Đảng trong trái tim người dân TPHCM (phần 2) – Thời sự 17g00 29/10/2020

(VOH) - Các nghị quyết trong từng nhiệm kỳ đều đặt ra những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hàng loạt công trình phục vụ dân sinh.

Những công trình làm thay đổi diện mạo thành phố

Khi giờ phút hào hùng của ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa điểm thì trọng trách xây dựng và phát triển thành phố là nhiệm vụ vinh quang nhưng cũng không kém phần nặng nề đặt lên Đảng bộ và chính quyền thành phố. Các nghị quyết trong từng nhiệm kỳ đều đặt ra những nhiệm vụ cụ thể để thực hiện hàng loạt công trình phục vụ dân sinh. 

Phải kể đến nỗ lực hồi sinh những dòng kênh chết như: kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Tân Hoá - Lò Gốm. Hàng ngàn căn nhà ổ chuột đã được giải tỏa, xây dựng lại, dòng kênh thì được nạo vét bùn, xử lý nước thải, nơi được gọi là kênh chết cũng đã hồi sinh ngoạn mục, trở thành nơi để du khách ngồi thuyền dạo chơi ngắm cảnh, người dân dạo mát-tập thể dục trên khuôn viên rợp bóng cây xanh của tuyến đường. Ông Nguyễn Văn Cẩn-một người dân chứng kiến sự đổi thay của TPHCM bày tỏ: “Ngày xưa nói về kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè tôi biết quá rồi - con kênh ô nhiễm nhất Sài Gòn. TP mình cải tạo được con kênh đó là người dân rất hoan nghênh-cải thiện được nguồn nước kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, dân rất đồng tình. Bây giờ đã phát triển được 2 con đường Hoàng Sa-Trường Sa, dẹp được ô nhiễm môi trường, người dân hoan nghênh chính quyền TP đã quan tâm vấn đề an sinh xã hội.” 

Là người dân chứng kiến sự “thay da đổi thịt” theo hướng văn minh hiện đại của TPHCM, bà Nguyễn Ngọc Mai, ngụ ở quận 7 mong mỏi mỗi người dân thành phố hãy chung tay xây dựng thành phố xanh-sạch-đẹp. “Sáng dậy mỗi người trước nhà ai là quét một đoạn, chỗ nào không quét mình lại mình quét hốt bỏ thùng rác sạch từ đây xuống lộ giới. Quán ăn mới quẹo cua vô là có chú Lâm quét một đoạn thật dài, còn dưới đây cô quét, cái đoạn giữa quán bán ăn sáng người ta quét, mình phải gom bỏ vô thùng mỗi ngày có xe rác tới gom.” 

Bên cạnh sự hồi sinh của những dòng kênh thì sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đã thay đổi bộ mặt của thành phố và cuộc sống của người dân. Ông Nguyễn Vinh Ngọc, Bí thư chi bộ khu phố 4, phường 4, quận 4 chia sẻ: nhờ chính sách của Đảng và nhà nước lập lại trật tự khu vực này, xây dựng mới những cây cầu và con đường đã khiến cho bộ mặt đô thị của quận 4 thay đổi nhanh chóng, cuộc sống hiện đại, văn minh hơn thì mọi thứ cũng đã khởi sắc và đi vào nề nếp. Những cây cầu san sát bắc qua đôi bờ như cầu Khánh Hội, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh... đã kết nối quận 4 với trung tâm thành phố thay đổi cả một vùng từng được mệnh danh là “ đất dữ”: “Quận 4 giống như một đô thị, không phải như ngày xưa nhà tranh vách lá, nhà tôn, đường đi ngoằn ngoèo, khó đi. Sau giải phóng, Đảng và chính quyền nhà nước hỗ trợ, chăm lo xây dựng đường, công ăn việc làm, đời sống bà con ổn định tương đối.” 

Diện mạo khu Nam Sài Gòn hiện đại, xanh tươi với khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu chế xuất Tân Thuận... Ông Bùi Ngọc Phương, Bí thư chi bộ khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, quận 7 nhớ lại những ngày đầu thống nhất đất nước lúc đó quận 7, một phần của huyện Nhà Bè xưa vẫn là vùng đầm lầy dân cư thưa thớt. Với sự chăm lo không ngừng của Đảng bộ và chính quyền thành phố đến nay mọi sự đã đổi khác, trong mơ ông Phương cũng khó mà ngờ được vùng đầm lầy năm xưa đã hoàn toàn thay đổi biến thành một khu đô thị Nam Sài Gòn hiện đại đã trở thành niềm tự hào của thành phố, một không gian sống đáng mơ ước của nhiều người và từ đó nâng cao đời sống người dân. Tại khu phố 4 đã không còn hộ nghèo thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm do các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn luôn được hỗ trợ tạo mọi điều kiện thuận lợi đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh không phân biệt là người thường trú hay tạm trú với phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau:

