Chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu hàng hóa: Doanh nghiệp phải thay đổi - Thời sự 11g00 22/9/2020

(VOH) - Nước ta hiện đã và đang tham gia hiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, cùng với cơ hội từ các hiệp định, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng phổ biến.

Đây cũng được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, cũng như giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng trong bối cảnh hiện nay.

Với lợi ích to lớn của chuyển đổi số là sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia sâu vào hoạt động thương mại quốc tế. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 240 tỷ đô la Mỹ, cán cân thương mại hàng hóa ước tính thặng dư hơn 5,46 tỷ đô la Mỹ. Trong bối cảnh khó khăn về đại dịch Covid-19 những con số này đã phản ánh nỗ lực to của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và công nghệ OSB, Đại lý Ủy quyền Chính thức của Tập đoàn Alibaba tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp cả trên thế giới và tại Việt Nam, để xuất khẩu được hàng hóa sang các nước thì việc lựa chọn hình thức xuất khẩu trực tuyến là rất cần thiết đối với các doanh nghiệp: “Hiện nay số lượng doanh nghiệp Việt Nam đang đưa lên gian hàng trên Alibaba cái số lượng sản phẩm rất là tốt. Trung bình 30 ngày lượng hỏi hàng từ trên Alibaba tới các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khoảng 50 nghìn đơn vị hỏi hàng. Tôi nghĩ đấy là con số rất là ấn tượng và cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài xuất khẩu trực tuyến”.

Mặc dù với nhiều lợi ích đem lại như vậy trong việc phát triển thương mại điện tử, song hiện tại vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp thờ ơ đối với quá trình chuyển đổ số trong doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp còn có tư duy chuyển đổi số chỉ là một phương tiện để phô diễn và không cho rằng đó là một khoản đầu tư hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó là tư duy sợ mất mát, ngại thay đổi… đây chính là rào cản cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Các chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, khi đất nước đã hội nhập sâu rộng, nếu không nhanh chóng ứng dụng các công nghệ số, xuất nhập khẩu vẫn chỉ là sân chơi riêng của các doanh nghiệp lớn, trong khi phần lớn các doanh nghiệp tại Việt Nam đều có quy mô nhỏ và vừa lại không tranh thủ được các cơ hội mới.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nêu ý kiến, thương mại điện tử là một trong những giải pháp cứu cánh doanh nghiệp để làm cho các hoạt động kinh doanh phát triển trở lại. Do đó yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp là phải thay đổi, đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.

Ông Dũng đánh giá: “Càng ngày thương mại điện tử càng phát triển và các nền tảng ứng dụng hoạt động mua sắm, cũng như tương tác thông qua các thiết bị di động, các điện thoại thông minh thì việc chuyển đổi phải thích ứng cho tất cả những nội dung đó. Do đó, các doanh nghiệp không chỉ chuyển đổi trong lĩnh vực xây dựng website quảng bá sản phẩm mà toàn bộ sinh thái cho thương mại điện tử cũng phải đồng thời chuyển đổi và phát triển lên một tầm cao mới, trong đó có vấn đề logitic, về xuất nhập khẩu trực tuyến cũng như việc giao hàng của chúng ta cũng phải hoàn chỉnh”.

Chủ tịch Phòng Thương mai và Công nghiệp Vũ Tiến Lộc nhận định, chuyển đổi số thành công hay thất bại không phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu là quyết tâm chính trị, vào thể chế quốc gia. Do đó, muốn chuyển đổi số, Chính phủ cần phải tạo ra hệ thống thể chế hiện đại với các quy định pháp luật phù hợp, cơ sở hạ tầng đồng bộ, cung ứng nguồn nhân lực dồi dào có kỹ năng, để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số. Về phía doanh nghiệp, phải đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số, hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững và bao trùm: “Những câu chuyện thành công của chuyển đổi số cho thấy, những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ mô hình kinh doanh truyền thống được thiết lập mô hình kinh doanh mới. Sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những khâu trung gian còn rườm rà, hình thức. Đổi mới tổ chức trên nền tảng sáng tạo sẽ là bước đi mở đường cho kinh tế số ở cấp doanh nghiệp”.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt thông qua việc ứng dụng Thương mại điện tử trực tuyến. Ngoài ra, Bộ cũng đang khẩn trương hoàn tất Kế hoạch thực thi cũng như ban hành các văn bản pháp luật cần thiết. Cùng với đó, tăng cường đối thoại, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Còn theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ lưỡng nội dung từ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và các xu hướng, mô hình chuyển đổi số phù hợp. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tài lực cũng như các điều kiện cần thiết khác để có thể đáp ứng được các yêu cầu này nhằm tận dụng được các lợi thế cho mình trong thời gian tới.

VOH

MC: Kim Phượng – Minh Trung

Bình luận

Đọc Báo