Cần thiết việc kéo dài chính sách hỗ trợ đào tạo người lao động – Thời sự 5g30 30/6/2022

Theo quy định của Nghị quyết số 68, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng.

Khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động bình thường, sẽ có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất - kinh doanh để đáp ứng yêu cầu trong trạng thái bình thường mới, và có nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động phù hợp với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động, cũng như tạo điều kiện cho người lao động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo quy định, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng/người. Chính sách được triển khai từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2022.

Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp để thông tin tuyên truyền và triển khai đến các doanh nghiệp, để doanh nghiệp và người lao động hiểu được ý nghĩa của việc đào tạo nghề nghiệp, cũng như tiếp cận chính sách hỗ trợ thuận lợi nhằm duy trì việc làm tốt, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần vào sự phục hồi và phát triển của thành phố. Để hiểu thêm kết quả triển khai Chính sách vào thực tế, Phóng viên VOH có cuộc phỏng vấn ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh.

*VOH: Thưa ông, hơn 1 năm qua, Sở Lao động thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh đã đưa Nghị quyết 68 của Chính phủ vào thực tế cuộc sống như thế nào?

Ông Đặng Minh Sự: Đối với Nghị quyết 68 thì chúng ta có hướng dẫn cụ thể, đó là quyết định 23 và quyết định 33 sửa đổi bổ sung. Đây là một trong những chính sách của Chính phủ ban hành kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp khắc phục sau đại dịch Covid 19. Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có số lượng doanh nghiệp rất lớn, do đó, khi có văn bản của Chính phủ và Bộ Lao động thương binh và xã hội, kèm theo bộ cẩm nan của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, thì chúng tôi đã nhanh chóng tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành 2 văn bản, gởi đến các cơ sở quản lý về các doanh nghiệp như: Ban quản lý Các Khu công nghiệp – Khu chế xuất, Ban quản lý Khu Công nghệ cao, gởi đến các quận, huyện, thành phố Thủ Đức…để tổ chức triển khai và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định này.

Nội dung chính của 2 văn bản hướng dẫn này là, đối với doanh nghiệp khi muốn thụ hưởng chính sách này, thì điều đầu tiên là phải lập danh sách có tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu là phải đủ 12 tháng; Thứ hai là, phải có đề án sắp xếp lại cơ cấu tổ chức cũng như thay đổi công nghệ của mình để khắc phục hậu quả Covid 19 và nhanh chóng đi vào hoạt động hiệu quả. Thứ ba là, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai thuế, trong đó, doanh nghiệp phải giảm tối thiểu 10% so với thời điểm nộp hồ sơ cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, so với quý liền kề, để đảm bảo được tất cả thủ tục và gởi hồ sơ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sau khi được xác nhận của cơ quan Bảo hiểm xã hội, thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ban hành quyết định hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị.  

Bên cạnh hướng dẫn đó thì ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết nối với doanh nghiệp để hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hồ sơ và giới thiệu những ngành nghề mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp mình được đào tạo để thực hiện chính sách này một cách hiệu quả và nhanh chóng nhất.

*VOH: Theo ông đánh giá, quá trình triển khai chính sách này vào thực tế có những khó khăn gì?

Ông Đặng Minh Sự: Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi tiếp nhận đến thời điểm này là 12 hồ sơ. Tuy nhiên, qua thẩm định hồ sơ thì chúng tôi mới có tham mưu hỗ trợ được có 3 doanh nghiệp thôi. 3 doang nghiệp này đảm bảo theo đúng trình tự thủ tục, hồ sơ, do đó cũng nhanh chóng triển khai vì hiện nay các đơn vị cũng đi vào hoạt động. 

Còn những hồ sơ còn lại chưa đảm bảo được là do thành phố Hồ Chí Minh đại dịch xảy ra sớm và đã tạm kết thúc. Do đó, đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã đi vào hoạt động và ổn định về mặt tổ chức, nhân sự và người lao động cũng đã quay trở lại làm việc. Do đó, việc doanh thu của doanh nghiệp giảm 10% so với quý liền kề khi bắt đầu nộp hồ sơ…thì đây là một yêu cầu khó khăn đối với doanh nghiệp vì đến thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã ổn định trong hoạt động kinh doanh.

*VOH: Thưa ông, bài toán nào để giải quyết những khó khăn trên, cũng như giúp người lao động, doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ đầy đủ nhất?

Ông Đặng Minh Sự: Để tiếp cận gói hỗ trợ này thì cũng không có gì khó khăn, trong hướng dẫn chúng tôi cũng đã triển khai. Doanh nghiệp không nhất thiết phải liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mà ngay tại cơ sở, doanh nghiệp đủ điều kiện đào tạo cho người lao động, thay đổi về mặt cơ cấu, về mặt tổ chức, thì chúng ta cũng có thể đào tạo ngay tại doanh nghiệp của mình, với điều kiện là doanh nghiệp phải đảm bảo quy định là doanh nghiệp có chức năng đào tạo giáo dục nghề nghiệp thì vẫn thực hiện được.

Theo tôi thấy, hiện nay doanh nghiệp cũng có thể chủ động liên hệ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trú đóng gần doanh nghiệp, để được sự hỗ trợ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo cho người lao động của mình, căn cứ với lại điều kiện cơ sở giáo dục nghề nghiệp đó được cấp phép đào tạo ở những ngành nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu. Tôi nghĩ doanh nghiệp nên mạnh dạn đến với cơ quan nhà nước để thực hiện nội dung này.

Một vấn đề nữa tôi cho rằng rất thuận lợi là, chúng tôi vừa tham mưu cho lãnh đạo Sở gởi văn bản đến các phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để các đơn vị tham mưu với Ủy Ban nhân dân quận, huyện và thành phố tổ chức đối thoại với doanh nghiệp ngay tại địa phương của mình, thông qua đó, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh với chính sách này. Về kiến nghị thì tôi nghĩ rằng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên kiến nghị với Chính phủ kéo dài thêm chính sách này nữa, và chúng ta cũng nên có tham mưu để theo lộ trình phát triển của thực tế. Ví dụ, thành phố Hồ Chí Minh đã từng bước khắc phục khó khăn về kinh tế, như thế, chúng ta cũng nên kéo dài thêm thời gian và nên giảm đi yêu cầu doanh thu tối thiểu 10%. Thay vào đó có thể là yêu cầu doanh thu giảm 7% hoặc 5% so với quý liền kề khi bắt đầu nộp hồ sơ. Như vậy thì gói chính sách sẽ vừa nhân văn lại vừa thực tiễn vào đời sống kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.

*VOH: Cảm ơn ông về những thông tin vừa rồi.

Huệ Như

Bình luận

Đọc Báo