COVID-19 đẩy lùi phục hồi kinh tế toàn cầu - Thời sự 5g30 14/1/2022

(VOH) - Ngân hàng Thế giới (WB) vừa hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 cho thấy những tác động tiêu cực của biến thể mới Omicron.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất, WB cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 4,1%, thấp hơn so với mức 5,5% của năm 2021, thậm chí có thể giảm mạnh xuống còn 3,2% năm 2023.

Omicron

Ảnh minh họa

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới - WB, dự báo tăng trưởng 4,1% cũng thấp hơn 0,2% so với mức 4,3% được Ngân hàng Thế giới đưa ra hồi tháng 6/2021, và con số này có thể còn giảm nếu biến thể Omicron tiếp tục hoành hành. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, Ayhan Kose, tác giả báo cáo, cho rằng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron cho thấy đại dịch tiếp tục gây gián đoạn đối với nền kinh tế và tình trạng gia tăng các ca nhiễm làm quá tải hệ thống chăm sóc y tế có thể khiến dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm thêm 0,7%. WB cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế ở Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc, đồng thời cảnh báo mức nợ cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng và các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đe dọa sự phục hồi ở các nền kinh tế đang phát triển.

Cụ thể, WB đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2021 từ 6,8% xuống 5,6%, năm nay và 2023 giảm xuống lần lượt còn 3,7% và 2,6%. Với kinh tế Trung Quốc, WB đưa ra dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại, ở mức 5,1% trong năm 2022 và 5,2% trong năm tiếp theo. Nguy cơ khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và những tác động đến giá nhà, chi tiêu tiêu dùng và tài chính của chính quyền địa phương được đánh giá là rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. Trong khi đó, 19 quốc gia thuộc khu vực đồng euro, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng chung là 4,2% trong năm nay, giảm so với 5,2% năm vừa qua.

Cũng theo WB, suy giảm sẽ xảy ra đồng thời với sự chênh lệch ngày càng lớn về tốc độ tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. WB dự đoán tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển sẽ giảm từ 5% năm 2021 xuống còn 3,8% trong năm nay và 2,3% trong năm 2023. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ chậm lại ở mức 4,6%, thấp hơn so với con số 6,3% của năm 2021, và tiếp tục giảm xuống còn 4,4% trong năm 2023. Chủ tịch WB David Malpass mô tả khoảng cách tăng trưởng giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển như một hố sâu đang mở rộng” và điều này có thể làm gia tăng căng thẳng xã hội và bất ổn. Trong khi đó, chuyên gia Ayhan Kose cho rằng đại dịch đã đẩy tổng nợ toàn cầu lên mức cao nhất trong 50 năm qua. Theo báo cáo của WB, mức nợ ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong 30 năm qua, khiến thu nhập bình quân đầu người tại một số nước vẫn dưới mức trước đại dịch trong năm 2022. Điều này đòi hỏi những nỗ lực tổng thể để đẩy nhanh tái cơ cấu nợ cho các nước đang gặp khó khăn, trong đó WB kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đẩy nhanh hơn việc xóa nợ cho các nước nghèo.

Một thông tin không vui là làn sóng dịch bệnh mới do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây ra có thể đẩy tỷ lệ những người bị "COVID kéo dài" (Long COVID), tức là chịu những di chứng dai dẳng ảnh hưởng tới nhiều hệ cơ quan cơ thể sau khi khỏi bệnh, tăng cao trong thời gian tới. Cảnh báo mới của các nhà khoa học cho thấy sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron với các ca mắc mới COVID-19 trong 1 ngày tại nhiều nước liên tục lập mốc cao chưa từng thấy đang tạo thêm sức ép bởi "COVID kéo dài" được coi là một nguy cơ đối với y tế cộng đồng ẩn sau đại dịch COVID-19.

Tại New York (Mỹ), gần 90% các ca nhập viện vì COVID-19 hiện là người chưa tiêm phòng. Trong tuần đầu tiên của tháng 1, tỷ lệ mắc ở nhóm chưa tiêm phòng tăng “phi mã”  từ 239,6 ca lên 1.583,1 ca/100.000 người. Đối với nhóm người đã tiêm phòng, tỷ lệ mắc trong làn sóng dịch bệnh do Omicron gây ra cao hơn so với các làn sóng trước, nhưng tình trạng bệnh của những người này ít nghiêm trọng hơn so với những người chưa tiêm phòng.

Trong khi đó, các thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng và các sự kiện liên quan tới khí hậu có thể làm chệch hướng phục hồi ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 11/1 một lần nữa coi cuộc khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất của thế giới trong dài hạn và đại dịch COVID-19 là rủi ro lớn nhất trong trung hạn. Theo WEF, trong ngắn hạn (trong vòng 24 tháng tới), thời tiết cực đoan là rủi ro lớn nhất trên toàn cầu, tiếp theo là cuộc khủng hoảng sinh kế do COVID-19 và những rủi ro do không hành động về khí hậu. Trong giai đoạn trung hạn (từ năm 2024-2027), WEF đã đưa rủi ro do không hành động về khí hậu lên vị trí đầu tiên, tiếp đó là thời tiết cực đoan và tình trạng suy yếu gắn kết xã hội. Về dài hạn (từ năm 2027-2032), ngoài rủi ro về khí hậu, WEF cũng nêu bật mối đe dọa về đa dạng sinh học.

Bà Mari Pangestu, Giám đốc Điều hành chính sách phát triển và quan hệ đối tác của WB, khẳng định: “Những quyết sách mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra trong vài năm tới sẽ quyết định tiến trình tăng trưởng của thập niên tới. Ưu tiên trước mắt là đảm bảo vaccine được triển khai rộng rãi và công bằng để kiểm soát được đại dịch COVID-19". Tuy nhiên, chuyên gia WB cho rằng để giải quyết những thụt lùi trong tiến trình phát triển như sự gia tăng bất bình đẳng sẽ cần những sự hỗ trợ lâu dài. Trong giai đoạn nợ tăng cao, hợp tác toàn cầu sẽ là điều cần thiết để giúp tăng nguồn lực tài chính cho các nền kinh tế đang phát triển, nhằm giúp các nước này đạt được sự phát triển xanh, bền vững và bao trùm. Đây sẽ là đòn bẩy để đưa nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi giai đoạn u ám và trở lại lộ trình tăng trưởng vững chắc.

Bình luận

Đọc Báo