Cần đổi mới để tìm lại khán giả cho cải lương - Thời sự 5g30 08/12/2018

(VOH) - Hội sân khấu TP phối hợp cùng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP tổ chức buổi tọa đàm kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương với chủ đề “Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương”.

Làm sao để tìm lại khán giả cho cải lương, làm thế nào để cải lương bắt nhịp cùng nhịp sống hiện đại và người trẻ là những vấn đề được đặt ra tại buổi tọa đàm.

Sự kiện thu hút sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, nhà lý luận phê bình, nhạc sĩ, đạo diễn, soạn giả, diễn viên và hàng trăm sinh viên của nhiều trường đại học trên địa bàn TP. Tọa đàm chọn giai đoạn rực rỡ nhất của sân khấu cải lương 1955 – 1975 với nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh, đánh dấu chặng đường hoàng kim của nghệ thuật cải lương để phân tích, trao đổi lý giải vì sao khán giả lại ái mộ cải lương đến như vậy. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn trong dàn dựng, diễn xuất và các yêu tố khác nhưng cải lương vẫn để lại nhiều vở tuồng giá trị đến ngày nay, khán giả “mê” xem cải lương và coi đó là một giá trị tinh thần không thể thiếu.

Thế nhưng ngày hôm nay, khi xã hội ngày càng phát triển, có điều kiện về mọi mặt thì cải lương lại mất dần công chúng và càng lúc  càng rơi vào khó khăn, có đôi khi bế tắc. Không phải là tất cả nhưng một bộ phận lớn người trẻ gần như quay lưng lại với cải lương, vì sao lại như vậy.Nhiều ý kiến cho rằng vì cứ mãi khư khư ôm lối làm cải lương cũ kỹ và thiếu quan tâm đến giáo dục về âm nhạc dân tộc cho người trẻ như phát biểu của Nhà nghiên cứ âm nhạc dân tộc - Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên: “Chúng ta cứ trăn trở vì sao lớp trẻ cứ quay lưng với cải lương, không tham gia vào cải lương. Có lẽ chúng ta nên xem lại bộ môn rất gần với cải lương đó là giáo dục tinh thần công dân. Ngày xưa chúng tôi được học dân tộc tính, được học tinh thần công dân… để nó sống mãi trong lòng dân tộc, trên quê hương đã sản sinh ra nó”.

Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém đó là kịch bản, khi thiếu vắng những soạn giả tài hoa, thiếu những kịch bản hay, đủ rung cảm, chạm đến tâm tư tình cảm của người thưởng thức thì khán giả cũng không thiết tha gì để chọn sàn diễn cải lương.

Một thực tế đáng buồn hiện nay cũng được nhiều nhà nghiên cứu  thảo luận đó là nghệ sĩ cải lương hiện  không được xem trọng, họ sống khó khăn với nghề. Quan trọng hơn là chúng ta có một loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo như vậy nhưng hình như khán giả chúng ta thờ ơ, chưa quý giá trị và bản sắc độc  đáo của riêng mình. Vấn đề này ở nước ngoài làm rất tốt với từng loại hình nghệ thuật của họ như chia sẻ của ông Lê Hồng Phước – Phó trưởng Khoa Ngữ văn Pháp – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, là người thực hiện nhiều chương trình giới thiệu cải lương cho kiều bào ở nhiều nước, ông cho biết thêm:“Chúng ta làm cải lương, muốn cải lương sống nhưng mà không phải là bất chấp mọi giá … khi nghệ sĩ làm thật diễn thật thì tự nhiên vai diễn của mình sẽ đẹp”.

Nhiều nhà lý luận phê bình cũng khẳng định rằng bản thân của chữ cải lương  đã là đổi mới, nghĩa là trong suốt quá  trình hình thành và phát triển cho đến tận hôm nay, cải lương không ngừng phát triển và liên tục tiếp nhận những cái mới chứ không hề đứng yên hay định hình ở một dạng thức nào. Vậy nên những người làm cải lương cũng không được đi ngược lại với những quy luật đó mà phải đồng hành, đi cùng để cải lương luôn hấp dẫn trong mắt công chúng cũng như khơi gợi  niềm tự hào, yêu mến đối với nghệ thuật truyền thống dân tộc trong lòng người trẻ.

