Cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái còn lắm gian nan - Thời sự 11g00 07/07/2020

(VOH) -  Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau hơn 10 năm triển khai, bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Trong đó, công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn không ít bất cập do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chồng chéo. Các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ mạnh, quy định còn thiếu rõ ràng, cụ thể… khiến việc xử lý vi phạm cũng như công tác phối hợp đấu tranh giữa các lực lượng chức năng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Chưa kể, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giả nhãn mác, đặc biệt là hàng nhập lậu không xuất xứ nhưng giả nhãn mác hàng hóa Việt Nam đang là tình trạng đáng lo sợ cho người tiêu dùng khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Doanh nghiệp trong nước cũng chịu thiệt hại. Mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý nhưng hàng giả, hàng nhái vẫn xảy ra ngày càng tinh vi, lĩnh vực ngày càng rộng. Xung quanh vấn đề này Phóng viên Phương Dung có cuộc phỏng vấn Luật sư Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, mời quý vị cùng nghe:

*VOH: Thưa ông, việc buôn bán, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả nhãn hiệu và gian lận thương mại đang gây ra những hệ lụy gì cho nền kinh tế?

Luật sư Phạm Ngọc Hưng: Bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối nhất của xã hội cũng như thị trường hiện nay. Hệ lụy của nó ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng với hàng hóa, đặc biệt là với hàng trong nước, ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh cũng như đầu tư của các doanh nghiệp. Khi họ đầu tư cho hàng hóa ra thì trong thời gian rất ngắn nếu hàng chúng ta đạt chất lượng hay có uy tín thì ngay lập tức bị hàng giả hàng nhái nó nhái ngay. Khiến cho việc đầu tư không có lời, thậm chí còn thiệt hại cho nhà đầu tư nữa. Cái này ảnh hưởng đến các doanh nghiệp rất nhiều. Do đó, đây là một vấn nạn mà trong nền kinh tế chúng ta cần phải giải quyết.

*VOH: Vì sao đã có rất nhiều quy định về xử lý gian lận thương mại nhưng tình trạng này vẫn không giảm mà lại có chiều hướng gia tăng?

Luật sư Phạm Ngọc Hưng: Hiện nay có 3 vấn đề chính. Thứ nhất là do nhà nước và pháp luật của chúng ta có những quy định xử lý hàng gian, hàng nhái này vẫn còn nhẹ chưa làm cho những người sản xuất hàng gian, hàng giả người ta sợ. Trong khi đó quy chế xử lý còn phân tán. Cái thì thuộc QLTT có cái là thuộc thanh tra khoa học công nghệ, cái thuộc Văn hóa thể thao du lịch; cái thuộc Công an Kinh tế hay UBND ... Các đơn vị này đều có chức năng nhưng việc phối hợp để xử lý thì còn ít. Thứ 3, là do thiếu kiểm tra thường xuyên, chỉ khi người tiêu dùng hay DN phản ánh thì mới bắt tay vào xử lý nhưng xử lý cũng chưa tới nơi tới chốn. Thủ tục thì rườm rà. Tức là khi doanh nghiệp phát hiện ở thị trường có hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu của mình. Họ yêu cầu cơ quan chức năng của nhà nước đứng ra để xử lý thì rất khó. Khó là cái thủ tục để chứng minh cho nhà nước đây là hàng gian, hàng giả, hàng nhái, doanh nghiệp không tự làm được. Còn nhà nước muốn xử lý được thì phải có kiểm định, nhưng muốn kiểm định thì doanh nghiệp phải đ1ng tiền vào thì nhà nước mới đi kiêm định. Thứ 2 là phương tiện để kiểm định của cơ quan nhà nước còn thiếu, nhiều mặt hàng đưa ra không có phương tiện để kiểm định hàng đó là giả, giả bao nhiêu. Đặc biệt là trong lĩnh vực phức tạp như y tế, dược phẩm chẳng hạn, để kiểm định đây là hàng giả thì không phải đơn giản. Rồi một số người vì lòng tham đã tiếp tay cho người sản xuất hàng gian, hàng giả. Có những thương hiệu rất lớn họ vẫn bán hàng giả như thường và cái này thì người tiêu dùng cả tin về xem xét hàng gian hàng giả. Các hội bảo vệ người tiêu dùng thì chưa được nhiều người biết đến và cũng chưa hỗ trợ được cho họ. Trong khi đó một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến việc bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa của mình. Cón khi mà doanh nghiệp phát hiện ra và đi gặp các đơn vị nhà nước thì gặp khó khăn về thủ tục hành chính nên doanh nghiệp cũng ngại yêu cầu. Và cũng không cung cấp đủ thông tin hàng hóa của mình những thông tin cần bảo vệ cho các cơ quan chức năng mà người ta cần để áp dụng những biện pháp xử lý.

