Củ Chi chung tay vì nạn nhân da cam - Thời sự 17g00 10/08/2019

(VOH) - Là vùng đất kháng chiến, huyện Củ Chi có 810 gia đình là nạn nhân chất độc da cam với trên 600 người là nạn nhân chất độc da cam.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, những vết thương chiến tranh cũng đã dần khép lại theo năm tháng, nhưng vẫn còn đó những nỗi đau về thể xác và tinh thần của nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Hầu hết nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn huyện Củ Chi là cán bộ kháng chiến, bộ đội, thanh niên xung phong và con của họ. Nhưng nỗi đau không chỉ đặt dấu ấn lên trên một thế hệ chịu ảnh hưởng trực tiếp mà còn đeo đuổi bám lấy đến thế hệ con, cháu của họ khi được sinh ra với những dị tật bẩm sinh.

Với trên 600 người nạn nhân chất độc da cam huyện Củ Chi là địa phương có số nạn nhân chất đọc da cam/dioxin nhiều nhất so với các quận, huyện của Thành phố. Và mười năm, hai mươi năm trước đây con số này còn cao hơn gấp nhiều lần. Trong đó nhiều gia đình có từ 2 đến 3 con bị nhiễm chất độc da cam khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn.

Nạn nhân chất độc da cam đang phải chịu đựng nỗi đau tột cùng về thể xác và tinh thần. Các gia đình có người là nạn nhân da cam đều có một hoàn cảnh chung, nhiều khó khăn trong cuộc sống luôn bị bủa vây, đeo bám họ hàng giờ, hàng ngày.

Theo ông Phạm Văn Tay, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Củ Chi, chính sách của Nhà nước chỉ chăm lo được 1 phần, phần còn lại chủ yếu dựa vào ngân sách địa phương và các tổ chức xã hội nên đời sống của phần lớn các gia đình nhạn nhân chất đôc da cam/dioxin rất khó khăn.

Nhằm xoa dịu nỗi đau cho những nạn nhân chất độc da cam, góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình nạn nhân da cam/dioxin, trong thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhân dân, nhất là Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội chữ thập đỏ huyện đã có nhiều cố gắng trong tuyên truyền vận động các đơn vị, cá nhân, mạnh thường quân, huy động mọi nguồn lực xã hỗ trợ, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống hòa nhập cộng đồng.

Từ năm 2014 đến nay Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện đã đã vận động tiền và hiện vật quy ra thành tiền là gần 5 tỷ 800 triệu đồng chăm lo cho gia đình nạn nhân chất độc da cam khó khăn, như xây dựng, sửa chữa nhà tình thương; trợ vốn, tặng học bổng, trợ cấp khó khăn; khám bệnh, phẩu thuật chỉnh hình; tặng xe lăn, xe lắc; tặng quà dịp lễ, tết; tổ chức được 3 lớp học xóa mù chữ và 1 lớp vừa dạy văn hóa, vừa tập vật lý trị  liệu cho trẻ nạn nhân da cam và trẻ khuyết tật.

Ông Phạm Văn Tay, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin huyện Củ Chi, cho biết: "Đối với Củ Chi, nạn nhân chất độc da cam/dioxin tương đối nhiều mà điều tra ra không hết. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ của Huyện ủy. Cộng tác viên anh em rất nhiệt tình, làm rất vô tư, người ta làm tình nguyện. Ví dụ như 2 giáo viên Trường khuyết tật người ta sẵn sàng làm với mình, ở tận trường Sư phạm Thành phố người ta đến tận xã Tân Thạnh Tây để dạy. Mà nếu ai đã đến lớp học này ở xã Tân Thạnh Tậy sẽ không cầm được nước mắt, lớp này rất đặc biệt 26 cháu từ năm sáu tuổi đến 30 tuổi, 2 cộng tác viên vừa phụ trách phòng tập dạy vật lý trị liệu vừa dạy xóa mù chữ. Cộng tác viên họ rất tích cực, họ cũng làm không có tự nguyện không có thu nhập".

 Nhiều gia đình có thành viên là nạn nhân chất độc da cam, bản thân sức khỏe kém, hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên với bản chất truyền thống của gia đình sống trên vùng đất thép Củ Chi anh hùng, họ luôn có chung một ý chí, sống lạc quan, vui vẻ, vượt khó để vươn lên, hướng đến một tương lai tốt đẹp. Điển hình như chị Huỳnh Thanh Thảo ở xã Trung Lập Thượng là nạn nhân chất độc da cam, chỉ cao hơn 60cm, lại bị chứng xương thủy tinh nên việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhưng trong cuộc sống chị có nhiều đóng góp tích cực trong công tác xã hội, được địa phương tặng nhiều giấy khen. Không chỉ học để biết đọc, biết viết chị còn mở lớp dạy học miễn phí và bản thân tự vận động cá nhân, đơn vị hỗ trợ tặng nhiều phần quà, tổ chức nhiều hoạt động hoạt động vui chơi dành cho trẻ em: "Bản thân tôi là nạn nhân chất độc da cam nên là mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ phụ thuộc vào người thân hỗ trợ. Chưa từng được đến trường nhưng mà chắc là may mắn là là sự yêu thương của gia đình, sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là Hội nạn nhân da cam huyện Củ Chi nên là cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tôi có thể hòa nhập tốt hơn vào môi trường xã hội. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi là mong muốn đem chút xíu những cái yêu thương của mình chia sẻ đến với những bạn cùng hoàn cảnh giống như mình hoặc là những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn thông qua những chương trình, hoạt động mà tôi đã và đang làm. Bản thân thì mong muốn là có sức khỏe để có thể làm tiếp tục con đường mang yêu thương đến với tất cả mọi người".

Với những phần quà ý nghĩa từ các đơn vị, từ các mạnh thường quân giúp đỡ đã chung tay chăm lo và là nguồn động viên giúp cho nạn nhân da cam vươn lên trong cuộc sống. Và cũng như chia sẻ của chị Huỳnh Thanh Thảo là nạn nhân chất độc da cam nhưng luôn sống lạc quan, vui vẻ, vượt khó vươn lên, quên đi quá khứ đau thương, hướng đến một tương lai tươi sáng, tốt đẹp.

Ngọc Nữ

Bình luận

Đọc Báo