Khá nhiều sinh viên có mặt tại buổi tọa đàm chia sẻ nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau đối với nghệ thuật cải lương, phần lớn đều yêu quý nhưng lại tâm tư vì không có điều kiện hiểu nhiều về loại hình nghệ thuật này như Duy Khang – Sinh viên Nhạc viện TPHCM nói: “Em có làm việc với nhiều bạn sinh viên quốc tế và  biết là ở đất nước của các bạn có đào tạo âm nhạc cổ điển từ nhỏ, một loại hình rất khó nghe, khó hiểu nhưng họ vẫn hiểu. Đó là vì họ được  dạy dỗ từ nhỏ… âm nhạc cũng như ngôn ngữ, không học thì không biết được, và mỗi người không ai tự nhiên lớn lên mà biết, mà yêu âm nhạc được”.

Một trong những ý kiến nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu, văn nghệ  sĩ  tại hội nghị là phát biểu của đạo diễn – NSƯT Ca Lê Hồng khi bà chỉ ra rằng cải lương đang chưa được đầu tư đúng mức. Làm nghệ thuật mà không có kinh phí, nửa vời, làm cho có thì làm sao sống khỏe được: “Muốn làm cải lương phải đồng bộ, phải được nhà quản lý đầu tư đến nơi đến chốn… phải làm nếu không chúng ta sẽ có tội với công chúng với tổ tiên ngành của chúng ta”.

Là một  người tâm huyết, một nhà lý luận phê  bình, một đạo diễn cống hiến gần như cả đời mình cho sân khấu , NSƯT Trần Minh Ngọc – Trưởng Khoa Lý luận phê bình Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng: “Sân khấu hiện nay phải đi tìm lại khán giả, phải có sự đồng cảm với lớp trẻ, với thế hệ trẻ… Phải tìm những giá trị phù hợp để làm  cải lương cho tốt”.

Và quả thật không có điều kiện làm nghề, không có được môi trường để hoạt động, không có đời sống kinh tế ổn định để an tâm sáng tạo thì làm sao làm ra những tác phẩm hay. Và nếu không tôn trọng khán giả, mỗi người làm nghệ thuật không tự thay đổi trong tư duy, trong cách làm, không bắt kịp nhịp sống của thời đại thì sẽ là một mối lo lớn cho nghệ thuật cải lương trong tương lai. Đạo diễn Hồng Dung – Phó Chủ tịch Hội sân khấu TPHCM nhấn mạnh: “Tôi cũng là một trong những người vô cùng bức xúc về cải lương, vì cha ông tôi là người làm cải lương, tôi ước mong  sân khấu cải lương phải là một sân khấu hiện đại bậc nhất… vậy thì tôi tịn cải lương sẽ thắng và sẽ thuyết phục được người trẻ đến với cải lương”.

Nhiều giải pháp được đưa ra, nhưng dường như ai cũng quan tâm đến việc trong tương lai, cải lương sẽ được đầu tư như thế nào về mọi mặt để khoác lên mình chiếc áo mới sao cho  đẹp, hấp dẫn và  “vừa vặn” hơn với công chúng. NSƯT Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP cũng xúc động và tâm tư khi theo dõi suốt hội nghị. Bà ghi nhận ý kiến của văn nghệ sĩ và  đứng từ góc độ quản lý, bà sẽ cố gắng để làm sao trong tương lai  bức tranh của nghệ thuật cải lương sẽ là những mảng màu sống động, hoạt động liên tục và được công chúng đón nhận: “Thay mặt cơ quan quản lý nhà nước tôi trân trọng tiếp thu tất cả ý kiến của nhiều văn nghệ sĩ đã đóng góp… làm sao để chúng cho người dân TPHCM, nhất là công chúng trẻ, yêu hơn nữa, và có trách nhiệm cũng như hành động chung tay giữ gìn quảng bá bộ môn nghệ thuật này”.

100 năm, một chặng đường rất tự hào, nhưng những người làm cải lương sẽ phải làm gì để cải lương sống đẹp, sống khỏe, sống rực  rỡ với thời đại với công chúng là câu hỏi cần mọi người quan tâm tìm giải đáp. Vậy thì không còn cách nào khác mà phải bắt tay vào làm ngay, đổi mới ngay và đầu tư ngay để tìm lại  thị phần khán giả của nghệ thuật cải lương.

Ngọc Thu

Bình luận

Đọc Báo