Cô giáo nối ước mơ của học trò nghèo – Thời sự 11g 07/12/2018

(VOH) - Từ một cô giáo trẻ vào Đắc Lắc lập nghiệp, một thời gian dài, cô Lan luôn là một tấm gương cần mẫn, chăm chỉ không chỉ trong cuộc sống mà cô luôn hết lòng vì học sinh thân yêu.

Với suy nghĩ muốn làm được điều gì đó có ý nghĩa, hơn 25 năm qua, giáo viên Đào Thị Lan, Trường Tiểu học Lê Lợi - Buôn Đôn, tỉnh Đắc Lắc là người tâm huyết với công việc gom nhặt những ước mơ và giúp cho học sinh nghèo vùng sâu có cơ hội để tiếp tục đến trường.

Cô Lan không chỉ là một giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề mà còn là một người có tấm lòng nhân ái. Luôn thực hiện tốt, xem việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” thực sự là một công việc thường xuyên, liên tục.

Từ những ý tưởng sáng tạo trong việc dạy học của cô Đào Thị Lan đã lan tỏa đến học sinh của mình biến nó trở thành những hành động đẹp, góp phần giáo dục nhân cách, nâng cao phẩm chất đạo đức của học sinh và hình thành những lối sống, những suy nghĩ lành mạnh, tích cực cho học sinh để các em không chỉ là những trò giỏi mà còn là những con ngoan biết lắng nghe, chia sẻ và cảm thông trước những bất hạnh của người xung quanh, biết tiết kiệm, sử dụng vật chất đúng mục đích và trở thành cháu ngoan Bác Hồ.

Nhắc đến Đào Thị Lan, chị Nguyễn Thị Mai, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi bày tỏ sự khâm phục: “Cô Lan rất khiêm tốn và yêu thương học sinh. Cô luôn tìm cách sáng tạo ra những phương pháp giảng dạy mới để học sinh tiếp thu bài một cách tốt nhất. Với những em học sinh khó khăn cô luôn tìm cách giúp đỡ rất tận tình, chu đáo. Đối với đồng nghiệp cũng vậy, ai gặp khó khăn gì nếu trong khả năng của cô là cô sẵn sàng giúp”

Đã có rất nhiều ước mơ của các em học sinh nghèo thành hiện thực bởi vì xung quanh chúng ta còn nhiều người tốt, những việc làm tốt. Cô Lan cho biết, hằng năm có nhiều học sinh nghèo, các em phải làm việc mưu sinh nên không thể đến lớp, cô đã đến từng nhà để vận động và quyên góp sách vở giúp các em đến trường.

Khi hỏi về nhân duyên cô đến với trẻ em vùng cao, cô kể: quê ở Thạch Kênh – Thạch Hà – Hà Tĩnh. Vào những năm 1964 - 1968 Hà Tĩnh có một con đường huyết mạch duy nhất là Ngã ba Đồng Lộc để vận chuyển quân lương, đạn dược cho chiến trường miền Nam. Nhằm hủy diệt các nút giao thông trên tuyến đường này, Mỹ đã thực hiện hàng ngàn lượt ném bom. Nơi cô và xóm làng sinh sống là một trong những  điểm bị đánh phá ác liệt nhất, và cái đêm định mệnh ngày 4/6/1968: “Năm 1968 tôi khi đó mới 2 tuổi, không may gia đình bị tai nạn chiến tranh chống Mỹ, đêm đó bố mẹ, ông bà, cả gia đình mất 7 người và để lại 3 người con. Tôi là người nhỏ nhất. Được sự giúp đỡ của hàng xóm nhưng tôi lúc nào cũng cảm thấy buồn và thiếu thốn tình cảm. Vì vậy từ khi đi dạy học, tiếp xúc với các em nhỏ, với những em có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn tình cảm của cha mẹ thì tôi càng thương hơn và tìm cách giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để các em yên tâm, tin tưởng vào cô để học tập tốt hơn”

Cả gia đình khi đó còn lại 3 chị em gái, cô Lan cũng bị một mảnh bom xuyên qua chân. Được hàng xóm cưu mang, mãi đến năm 11 tuổi mới được đi học.

Từ một cô giáo trẻ vào Đắc Lắc lập nghiệp, một thời gian dài, cô Lan luôn là một tấm gương cần mẫn, chăm chỉ không chỉ trong cuộc sống mà cô luôn hết lòng vì học sinh thân yêu. Trong công tác luôn được nhà trường công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường và cấp huyện nhiều năm liền với những sáng kiến hay, độc đáo. Đặc biệt từ khi nhà trường triển khai Chỉ thị 05 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cô càng cố gắng hơn để học tập và làm theo Bác.

Nhắc đến giáo viên Đào Thị Lan, ông Hồ Sỹ Lâm – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi, nhận xét: “Cô Lan là một người toàn diện về tư cách trong công việc ở trường cũng như ở nhà. Đặc biệt cô là tấm gương điển hình về vượt khó vươn lên. Dù công việc khó khăn đến đâu cô cũng vui vẻ hoàn thành công việc mà không nề hà. Còn về gia đình cô là người vợ, người mẹ đảm đang và dịu dàng. Nuôi dạy con cái thành tài. Vài năm gần đây chồng cô Lan bị tai biến phải nằm một chỗ nhưng cô vẫn chăm lo cho chồng con chu đáo. Cô là người hòa đồng với đồng nghiệp, luôn giúp đở đồng nghiệp khi cần thiết. Trong các phong trào cô luôn tham gia nhiệt tình, hăng hái và có trách nhiệm”

Có thể nói giáo viên Đào Thị Lan là một mẫu người luôn luôn phấn đấu không mệt mỏi trong công tác cũng như trong cuộc sống, cô không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Trong quá trình giảng dạy bằng những kinh nghiệm trong nghề cô truyền đạt kiến thức của mình cho các em học sinh bằng cả trái tim, và tấm lòng nhiệt huyết, hết mực quan tâm, yêu thương học trò.

Năm 2012, Đào Thị Lan vinh dự nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng. Đặc biệt cô còn được Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi danh: Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục vào năm 2013.

Trong công tác thì vậy, còn nhìn lại trong cuộc sống, giáo viên Đào Thị Lan là một người vợ đảm đang, một người mẹ mẫu mực, ai cũng yêu mến. 12 năm nay, chồng bị tai biến, phải nằm một chỗ, cô một mình gánh vác hết công việc gia đình, từ việc bếp núc đến việc nương rẫy nhưng vẫn chăm lo cho chồng chu đáo: “Năm 2008 chồng không may mắn bị ốm cho đến bây giờ đã 12 năm, nhưng quan điểm của tôi là khi yêu thì chồng khỏe mạnh và có nghề nghiệp ổn định, giờ đau ốm thì tôi phải chăm sóc chu đáo để chồng sống lâu hơn. Trong thời gian chồng ốm thì 2 con cũng học tốt và đậu đại học, khi đó tôi cũng rất vất vả vì vừa nuôi chồng vừa nuôi con nhưng may mắn được trời cho tôi có sức khỏe vì thời gian đó nuôi con cũng khó khăn”

Qua những việc làm của giáo viên Đào Thị Lan, không chỉ là tấm gương nhà giáo tiêu biểu về đạo đức mà còn giàu nghị lực, vượt khó trong cuộc sống và trong công tác, một đảng viên gương mẫu. Giáo viên Đào Thị Lan là tấm gương điển hình minh chứng sống động rằng: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh không phải là những việc to tát, lớn lao, mà trước hết là những việc làm bình dị, gần gũi, thiết thực nhất của mỗi người. Học và làm theo Bác không phải là chuyện phong trào, mà là việc của từng ngày, và của cả cuộc đời.

Phương Dung

VOH

Bình luận

Đọc Báo