Cần tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy chữa cháy - Thời sự 17g00 13/11/2019

(VOH) - Chiều 13/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018.

Phiên họp dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. 

Theo báo cáo, từ tháng 7/2014 đến tháng 7/2018, trung bình mỗi năm xảy ra gần 3.300 vụ cháy, khiến 87 người chết, 200 người bị thương, thiệt hại 1.600 tỷ đồng. Cả nước hiện còn 2.600 công trình nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc chưa nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy.

Nhận định tình hình cháy, nổ sẽ gia tăng và phức tạp hơn, đoàn giám sát đề nghị Quốc hội cần ban hành nghị quyết đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018. Nghị quyết sẽ xác định các giải pháp quan trọng để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.

Đại biểu Thích Thanh Quyết – Đoàn Quảng Ninh cho rằng: Chính phủ cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý của mình trong vấn đề này: “Việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm cần tiếp tục được nâng cao và đặt lên vị trí quan trọng. Để khắc phục những vấn đề còn tồn đọng trong thời gian tới, tôi mong Chính phủ phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Ưu tiên việc ban hành,hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật”.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc – Đoàn Bình Thuận ý kiến về việc nhiều văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy còn bất cập, chung chung và chậm đổi mới. Theo bà, các cấp chức năng cần phải tuyên truyền rộng hơn, mạnh mẽ hơn công tác phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó, cần tăng cường chăm lo cho đội ngũ cán bộ chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu với “giặc lửa”.  “Quan tâm phương tiện chữa cháy, nhất là phương tiện chữa cháy nhà cao tầng. Vấn đề bảo trợ, chăm lo cho cán bộ chiến sĩ cần phải được chú trọng vì đây là ngành nghề nguy hiểm, độc hại”, đại biểu Phúc đề nghị.

Riêng Đại biểu Mùa A Vàng – Đoàn Điện Biên cho rằng công tác phòng cháy chữa cháy ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Theo ông, vấn đề cháy rừng đang rất “nóng”, cần tạo thêm những đội phòng cháy chữa cháy ở thôn, bản bên cạnh lực lượng kiểm lâm. “Trong điều kiện đang thực hiện chủ trương tinh giảm biên chế, chúng ta không tăng thêm lực lượng kiểm lâm được thì nên phát huy vai trò của các đội phòng cháy chữa cháy ở thôn, bản”, đại biểu A Vàng ý kiến.

Báo cáo, giải trình một số vấn đề mà đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thẳng thắn nhận trách nhiệm cho những thiếu sót, hạn chế trong công tác phòng cháy chữa cháy ở các công trình xây dựng: “Công tác thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế và trong báo cáo thẩm tra của Quốc hội cũng đánh giá rất rõ là có những công trình vi phạm xây dựng, chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy. Tôi xin thẳng thắn nhận trách nhiệm”.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, thời gian tới sẽ còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng các yêu cầu trong công tác phòng cháy chữa cháy. “Và chúng tôi định hướng là sẽ nghiên cứu, bổ sung thêm quy định phòng cháy chữa cháy cho các vật liệu mới. Bổ sung thêm các quy chuẩn về nhà cao tầng hay là quy định về các chức năng công trình hỗn hợp”, ông Phạm Hồng Hà cho biết.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng, chính phủ cần tập trung chỉ đạo tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng cháy chữa cháy đối với những công trình, hoạt động có nguy cơ cháy nổ, đồng thời với việc xem xét trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc để xảy ra sai phạm. 

Phú Sơn

Tin Audio Liên Quan

Bình luận

Đọc Báo