*VOH: Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Song bản thân doanh nghiệp lại chưa mặn mà trong việc chung tay với cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng này. Theo ông, đâu là lý do?

Luật sư Phạm Ngọc Hưng: Cái thứ nhất là doanh nghiệp không đảm bảo cơ sở pháp lý của mình để yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước xử lý như không đăng ký bản quyền, mẫu mã, không đăng ký bảo hộ logo, kiểu dáng công nghiệp. Do đó khi phát hiện sai phạm ở ngoài thị trường thì doanh nghiệp cũng không biết làm sao để yêu cầu. Hoặc khi các cơ quan nhà nước tiếp nhận những yêu cầu đó để xử lý thì cũng rất cực. Tại vì vấn để kiểm định như thế nào? Hay muốn xử lý người ta. Trong khi muốn kiện hay xử lý thì chúng ta phải lấy được cái mẫu đó rồi chuyển ra Trung tâm Kiểm định của Cục Sở hữu trí tuệ để Trung tâm cho rằng hàng này là hàng nhái, hàng giả, hoặc cái logo này có thể làm cho người tiêu dùng có thể hiểu lầm. Sau đó chúng ta mới tiến hành khởi kiện được và khi khởi kiện được cũng rất khó vì chúng ta khó chứng minh được là chúng ta sẽ thiệt hại như thế nào. Nếu thiệt hại được tính ra bằng tiền thì thiệt hại như thế nào cho nên cái này cũng cực kỳ khó về mặt thủ tục cũng như thực tế, do đó nhiều doanh nghiệp họ nói thôi kệ, lười, người ta không muốn làm.

*VOH: Việc tái diễn tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng như hàng hóa lợi dụng xuất xứ Việt Nam liệu có gây ra những nguy cơ trong xung đột thương mại quốc tế đối với chúng ta không?

Luật sư Phạm Ngọc Hưng: Rõ ràng là hàng giả, hàng nhái hiện nay người ta bất chấp là nhãn hiệu trong nước hay ngoài nước. Có những nhãn hiệu người ta nhái từ nước ngoài và đưa về Việt Nam. Những túi xách hàng hiệu toàn bộ làm ở nước ngoài rồi đưa về bán ở thị trường Việt Nam. Đây là vấn đề hết sức nhức nhối. Do đó khi mà ta ký kết các hiệp định thương mại tự do, chẳng hạn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hay Việt Nam Châu âu chẳng hạn thì vấn đề sở hữu trí tuệ rất quan trọng. Do đó, Việt Nam cũng đưa ra những biện pháp để xử lý, thậm chí đưa những biện pháp đó xử lý hình sự để chúng ta ngăn chặn. Dù muốn dù không thì chúng ta hội nhập quốc tế thì việc xử lý này nhà nước phải quyết tâm và bằng hệ thống pháp luật rất chặt chẽ mới có thể bảo hộ được hàng trong nước cũng như hàng nước ngoài vào Việt Nam, bị nhái bị giả gì thì chúng ta cũng xử lý được.

 *VOH: Xin cảm ơn ông!

Phương Dung

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo