Đạo diễn Lê Nguyên Đạt: Khát khao, cháy bỏng với nghề - Thời sự 17g00 09/08/2019

(VOH) - Đạo diễn Lê Nguyên Đạt được giới sân khấu chú ý từ vở diễn “Bến nước ngũ bồ” năm 2009 với nhiều huy chương vàng, bạc cho cá nhân và cả vở.

Sau hơn 20 năm làm nghề, trong đó có 10 năm chính thức dấn thân vào vai trò đạo diễn đã mang về cho sự nghiệp của mình nhiều điểm son ấn tượng để khi nhắc đến, khán giả sẽ nhớ và thiện cảm với 1 đạo diễn giỏi, hiền lành và luôn cháy bỏng với nghề.

Trong những ngày này, khi liên hoan sân khấu thể nghiệm quốc tế chuẩn bị khởi tranh, Đạo diễn Lê Nguyên Đạt lại bắt đầu ăn ngủ trên sàn tập. Cứ mỗi một tác phẩm mới sắp ra đời, lại cho anh thêm chuỗi ngày vui, thêm một chút niềm tin cho con đường có quá nhiều chông gai vì làm đạo diễn cải lương đâu có dễ. Hơn 20 năm theo nghề, nhưng là đủ mọi nghề, từ diễn viên, biên đạo múa, biên kịch, giảng dạy và bây giờ là đạo diễn sân khấu được nhiều người biết đến.  

Một cuộc dạo chơi, hay dấn thân cho biết chăng? nhiều người đã từng nghĩ như vậy về thành công đầu tay của anh, nhưng những câu chuyện làm nghề sau đó đã khẳng định anh không hề đến với cải lương như một chuyến “dã ngoại” mà làm bằng tất cả đam mê, nhiệt huyết. Sau 10 năm chính thức bước chân vào làng đạo diễn, Lê Nguyên Đạt đã ghi dấu trong lòng công chúng qua nhiều vở diễn hay như: vở thể nghiệm Cơn hồng Thủy, Cõi thiêng (Huy chương bạc liên hoan sân khấu toàn quốc 2015), Tổ quốc nơi cuối con đường (Huy chương vàng liên hoan toàn quốc 2018), Người đồng bằng (Huy chương bạc liên hoan toàn quốc 2018) và nhiều vở diễn khác.

Anh còn được biết là một người dàn dựng mát tay góp phần làm nên nhiều huy chương vàng tại các cuộc thi tài năng trẻ, Trần Hữu Trang cho các diễn viên trẻ. Đặc biệt là những sáng tạo phá cách trong các vở thể nghiệm, thể loại khá kén khán giả vì yếu tố triết lí cao và không gian dàn dựng chủ yếu mang tính ước lệ.

Để có được những thành công như hôm nay, đó là một hành trình dài và không ít lần thất bại. Nhưng chính những điều đó đã làm cho đôi tay tài hoa ấy càng trở nên sắc sảo hơn, mỗi tác phẩm anh làm ra có sức nặng và gợi thương, gợi nhớ trong lòng công chúng hơn. Yêu nghề, khó tính và luôn chắt chiu trong chọn đề tài, Đạo diễn Lê Nguyên Đạt không chấp nhận những kịch bản chấp vá hời hợt, phần lớn các kịch bản được chọn đều là những tác phẩ hay được viết hoặc chuyển thể từ những nhà biên kịch có tiếng như: Hoàng Song Việt, Võ Tử Uyên, Lê Thu Hạnh, Đăng Minh… Vì đích đến cuối cùng là mang đến cho khán giả những tác phẩm đáng xem. Đạo diễn không khó tìm, nhưng tìm được những đạo diễn ở lĩnh vực cải lương có nghề và kỹ tính với nghề lại là một điều không dễ, nhìn lại những chuỗi ngày thăng trầm trong sự nghiệp, Đạo diễn Lê Nguyên Đạt mong mỏi: “Tôi hy vọng mình sẽ tìm được những cùng chí hướng để chúng ta làm những câu chuyện lớn hơn của sân khấu. Tôi cũng mong các cấp quản lý quan tâm nhiều hơn để chúng ta cùng giữ gìn bản sắc, mỗi người hy sinh một chút để làm tốt hơn. Chúng tôi là nghệ sĩ, như những con Tằm, nên tất nhiên sẽ cố gắng như tơ, không vương tơ thì cũng nằm trong tơ cho đến khi nào hết tơ thì thôi”

