tốt tiềm năng đường thủy với gần 1.000km hệ thống sông, kênh rạch. Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, nhấn mạnh: "Giao thông đường thủy là một chủ trương lớn của TP đã được quan tâm thực hiện nhiều năm qua. Đến nay ngoài hoạt động du lịch đường thủy đã phát triển, lần đầu tiên có hệ thống buýt thủy được đầu tư và đi vào hoạt động. Chúng tôi rất hoan nghênh và chắc chắn sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư hệ thống giao thông công cộng đường thủy, không chỉ buýt thủy mà có thể cả taxi thủy. Hy vọng giao thông thủy sẽ ngày càng phát triển với sự tham gia ngày càng đông của người dân TP".

Theo đánh giá của các chuyên gia, dù thành phố có nhiều nỗ lực, song hiện cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố chưa phát triển kịp so quá trình đô thị hóa dẫn đến áp lực rất lớn, nhất là các khu vực có cao ốc, khu đô thị với mật độ dân số cao. Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP cho biết, ngành giao thông TP đang nỗ lực để từng bước hoàn chỉnh hệ thống giao thông hiện đại, kết nối cả đường bộ, đường sắt, đường thủy nhằm giảm thiểu ùn tắc, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Trong năm 2018, TP sẽ tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, dự kiến sẽ có 6 dự án lớn sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác. Trước hết, dự án cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng vào dịp lễ 30/4 năm nay, sau 38 tháng thi công. Tiếp đó là dự án 4 tuyến đường quanh khu đô thị Thủ Thiêm, với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, cũng sẽ hoàn thành toàn bộ vào thời điểm 30/4/2018. Song song đó, các dự án lớn khác thi công liên tục để kịp tiến độ đưa vào sử dụng từ giữa năm nay. Ông Bùi Xuân Cường, cho biết: "Một số công trình sẽ tiếp tục thi công xuyên Tết, không nghỉ, để đẩy nhanh tiến độ, giữ được mạch thi công để sớm đưa vào sử dụng. Tinh thần đó, đầu tư hạ tầng trên cơ sở từ Nghị quyết 54 của Quốc hội, chắc chắn sẽ có thêm nguồn lực cho ngành giao thông. Thách thức thì chắc chắn có, nhưng cũng là cơ hội, có thêm nguồn cảm hứng, có đà để tiếp tục trong 2018".

Nhờ sự tác động từ Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM, những điểm nghẽn giao thông của thành phố được kỳ vọng sẽ được tháo gỡ trong tương lai gần. Người dân chờ đợi, việc đầu tư nhiều dự án giao thông ngàn tỷ trong năm nay sớm đưa vào hoạt động, phục vụ cho người dân đi lại thuận tiện, giải tỏa được những bức xúc về ùn tắc. Những công trình đó, phát huy tốt vai trò mở đường phát triển, góp phần thay đổi tích cực diện mạo của thành phố - hướng đến xây dựng đô thị có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

 

Hoàng Lĩnh

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo