Đại dịch! Tim không đập thình thịch! – Thời sự 17g00 3/4/2020

(VOH) - Dịch bệnh là điều không dự tính được, nhưng hiểu đúng, hiểu đủ, để có bản lĩnh chung sống với dịch bệnh là điều mỗi người chúng ta đều có thể chủ động làm được.

Ngày 10/4 tới đây, Anbooks ra mắt cẩm nang “Đại dịch! Tim không đập thình thịch!”. Những thông tin trong cuốn sách này chính là những nội dung mà Bác sĩ Trương Hữu Khanh đang công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chia sẻ trên trang Facebook và YouTube cá nhân về dịch bệnh Covid - 19 được rất nhiều người theo dõi. Bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ rằng cuốn sách này không chỉ cung cấp kiến thức y khoa vững chắc về dịch Covid-19, mà còn giúp mọi người dân Việt Nam hiểu được bản chất của các loại virus truyền nhiễm và những hành vi liên quan đến dịch tễ cộng đồng - là kiến thức hữu ích ngay cả khi dịch bệnh đã đi qua.

Những chia sẻ của bác sĩ hy vọng sẽ giúp mọi người hiểu đúng hơn và có thái độ hợp lý khi chung sống với dịch bệnh và vô vàn những thông tin về dịch bệnh.

Phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn Bác sĩ Trương Hữu Khanh về nội dung quyển sách cùng những thông điệp mà cộng đồng cần biết nhất trong bối cảnh hiện nay.

*VOH: Thưa bác sĩ, bác sĩ chia sẻ đôi điều về quyển sách “Đại dịch! Tim không đập thình thịch” sắp phát hành vào ngày 10/4 này?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đây là quyền sách mà Anbooks tổng kết lại những gì tôi đã viết và nói trên Facebook, trên livestream và Youtube. Tổng hợp lại để viết lại thành quyển sách, trong đó phân bố lại những tình huống cần hiểu biết khi mình muốn tìm hiểu từ A tới Z về dịch bệnh Covid–19 này.

*VOH: Những thông điệp mà bác sĩ muốn gửi gắm chính trong quyển sách này là gì?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thật ra với lượng thông tin rất hỗn độn, nhiều luồng khác nhau khiến người ta có thể bội thực. Quyển sách này viết lại theo thứ tự, tùy mức độ khác nhau nhiều đối tượng đọc được với thông điệp duy nhất là chúng ta nên hợp tác và hiểu cho đúng về bệnh Covid, đừng quá hoảng loạn nhưng cũng không quá lơ là để cùng Chính phủ chống lại dịch bệnh này.

*VOH: Là 1 bác sĩ chuyên ngành  truyền nhiễm với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này, bác sĩ đã nỗ lực rất nhiều trong vấn đề góp phần định hướng, thông tin đúng cho cộng đồng hiệu biết cách phòng chống dịch bệnh Covid–19. Khi đại dịch xảy ra trên thế giới cụ thể tại Việt Nam đã công bố dịch, thì những việc cần làm được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh này là gì?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bối cảnh hàng đầu hiện nay làm sao để người mang mầm bệnh không phát tán mầm bệnh ra môi trường, không phán tán cho người thứ 2 nếu họ là người thứ nhất. Mình làm được như vậy chắc chắn từ 14 đến 28 ngày mầm bệnh tự tiêu đi thôi. Với nguyên tắc như vậy hiện nay quan trọng nhất của chúng ta là hạn chế đi lại, không tụ tập quá đông quá 2 người, khi mình tham gia phải mang khẩu trang, bảo vệ khuôn mặt, bàn tay của mình để mình không nhiễm vi rút. Mình không nhiễm thì gia đình không nhiễm thì chắc chắc cộng đồng sẽ không nhiễm.

*VOH: Với thông điệp bác sĩ chia sẻ rằng “Đừng bao giờ cho rằng chuyện chống dịch đã có Nhà nước lo. Bạn không lo được cho thân bạn thì không có Nhà nước nào mà lo nổi! Phải luôn nhớ là như vậy!”. Chắc hẳn thông điệp này bao hàm nhiều điều muốn nói và cho chúng ta ý thức được trách nhiệm của 1 công dân với xã hội, của 1 cá nhân với cộng đồng?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Đúng rồi, tại vì chúng ta nếu không cùng cộng đồng chung thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế, của Chính phủ thì chắc chắn chúng ta không góp phần được vào công tác phòng chống dịch. Nếu 1, 2 người lơ là, số người lơ là càng tăng thì trận dịch này chúng ta không thể thắng dễ dàng được.

*VOH: Như vậy việc bình tĩnh ứng phó với dịch Covid–19 đòi hỏi bản thân chúng ta nên nhớ và ý thức vấn đề nào quan trọng nhất?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Quan trọng nhất hiện nay bản thân chúng ta có thể đang mang mầm bệnh, bản thân chúng ta khi sinh hoạt bên ngoài có thể bị mầm bệnh tấn công. Chúng ta sẽ nhân mầm bệnh đó ra trong gia đình, trong cơ quan, rồi đồng nghiệp mình, rồi cộng đồng. Hiểu được như vậy để chủ động bảo vệ mình mang khẩu trang, mang nón chống giọt bắn, rửa tay thì chắc chắn mình không phải là người mắc bệnh thì mình sẽ không lây người khác. Nếu mình có mầm bệnh thì cũng không lây cho người khác. Được vậy thì không có người khác mắc bệnh, toàn xã hội sẽ không có người mắc bệnh.

*VOH: Như vậy việc chiến thắng đại dịch bao hàm sự phối hợp như thế nào giữa chính phủ, ngành y tế và cộng đồng?

- Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Thứ nhất muốn chiến thắng là tất cả những gì Chính phủ đưa ra đó là sự tư vấn của cả hệ thống các nhà khoa học sẽ thay đổi từng bước 1, người dân phải lắng nghe và tuân thủ thực hiện theo. Nếu người dân lắng nghe và thực hiện đúng nếu có lọt lưới thì số ca bệnh sẽ rất chậm, rất chậm như vậy thì nguồn lực điều trị của ta sẽ rải đều ra. Lúc đó chúng ta sẽ ngăn được việc lây lan thêm, chắn chắc chúng ta sẽ chặn được bệnh nặng, cuối cùng chúng ta chặn được tử vong. Nếu như vậy số ca ngoài cộng đồng giảm, chúng ta đủ thời gian điều trị bệnh nặng thì chắc chắn chúng ta sẽ làm tốt việc chống dịch tới mức thấp nhất ít người bệnh nhất và không có ca tử vong.

*VOH: Cám ơn bác sĩ.

Nhất Hương

Bình luận

Đọc Báo