Hiện là Trưởng khoa cải lương Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, ngoài công tác quản lý, anh vẫn đứng lớp giảng dạy: sự thanh xuân, năng động, ham học hỏi của các em sinh viên là một phần xúc tác quan trọng đã giúp anh biến tấu, thăng hoa trong nhiều tác phẩm. Tận tụy lắng nghe, quan tâm và tìm nhiều cơ hội để các em được phát huy tài năng của mình, nhiều thế hệ sinh viên dưới sự dìu dắt của anh đã có được những thành thích nhất định trong sự nghiệp như: Các huy chương vàng Trần Hữu Trang: Thy Trang, Hoàng Quốc Thanh, Lê Hồng Thăm, Lệ Trinh… Trẻ nhất là Lệ Trinh, cô gái vừa tròn 20 tuổi, nghĩ về người thầy của mình, Lệ Trinh xúc động nói: “Với Trinh thầy Đạt là một người thầy đáng kính, yêu nghề và tận tụy vì nghề, luôn làm hết sức mình để phát triển nghề và giúp cho các học trò, nhất là những bạ trẻ như Trinh có thêm điều kiện để làm nghề. Thầy dành nhiều thời gian và cơ hội để tụi Trinh được biểu diễn, được va chạm, để phát triển khả năng. Ngoài ra thầy cũng dạy cho các học trò của mình rất nhiều bài học quý”

Trên sàn tập, anh không ngại thử nghiệm nhiều cái mới, không sợ nghe những lời chê, và không áp đặt diễn viên theo ý mình. Khi diễn viên có những ý tưởng mới, nếu điều đó nâng vai diễn, giúp tác phẩm hấp dẫn thì anh anh hết lòng ủng hộ. Anh cũng không ngại chuyện tốn kém để đầu tư cho tác phẩm, từ thời gian, kinh tế đến nhân lực để mang lại hiệu ứng cao nhất cho bản dựng. Làm cải lương đã khó, làm theo phương thức xã hội hóa lại càng khó hơn vì khó thu hồi vốn để tái đầu tư. Năng động, yêu nghề và luôn tìm mọi cơ hội để tiếp cận công chúng trẻ, anh đã tạo nên những kỷ lục riêng dành cho những vở diễn về đề tài lịch sử và cách mạng trong đó có vở “Tổ quốc nơi cuối con đường”, tác phẩm vinh dự nhận được nhiều giải thưởng như:  Giải Sáng tạo TPHCM lần I, tiếp tục nối dài chuỗi thành tích ấn tượng từ sau chiếc huy chương vàng Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018, giải thưởng quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và giải III Giải thưởng Văn học Nghệ thuật TPHCM 5 năm lần II (2012 – 2017) cho kịch bản gốc… NSUT Mỹ Hằng, một trong những diễn viên đạt huy chương vàng trong vở diễn này và từng cộng tác với đạo diễn Lê Nguyên Đạt trong nhiều dự án bày tỏ: “Anh là người tâm huyết, một đạo diễn rất tôn trọng nghệ sĩ, anh không bắt buộc mọi người phải diễn theo một mẫu nào mà để tụi mình tha hồ tung hoành trên sân khấu. Cái nào là ưu của mình thì ảnh phát triển thêm, còn cái nào bị quá thì anh sẽ tiết chế lại. Anh tạo cho diễn viên cảm giác thoải mái, anh thật sự là một đạo diễn có tài và có tâm”

NSUT Đạo diễn Trần Minh Ngọc, người thầy đã dìu dắt anh trong nhiều năm tại trường sân khấu điện ảnh và cả trong nhiều tác phẩm sau này hãnh diện khi nói về học trò của mình: “Đây là một người có tư duy về đạo diễn, về hành động, có tư duy sáng tạo mạnh mẽ, có được sức bật khá mạnh mẽ trong các sáng tạo của mình. Mỗi một đạo diễn điều có những cái riêng trong sáng tạo về dàn dựng xử lý, tôi cho rằng Nguyên Đạt có thế mạnh về viễ sử dụng những yếu tố hiệu quả về thị giác, những yếu tố nghe nhìn trên sân khấu”

Không ngủ quên trên hào quang và không thôi sáng tạo thêm nhiều tác phẩm hấp dẫn công chúng, lời dặn lòng đã theo anh nhiều năm để luôn làm nghề tử tế. Dù hiện tại sân khấu cải lương đang ở vào giai đoạn trầm lắng, nhiều người chọn ngã rẽ khác vì nhiều lý do, nhưng Đạo diễn Lê Nguyên Đạt vẫn còn ở đây, hết lòng với công việc vì anh tin rằng không chỉ có mình mà đang có nhiều người trong giới sân khấu đang âm thầm từng ngày cống hiến, hy sinh và không thôi lăn xả cho nghệ thuật trăm năm của dân tộc.

Ngọc Thu

VOH

Bình luận

Đọc Báo