Chống sạt lở ĐBSCL rất cần quy hoạch tổng thể - Thời sự 5g30 17/072019

(VOH) - Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay gây ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh và có những tác động nhất định đến biến đổi tự nhiên tại khu vực này.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đến sớm hơn dự kiến, các nước tiểu vùng sông Mê Kông chặn dòng để khai thác thủy điện... vì vậy vấn đề chống sạt lở cho ĐBSCL đặt ra những đòi hỏi mới rất cấp bách. Đặc biệt, Nghị quyết 120 của Chính Phủ định hướng xây dựng phát triển ĐBSCL trên cơ sở “thuận thiên” tránh can thiệp thô bạo vào môi trường, điều kiện đất- nước tại đây cũng buộc chúng ta phải có cách tiếp cận khác hơn để ngăn chặn sạt lở. Phóng viên VOH phỏng vấn PGS.TS Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam liên quan đến nội dung này.

*VOH: PGS đánh giá như thế nào về tình hình sạt lở ở ĐBSCL hiện nay?

- PGS.TS Trần Bá Hoằng: Theo số liệu thống kê của Viện khoa học thủy lợi miền Nam, đến cuối năm 2018 toàn bộ 13 tỉnh –thành ĐBSCL có 564 vị trí sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 834 km. Trong đó riêng bờ sông là 512 vị trí, chiều dài 566km. Bờ biển có 52 vị trí, chiều dài 268 km. Có thể thấy, vấn đề sạt lở ở đây rất nghiêm trọng, đặc biệt là bờ biển.

*VOH: Theo PGS thì điểm nóng sạt lở hiện nay thuộc địa bàn nào và nguyên nhân ra sao?

- PGS.TS Trần Bá Hoằng: Qua nghiên cứu, trong suốt giai đoạn từ năm 1990, phân ra 2 giai đoạn 1990-2005: tổng xói bồi chúng ta vẫn dư đất, tăng hàng năm; từ năm 2005 đến nay trung bình giữa xói và bồi, chúng ta mất 330ha/năm. Tình hình sạt lở bờ biển như vậy là rất nghiêm trọng. Còn sạt lở nóng bờ sông hiện nay xảy ra ở một số khu vực dân cư, hạ tầng cơ sở thuộc các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ...Đó là những điểm sạt lở rất mạnh do ở đầu nguồn, sông thì sâu, địa chất mềm yếu, dòng cháy lớn. Như trường hợp sạt lở tại Vàm Nao, một số nhà cạnh bờ đã rơi xuống sông. Ngoài ra, những khu vực dân cư đông ở một số khu vực Cần Thơ, Vĩnh Long cũng xảy ra hiện tượng sạt lở do dân cư ngày càng gia tăng.

*VOH: Những giải pháp xử lý trong quá khứ và hiện tại còn phù hợp hay không? Chẳng hạn như xử lý sạt lở tại chỗ, kè từng khu vực hay di dời dân cư...còn phù hợp không?

- PGS.TS Trần Bá Hoằng: Có thể nói các giải pháp chúng ta đã thực hiện đã có hiệu quá tốt trong thời điểm đó. Tuy nhiên thời điểm hiện nay có thể một vài vị trí không như ban đầu nữa do các điều kiện đã khác đi như sóng gió, dòng chảy, biến đổi khí hậu! Trong thời điểm đó, kinh phí, tiềm lực của chúng ta cũng hạn chế, việc xử lý của chúng ta chỉ cục bộ nhưng cũng rất tốt và có giá trị.

*VOH: Nhưng có ý kiến cho rằng, chống sạt lở ở ĐBSCL thời gian vừa qua thiếu liên kết vùng. Ý kiến của PGS như thế nào?

- PGS.TS Trần Bá Hoằng: Theo tôi, ý kiến đó hoàn toàn đúng! Tại vì khi chúng ta làm công trình chỉnh trị sông hoặc bờ biển, nếu chúng ta làm cục bộ ở đoạn này có thể tác động đến đoạn khác. Chính vị vậy tôi nói trong giai đoạn trước do điều kiện kinh tế khó khăn, chúng ta chỉ xử lý những vị trí sạt lở ngay tức khắc. Tuy nhiên đến thời điểm này tình hình kinh tế đất nước tốt hơn, khoa học công nghệ cũng đã phát triển hơn, để đảm bảo an toàn tốt tuyệt đối không ảnh hưởng thì phải có cái nhìn tổng thể. Tức là đối với sông, chúng ta phải có kế hoạch chỉnh trị trên toàn con sông, vạch được tuyến chỉnh trị để thi công bảo vệ bờ ở đoạn này sẽ khônghoặc ít tác động đến đoạn khác. Đối với công trình bảo vệ bờ biển cũng vậy! Chúng ta làm công trình bẫy bùn cát. Nếu chúng ta làm nhiều quá ở phía Bắc thì phía Nam lại thiếu bùn cát đi sau. Vì vậy phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL hiện nay rất cần phải có quy hoạch tổng thể. Cái này thể hiện rất rõ trong Nghị quyết 120 của Chính Phủ.