"Tôi xưa ở TPHCM từ ngày giải phóng đến bây giờ, nói chuyện quận 7 xưa là Nhà Bè cũ trời ơi khốn khổ lắm, là một huyện nghèo nhất thành phố, vùng thường xuyên bị triều cường, ngập úng. Sau khi mở cửa, đô thị Phú Mỹ Hưng được hình thành là bước đi đầu tiên của quận 7, đời sống bây giờ ở khu phố tôi không còn hộ nghèo nào thu nhập dưới 21 triệu đồng/năm, thực hiện cho vay bên ngân hàng chính sách, tìm công ăn việc làm tạo nghề nghiệp cho họ, tìm những mạnh thường quân chăm lo những lúc họ khó khăn như học sinh đi học miễn giảm học phí, vừa rồi dịch covid 19 chúng tôi cũng vận động các mạnh thường quân chăm lo cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch covid 19” 

Trong vòng một thập kỷ, từ năm 2010 đến 2020, TPHCM đã có những phát triển vượt bậc trong hạ tầng giao thông và những công trình thay đổi diện mạo của thành phố. Có thể kể đến những tòa nhà trở thành biểu tượng của TP như Bitexco, Landmark, những cây cầu vượt trăm tỷ, đường nội đô 12 làn xe, cao tốc đi Vũng Tàu, đường hầm sông Thủ Thiêm, Bus đường sông… Bên cạnh các tuyến liên kết vùng hiện hữu, như cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đường Vành đai 2, đại lộ Mai Chí Thọ…, thành phố đã hoàn thành đưa vào khai thác toàn bộ dự án 3 tầng nút giao thông An Sương. Đây là công trình quan trọng bậc nhất ở cửa ngõ phía Tây thành phố, kết nối TPHCM với các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và nước bạn Campuchia, tạo sự đột phá để phát triển kinh tế của TPHCM. Gần đây nhất là lễ đón đoàn tàu đầu tiên tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Với sự thành công này, công tác đền bù giải tỏa tuyến Metro số 2 cũng đang gấp rút được thực hiện. Điều đáng nói rằng, nhiều người dân đã rất đồng thuận hiến đất, tháo dỡ cho dự án nhanh chóng được hoàn thành.

"Phát triển giao thông như thành phố thì trong 20 năm gần đây thực sự ước mơ đã thành hiện thực. Đường vành đai phát triển giao thông liên tỉnh rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, tránh các xe lớn đi vào đô thị nguy hiểm mà lại tắc đường. Đường Phạm Văn Đồng thật sự là quá đẹp từ chỗ hang cùng mà giải tỏa được bây giờ đúng nghĩa là đại lộ Phạm Văn Đồng, đẹp lắm tôi đi đường Phạm Văn Đồng tôi thích lắm. Hồi xưa khu đó bị cản trở về kẹt xe muốn đi Bình Dương thì phải đi xuống quốc lộ 13 điểm đen kẹt xe rồi. Bây giờ đường Phạm Văn Đồng từ trục xương đi Gò Vấp, Bình Thạnh, quận 9, Thủ Đức, đi Bình Dương, giải tỏa được nhiều lắm. Những con đường huyết mạch giao thông kinh tế của các vùng miền với nhau nhanh gọn lẹ, hồi xưa nghĩ là nằm mơ thôi giờ đã thành hiện thực." 

Đường cao tốc Long Thành Dầu Giây nếu tính từ đầu quận 2, quận 9 ra Vũng Tàu không tới 100 cây số đi cũng lẹ. TP.HCM mình mở được đường Phạm Văn Đồng rất nhiều người đồng tình, đường đi lẹ làng không còn như ngày xưa nữa, vận chuyển hàng hóa hành khách rất lẹ làng. Tốc độ phát triển xã hội ngày càng đi lên, nhà nước đầu tư metro Bến Thành Suối Tiên như các nước phát triển tàu điện trên cao, tàu điện ngầm để không kẹt xe, xảy ra ùn tắc giao thông, người dân di chuyển rất lẹ, rất đồng tình với chính quyền thành phố quan tâm đến cuộc sống người dân

Trong một buổi tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J.Ritenbrink nhân chuyến thăm và làm việc tại TPHCM trong tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, tháng 2/2020, TPHCM đã ra mắt mô hình trung tâm điều hành y tế thông minh và mô hình thí điểm trung tâm điều hành giáo dục thông minh. “Hiện nay, Thành phố đang tích cực triển khai đề án đô thị thông minh. Vừa qua, qua kết quả đánh giá giai đoạn 1 thực hiện  chúng tôi nhận thấy cũng đạt được những kết quả nhất định trên những cấu phần quan trọng của đề án. Cấu phần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung dữ liệu sinh thái mở cũng đạt những kết quả nhất định, hay là trung tâm dự báo và mô phỏng phát triển kinh tế hay trung tâm điều hành chỉ huy của Thành phố, và sắp tới chúng tôi sẽ ra mắt trung tâm an ninh – an toàn mạng. Bên cạnh những thành tích đạt được trong công cuộc chống Covid – 19 thì về kinh tế Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, do vậy Chính phủ Việt Nam đang tiến hành mọi biện pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn này.” 

Theo đánh giá của ban chấp hành Đảng bộ TPHCM, trong nhiệm kỳ vừa qua với rất nhiều những nỗ lực đó, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Nhiệm kỳ XI đảng bộ TPHCM còn thể hiện nhiều quyết tâm để tạo được lòng tin của nhân dân, xây dựng Đảng bộ TPHCM thật trong sạch vững mạnh, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, giữ vững ổn định chính trị - xã hội; nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á”. 

VOH

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo