Cẩn trọng với cơn sốc nhiệt mùa nắng nóng – Thời sự 17g 15/03/2019

(VOH) - Ngột ngạt, nóng bức, mồ hôi bài tiết nhiều cũng dễ làm cho nhiều đối tượng như trẻ em, người già mắc bệnh.

Thời tiết nắng nóng liên tục trong mấy tuần qua khiến cho cuộc sống sinh hoạt đời thường của nhiều bộ phận bị đảo lộn, nhất là những người có nghề nghiệp thường xuyên phải ở ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng mặt trời. Ngột ngạt, nóng bức, mồ hôi bài tiết nhiều cũng dễ làm cho nhiều đối tượng như trẻ em, người già mắc bệnh. Tuy nhiên, đáng ngại vẫn là những cơn sốc nhiệt hay còn gọi là đột quỵ nhiệt bà con cần lưu ý để phòng tránh. 

Trong những ngày vừa qua, nhiệt độ ở TPHCM cao, có những thời điểm nhiệt độ lên đến 40 độ C, chỉ số bức xạ tia cực tím UV cũng vượt ngưỡng an toàn ở mức 8 - 10. Do vậy, dễ gây khó chịu đến sinh hoạt cho người dân nhất là người lao động làm việc ngoài trời. Khi nhiệt  độ ngày càng tăng cao vào giữa trưa thì công nhân tại các công trình xây dựng khá vất vả khi họ phải thường xuyên leo giàn giáo cao để xây hay hàn mái tôn, làm trần nhà. 

Tại khoa Khám bệnh – Bệnh viện Nhi đồng 1, số bệnh nhi đến khám thời điểm này luôn trong tình trạng quá tải. Mỗi ngày, tại đây tiếp nhận từ 4.000 đến 5.000 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong số đó, khoảng 20-30% bệnh nhi mắc các bệnh lý về đường hô hấp, 10-20% mắc các bệnh lý về tiêu hóa, khoảng 5% mắc bệnh tay chân miệng và rải rác một số ca bệnh thủy đậu, viêm não. Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo với trẻ nhỏ trong nền nhiệt độ cao như vậy, các em nhỏ phải được bù nước: “Chúng ta lưu ý là cần cho bé bổ sung nước, đặc biệt là vấn đề về tiêm chủng phải đặc biệt quan tâm. Hiện tại việc tiêm chủng chưa được thực hiện tốt nên một số bệnh tăng, đặc biệt là sởi. Những trẻ chưa tiêm phòng sởi thì thường mắc sởi có thể nặng, nhất là những trẻ vừa bị sởi vừa viêm phổi thì diễn tiến nhanh và nặng

Thời tiết nắng nóng còn kéo dài, như chúng tôi đã chia sẻ từ đầu, khi tiết trời quá nóng, sốc nhiệt hay còn gọi đột quỵ do nhiệt rất có thể xảy ra. Đây là loại bệnh có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não. Nguyên nhân là do bị mất muối và nước kéo dài đi kèm sự quá tải khả năng hoạt động của trung tâm điều nhiệt. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận đặc biệt là hệ thần kinh kèm các triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, buồn ói, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật thậm chí hôn mê. Bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, chuyên khoa Y Học Gia Đình, Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố lưu ý: “Trong mùa nắng nóng, bệnh thường gặp nhiều nhất là bệnh say nắng, khi trời nắng oi bức và nóng kéo dài, ở những người lớn tuổi, có các bệnh lý nội khoa đi kèm như huyết áp, tiểu đường, cũng như những trẻ em dễ mắc phải những trường hợp nặng  như thế này và những trường hợp đó nếu mình không phát hiện kịp thời thì những biểu hiện ban đầu chỉ là hoa mắt chống mặt nhưng mà còn bị nặng hơn dẫn đến hôn mê, đột quỵ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như nguy cơ tử vong rất nguy hiểm”

Để phòng ngừa các bệnh do thời tiết nắng nóng hay thời điểm giao mùa gây ra, khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao, chúng ta nên có các biện pháp sau đây như mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đội nón rộng vành, hạn chế thời gian tiếp xúc ánh nắng từ 10h đến 16h. Nếu bắt buộc phải làm việc hay hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao  thì nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần / 1 giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc. Chúng ta cũng nên chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát nước mới uống, phải uống ít nhất là 2 lít nước mỗi ngày. Đặc biệt lưu ý khi đi ngoài trời nắng về thì không được tắm ngay mà nên nghỉ ngơi, để khô mồ hôi khoảng 30 phút. Ngoài ra, cũng không nên tắm nhiều lần trong ngày để tránh việc cơ thể bị thay đổi nhiệt độ liên tục, không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, cũng có thể sử dụng các loại trái cây giàu Vitamin C, hỗ trợ miễn dịch cho cơ thể.

Nhất Hương – Phước Tiến

VOH

Bình luận

Đọc Báo