*VOH: PGS vừa nhắc đến Nghị quyết 120 của Chính phủ. Vậy trong điều kiện hiện nay, chúng ta phải thay đổi như thế nào, có giải pháp nào trong bối cảnh biến đổi khí hậu đến sớm, nhất là theo tinh thần Nghị quyết 120? 

- PGS.TS Trần Bá Hoằng: Nghị quyết 120 có thể xem là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững của ĐBSCL. Trong Nghị quyết có nói đến thuận thiên và tôi hiểu sự thuận thiên là ta không can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Nhưng chúng ta vẫn có những giải pháp phù hợp để ngăn chặn sạt lở bờ sông, bờ biển hiện nay. Ví dụ cơ sở hạ tầng, dân cư đông đúc, các thành phố, thị xã đương nhiên phải làm các công trình bảo vệ để giữ được an toàn tính mạng người dân và cơ sở hạ tầng ở khu vực đó. Còn những khu vực dân cư ít hoặc không có hay chỉ là  ruộng vườn thì ta có thể di dời người dân để đảm bảo không phải tốn chi phí. Bởi bản chất của dòng sông là bên lở bên bồi. Tuy nhiên, với sạt lở bờ biển thì mất đất sẽ kèm mất rừng phòng hộ. Đó là một vấn đề nguy hại! Vì vậy chúng ta phải có giải pháp bảo vệ được rừng, được đất.

Hiện nay Viện Khoa học Thủy lợi chúng tôi được Bộ Khoa học & Công nghệ giao cho cụm đề tài để nghiên cứu, tìm giải pháp tổng thể cho toàn ĐBSCL. 

*VOH: Đối với vấn đề chống khai thác cát trái phép, quản lý tài nguyên đất tại ĐBSCL có được xem là giải pháp tốt để chống sạt lở trong tình hình hiện nay không?

- PGS.TS Trần Bá Hoằng: Trong thời gian vừa qua, khai thác cát có lẽ đã vượt qua mức cho phép. Vì vậy đó cũng là yếu tố tác động làm xói lở bờ sông, bờ biển diễn ra ngày một mạnh hơn. Ở ĐBSCL khi cấp phép số liệu này nhưng có thể người ta khai thác ở mức khác. Vị trí khai thác cũng có thể thay đổi! Cho nên tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ trong xử lý khai thác cát ở ĐBSCL. 

*VOH: Câu hỏi cuối, thượng nguồn sông Mê Kông bị chặn dòng để làm thủy điện ở các nước tiểu vùng Mê Kông ảnh hưởng như thế nào đến tình hình sạt lở ở ĐBSCL?

- PGS.TS Trần Bá Hoằng: Việc khai thác thượng nguồn ảnh hưởng rất lớn đến ĐBSCL chúng ta. Theo số liệu chúng tôi được biết, Trung Quốc đã hoàn thành 6 đập trong tổng số 8 đập họ dự kiến xây trên dòng Mê Kông. Phía Lào và Campuchia trong quy hoạch có 11 đập thì hiện nay họ đã triển khai 2 đập. Lượng bùn cát về ĐBSCL hiện nay giảm 63% so với năm 1998. Đấy chính là nguyên nhân lớn dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển chúng ta.  Ngoài ra việc xây dựng đập thủy điện ở sông Mê Kông đã làm thay đổi chế độ dòng chảy, khiến mùa hạn bị lệch đi. Trước đây, thời điểm hạn mặn lớn nhất cuối tháng 3 và đầu tháng 4, còn hiện nay chuyển sang cuối tháng 1 và đầu tháng 2. Chính vì vậy nó ảnh hưởng lớn đến vụ mùa Đông Xuân ở ĐBSCL. Cho nên các tỉnh- thành trong khu vực cùng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn phải chuyển dịch mùa vụ để phù hợp với nguồn nước tại ĐBSCL.   

*VOH: Cảm ơn PGS TS Trần Bá Hoằng.

Huỳnh Sang

Bình luận

Đọc Báo